tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 11-08-2015

  • Cập nhật : 11/08/2015

Quảng Trị: Sẽ đầu tư xây dựng nhà máy điện gió hơn 1.400 tỉ đồng

 UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản đồng ý thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.

Dự án sẽ được triển khai tại địa bàn xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, với thời hạn hoạt động 50 năm.

Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 sẽ đầu tư 15 Tuabin gió, công suất mỗi Tuabin là 2 MW, tổng công suất 30MW, trong diện tích khoảng 12 ha ở xã Hướng Linh.

xa huong linh - noi se duoc dau tu xay dung nha may dien gio 

Xã Hướng Linh - nơi sẽ được đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió 

Dự kiến, đến tháng 12/2016, dự án sẽ hoàn chỉnh và tiến hành thí nghiệm, hiệu chỉnh và đấu nối.

Khi nhà máy điện gió đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Xã Hướng Linh là địa phương còn khó khăn, nằm bên cạnh hồ thủy điện Rào Quán. Những năm gần đây, dù đã được quan tâm đầu tư nhiều công trình công cộng phục vụ dân sinh như hệ thống điện, đường, trường, trạm…nhưng cuộc sống của phần lớn người dân định cư tại đây vẫn còn nhiều khó khăn.


​Đề nghị truy tố nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai

Quý đã ký công văn xin điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Trường THCS Phiêng Nèn gửi Sở KH-ĐT. Đây là nguyên nhân chính, là cơ sở để các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.

Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La, vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công trình Trường trung học cơ sở (THCS) khu tái định cư Phiêng Nèn, trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La truy tố 7 bị can về hai tội danh trên.

Theo đó, các bị can Đinh Bá Vương (33 tuổi, Phó trưởng ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Quỳnh Nhai), Nguyễn Thế Lãm (36 tuổi, cán bộ giám sát của Ban quản lý dự án), Lò Đức Anh (31 tuổi, cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Sơn La) và Hoàng Ngọc Mạnh (35 tuổi, kỹ sư xây dựng thuộc Công ty TNHH xây lắp và thương mại Hoàng Mạnh) bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can Lừ Văn Quý (43 tuổi, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Quỳnh Nhai, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai), Nguyễn Văn Nghĩa (43 tuổi, Phó phòng kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La) và Vũ Tiến Triển (49 tuổi, Trưởng phòng thẩm định dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La) bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra xác định đơn vị thi công đã lập hồ sơ thanh toán với khối lượng không đúng thực tế, được đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và đại diện Ban quản lý dự án xác nhận và được thanh toán với giá trị khối lượng không đúng tại một số hạng mục gây thất thoát tài sản của Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, Đinh Bá Vương cùng các đồng phạm đã lập hồ sơ bổ sung phát sinh khối lượng đất đổ thải, hồ sơ điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình, ký chấp nhận hồ sơ thanh toán, hồ sơ quyết toán trái quy định. Hành vi của bị can này đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 4,5 tỉ đồng.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ, bị can Lừ Văn Quý có hành vi thiếu trách nhiệm khi không thực hiện quy chế làm việc của UBND huyện Quỳnh Nhai, các văn bản quy định của Nhà nước.

Theo đó, bị can này đã ký các công văn, báo cáo, tờ trình xin điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Trường THCS Phiêng Nèn gửi Sở KH-ĐT là hành vi trực tiếp, là nguyên nhân chính, là cơ sở để các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ quan điều tra xác định bị can Lừ Văn Quý thiếu trách nhiệm dẫn đến thiệt hại của Nhà nước hơn 3,2 tỉ đồng. Các bị can Nguyễn Văn Nghĩa, Vũ Tiến Triển đều có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết các thủ tục, trình tự liên quan đến công trình này.

* Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Sơn La đã kỷ luật hình thức cảnh cáo ông Nguyễn Như Cầu, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai vì có các vi phạm nghiêm trọng.

Trong đó có việc ông Cầu trực tiếp ký ban hành 8 quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, chỉ định thầu đối với công ty TNHH đầu tư và xây dựng Sông Lam, Công ty cổ phần xây dựng II Sơn La thi công với tổng giá trị chỉ định thầu gần 25 tỉ đồng. Các công ty này đều do em ruột ông Cầu đứng đầu và nắm giữ đa số cổ phần.

Uỷ ban Kiểm tra cũng xác định việc buông lỏng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện đã gây ra sai phạm với tổng giá trị trên 15 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Cầu còn chỉ đạo công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng thiếu chặt chẽ để xảy ra các sai phạm, cơ quan đại diện chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu xây lắp thực hiện bảo đảm hợp đồng xây dựng đối vớii 86 công trình có giá trị gần 1,9 tỉ đồng; ký duyệt chứng từ chi tạm ứng chưa đúng quy định được với số tiền hơn 25 tỉ đồng...


Chốt nội dung nhiều dự án luật sắp trình 
Quốc hội

10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 40 với việc cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Bao gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật phí, lệ phí; Luật thống kê (sửa đổi); về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Cũng tại phiên họp này (dự kiến đến ngày 18-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của nhiều dự án luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.

Đó là: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật trưng cầu ý dân, Luật khí tượng thủy văn, Luật an toàn thông tin, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ tạm giam, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi).


Phạt 14 đơn vị đào đường, tái lập mặt đường bê bối

Sau khi đào đường để thi công công trình, 14 đơn vị trên đã không tái lập mặt đường đúng nguyên trạng.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã xử phạt 23 doanh nghiệp thi công đào đường lắp đặt điện, điện thoại, cấp nước, thoát nước ở TP.HCM với số tiền 116 triệu đồng. 

Trong số 23 doanh nghiệp trên có 14 đơn vị đào đường bê bối đã không tái lập mặt đường đúng nguyên trạng sau thi công lắp đặt công trình ngầm.

Bên cạnh việc áp dụng hình thức xử phạt, thanh tra còn buộc các nhà thầu khẩn trương tái lập mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Hiện nay trên địa bàn TP có 55 vị trí rào chắn ("lô cốt") thi công các công trình hạ tầng giao thông trên 24 tuyến đường TP. Thanh tra Sở GTVT cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án yêu cầu các nhà thầu thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan ở xung quanh khu vực công trường.


Xây kè bảo vệ cột mốc biên giới Việt-Trung

Bộ Xây dựng vừa góp ý kiến về phương án thiết kế tổng mặt bằng và thiết kế kiến trúc dự án tôn tạo, xây dựng kè bảo vệ cột mốc biên giới số 836(2), tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng cả hai phương án tổng mặt bằng và thiết kế kiến trúc, cảnh quan của khu vực cột mốc trong hồ sơ thiết kế gửi kèm chưa phù hợp với cảnh quan thiên nhiên tại khu vực thác Bản Giốc.

Hiện Bộ Xây dựng đang chỉ đạo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Vì vậy, UBND tỉnh Cao Bằng cần chỉ đạo đơn vị tư vấn làm việc với VIUP để cập nhật thông tin về quy hoạch và đề xuất phương án thiết kế kiến trúc dự án tôn tạo, xây dựng kè bảo vệ cột mốc biên giới số 836(2) phù hợp với quy hoạch nói trên và cảnh quan khu vực thác Bản Giốc.


Lao động Việt Nam được đảm bảo pháp lý tại Thái Lan

Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam (đại diện cho Chính phủ Việt Nam) và Bộ LĐ-TB&XH Thái Lan (đại diện cho chính phủ Thái Lan) vừa ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động (thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động giữa hai nước).

Nội dung thỏa thuận là tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực lao động, tạo khung pháp lý cho lao động Việt Nam sang làm việc hợp pháp tại Thái Lan và cũng là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tại hai nước.

Theo ước tính, hiện có khoảng hàng chục ngàn người Việt Nam đang làm ăn tại Thái Lan (phần lớn là đi không hợp pháp), chủ yếu làm công việc phổ thông. Do sang làm việc trái phép nên điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, dễ gặp rủi ro. Việc ký văn bản trên sẽ mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc hợp pháp tại Thái Lan.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục