tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 09-07-2016

  • Cập nhật : 09/07/2016

Bổ sung quy chế giám sát kê khai tài sản của lãnh đạo chủ chốt

Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII được sửa đổi, bổ sung việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Thông báo của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho biết, Trung ương đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, nhất trí thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

Theo đó, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này đã kế thừa về cơ bản nội dung khóa trước, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm về trách nhiệm, quyền hạn, như việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…

Việc phân cấp quản lý cán bộ hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 67 của Bộ Chính trị. Các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở trung ương, địa phương đều thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tùy theo từng chức vụ, kể cả người đã nghỉ hưu.

Cụ thể, cán bộ khi còn đang công tác thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì khi thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc đã nghỉ hưu vẫn do các cấp này xem xét cho ý kiến về một số vấn đề, cụ thể như ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, đứng ra lập hội và làm người đứng đầu các hội, đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

bo-sung-quy-che-giam-sat-ke-khai-tai-san-cua-lanh-dao-chu-chot

Năm 2014, qua công tác kiểm tra đối với nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã yêu cầu thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre. Ảnh: Thiện Nhân.

Phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ thực hiện tốt các quy chế, trong đó có quy chế nêu trên sẽ góp phần phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Về kiểm soát tài sản thu nhập, để khắc phục hạn chế như hiện nay giao cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai đồng thời quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập, làm cho việc kê khai rất hình thức, không giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước...


Chánh thanh tra Sở Giao thông TP HCM bị tố nhũng nhiễu

Bị cho là có hành vi nhũng nhiễu khi ký liên tiếp 3 quyết định thanh tra một doanh nghiệp vận tải trong thời gian ngắn, ông Lê Vĩnh Phát khẳng định động thái này đúng quy định.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM chiều 7/7 đã có buổi làm việc liên quan đến đơn tố cáo của Công ty Phương Trang Futa Buslines về việc ông Lê Vĩnh Phát - Chánh thanh tra Sở - có nhiều "bất thường" trong chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp này. Kết quả buổi làm việc không được tiết lộ, song nội dung sẽ được báo cáo cho lãnh đạo thành phố theo chỉ đạo.Theo Công ty Phương Trang, ông Phát có dấu hiệu "dung túng sai phạm trong hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố". Từ tháng 8/2015 đến tháng 5 năm nay, ông Phát đã "làm sai luật khi 3 lần ra quyết định thanh tra" đối với doanh nghiệp này. Những cuộc thanh tra diễn ra sau khi Phương Trang cùng 11 doanh nghiệp khác gửi đơn đến Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng kiến nghị xử lý tình trạng xe khách trá hình và bến xe khách lậu trên địa bàn thành phố.

diem ban ve cua cong ty phuong trang o quan 1. anh: huu nguyen

Điểm bán vé của Công ty Phương Trang ở quận 1. Ảnh: Hữu Nguyên

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Vĩnh Phát cho biết không có ý kiến phản bác, "việc doanh nghiệp tố cáo là quyền của họ". "Tôi được biết, ngoài tố cáo họ còn phản ánh và kiến nghị một số nội dung khác nữa. Nói chung, các doanh nghiệp khi bị kiểm tra thì họ thường cho là mình nhũng nhiễu. Tuy nhiên, tôi thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, nếu không tôi kiểm tra họ làm gì", ông Phát nói.

Về việc thực hiện 3 cuộc thanh tra chuyên ngành tại Phương Trang chỉ trong vòng 9 tháng, ông Phát khẳng định đây là động thái của Sở sau các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe của công ty. Trong đó, 2 đợt thanh tra sau vụ tai nạn giao thông trên cầu vượt Cây Gõ, lần còn lại là sau vụ tai nạn ở Lâm Đồng; mỗi đợt thanh tra kéo dài 5 ngày.

Qua thanh tra, lực lượng chức năng phát hiện một số sai phạm của hãng xe này thông qua thiết bị giám sát hành trình như: điều kiện, tiêu chuẩn vận tải hành khách như xe chạy quá tốc độ, tài xế lái xe quá 10 giờ mỗi ngày...

Tiếp đó, sau vụ xe khách của Phương Trang và một xe khách khác rượt đuổi nhau trên Quốc lộ 1 vào đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chỉ đạo thanh tra chuyên ngành đối với Phương Trang. 

"Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên nhưng hãng xe phản ứng là tại sao nhà xe bên kia có lỗi mà lại thanh tra họ?", ông Phát nói và cho biết vụ này cả 2 nhà xe đều bị thanh tra. Tuy nhiên, vì vào thời điểm đó diễn ra bầu cử và có nhiều công việc quan trọng phải thực hiện nên nhiệm vụ thanh tra tại Phương Trang được chuyển sang phòng Quản lý vận tải của Sở GTVT đảm nhiệm.

Về thông tin tố thanh tra Sở thao túng cho bến xe trên đường Lê Hồng Phong (gần giao lộ Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn, quận 10) hoạt động, ông Phát cho biết Thanh tra Sở đã kiểm tra, có mặt cả lãnh đạo Bộ GTVT.

"Bến xe này được cấp phép hoạt động đúng pháp luật. Chúng tôi cũng được biết là khu đất này được doanh nghiệp thuê lại để làm bến. Người ta được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ nên không có căn cứ xử lý", ông Phát nói.

Hôm 1/7, Sở GTVT TP HCM điều chuyển ông Lê Vĩnh Phát về phòng tổ chức cán bộ thuộc Sở. Hiện, ông Vũ Việt Hà - Phó chánh Thanh tra - tạm thời thay ông Phát phụ trách Thanh tra Sở GTVT. Sở GTVT khẳng định việc điều chuyển ông Phát không liên quan đến đơn tố cáo của Công ty Phương Trang.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đã yêu cầu giám đốc Sở GTVT kiểm tra, giải quyết đơn tố cáo của Công ty Phương Trang với nội dung tố cáo ông Lê Vĩnh Phát, báo cáo cho thành phố trước ngày 15/7.


Sếp SCIC thu nhập trên 1,4 tỷ đồng một năm

Trong 12 cá nhân có tên trong danh sách lãnh đạo SCIC, 6 người có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng trong năm 2015.

Tổng công ty Đầu tư & kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có báo cáo quản trị, cho biết thu nhập của lãnh đạo và nhân viên tại đây trong năm 2015. Theo đó, nguyên Tổng giám đốc Lại Văn Đạo - người nghỉ hưu từ 1/5 năm nay - thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng, tương đương mức bình quân gần 120 triệu đồng một tháng. Theo SCIC, khoản thu nhập trước thuế này bao gồm lương hoặc thù lao (576 triệu đồng) và các lợi ích khác.

Tương tự, 4 Phó tổng giám đốc là các ông Lê Song Lai, Hoàng Nguyên Học, Nguyễn Quốc Huy và bà Nhữ Thị Hồng Liên thu nhập gần 1,3 tỷ đồng mỗi người, trong khi Kiểm soát viên Nguyễn Quốc Trị có nhận 1,1 tỷ đồng trong cả năm.Ngoài ra, các Phó tổng giám đốc Nguyễn Hồng Hiển và Kiểm soát viên Bùi Đức Long lần lượt có thu nhập 681 triệu và 713 triệu đồng năm 2015. Riêng Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Đức Chi mới được bổ nhiệm từ đầu năm 2016 nên không có thu nhập được công bố trong báo cáo này.

scic cho biet viec chi tra thu nhap cho lanh dao phu hop voi quy dinh cua nha nuoc.

SCIC cho biết việc chi trả thu nhập cho lãnh đạo phù hợp với quy định của Nhà nước.

Theo báo cáo tài chính năm 2015, SCIC chi 121 tỷ đồng chi phí cho người lao động, trong đó chi phí cho các cấp quản lý là 71,7 tỷ đồng và nhân viên là 49,3 tỷ. Chi phí này bao gồm tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, tiền ăn ca, tiền điện thoại...

Với số nhân viên khoảng 273 người, ước tính chi phí cho một nhân viên của SCIC là 37 triệu đồng một tháng. Năm 2014, thu nhập bình quân tháng của nhân viên tổng công ty này đạt 30,4 triệu đồng.

Trao đổi với VnExpress, SCIC khẳng định việc chi trả tiền lương, thưởng cho viên chức quản lý và người lao động đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phù hợp kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015. Theo đó, tổng công ty đã có năm lãi lớn nhất trong lịch sử hoạt động với doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.404 tỷ đồng.

SCIC cho biết khoản thu nhập của viên chức quản lý nêu trong báo cáo bao gồm tiền lương, tiền thưởng, thù lao được chi trả theo Nghị định số 51 của Chính phủ và Thông tư số 19 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Quyết định 3369 của Bộ Tài chính và quy chế tài chính của công ty.

"Trong tổng thu nhập của lãnh đạo có một số khoản thù lao, tiền thưởng được hình thành từ năm 2014 nhưng chi trả trong 2015. Do Quy chế tài chính của SCIC được áp dụng từ năm 2014 trở đi nên công ty đã gộp cả nguồn của 2014 và 2015 để chi trả trong năm vừa rồi", ban lãnh đạo công ty cho biết.

Ngoài ra, theo Thông tư số 19 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, việc quyết toán tiền thưởng cho viên chức quản lý được thực hiện theo nhiệm kỳ. Do đó, doanh nghiệp đã tính theo nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên nên dồn chi trả một số khoản các năm trước sang năm 2015 (là năm cuối nhiệm kỳ).

SCIC là công ty thuộc sở hữu của Nhà nước đã hoạt động hơn 10 năm qua, giúp quản lý nguồn vốn tại các doanh ngiệp. Tính đến năm 2015, vốn chủ sở hữu công ty đạt 34.749 tỷ đồng. Hiện SCIC còn nắm vốn tại 197 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ và giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ đồng.

Năm 2016, SCIC đã đặt kế hoạch doanh thu 12.528 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.414 tỷ. Mới đây, doanh nghiệp cho biết đã báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ và chờ quyết định về việc bán vốn tại các doanh nghiệp như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Bảo hiểm Bảo Minh, FPT Telecom…


TP.HCM: Kiểm định xong 474 chung cư cũ trong năm 2016

Thông tin này đã được khẳng định tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa và các sở ngành, quận huyện về cơ chế đặc thù trong việc cải tạo, đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn TP ngày 8-7.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP hiện có 474 chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp… Thời gian qua, TP cũng tập trung cho công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, tuy nhiên tiến độ thực hiện rất chậm do cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan còn nhiều vướng mắc.          

chung cu 727 tran hung dao, quan 1 hu hong nang nhieu nam nay nhung chua co nha dau tu thuc hien du an. anh: hoang giang

Chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 1 hư hỏng nặng nhiều năm nay nhưng chưa có nhà đầu tư thực hiện dự án. Ảnh: Hoàng Giang

Tại cuộc họp, Sở Xây dựng đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn TP gồm: cơ chế phân cấp, ủy quyền; giải pháp về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc và giải pháp về tái định cư đối với các chung cư do Nhà nước thực hiện.

Một trong những vấn đề được các địa phương quan tâm là công tác kiểm định chất lượng chung cư. Theo quy định mới tại Nghị định 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Sở Xây dựng sẽ tổ chức lập, thẩm định, dự toán kinh phí sửa chữa và ban hành văn bản kết luận kiểm định. Sau đó, UBND TP sẽ thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư, phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định và kinh phí sửa chữa.

Sở Xây dựng cho rằng nếu theo cách làm này thì sẽ rất chậm vì việc xem xét hồ sơ và ban hành văn bản kết luận kiểm định 474 chung cư với 563 lô xây dựng trước năm 1975 tập trung hết về Sở thì sẽ khó đáp ứng được thời gian hoàn thành là trong năm 2016 như chủ trương của Thành ủy đề ra. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất TP kiến nghị trung ương cho phép cơ quan chuyên môn của quận, huyện được ban hành văn bản kết luận kiểm định. Sở này sẽ giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn quy trình để đảm bảo địa phương thực hiện đúng quy định.

Cũng liên quan đến việc phân cấp và ủy quyền, Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP giao về cho quận, huyện thực hiện các công tác như: lập, phê duyệt, kế hoạch cải tạo, xây mới chung cư cũ; lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư…

Để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng cũng đề nghị giao quận, huyện phối hợp với Sở QH-KT rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch tại các vị trí chung cư cũ đảm bảo dự án thực hiện khả thi theo hướng cho phép điều chỉnh cục bộ, tăng quy mô dân số. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở Xây dựng cũng đề nghị TP cho phép không thực hiện bồi thường mà sử dụng phương thức tái định cư tại chỗ đối với các chung cư do Nhà nước thực hiện.

Các đề xuất của Sở Xây dựng đa số đều nhận được sự đồng thuận của các địa phương. Ông Lê Văn Khoa cho rằng số chung cư cũ hiện nay còn rất nhiều, mỗi chung cư có những tình hình đặc điểm riêng. Do đó, cần rà soát và chia theo nhóm để có những tiêu chí cụ thể phù hợp với các nhóm để tiến hành triển khai thực hiện.

Ông Khoa khẳng định TP sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền về cho các sở ngành và địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phó chủ tịch UBND TP cũng thông tin, hiện nay về cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý các kiến nghị của TP về việc đầu tư, cải tạo chung cư cũ nhưng hiện nay chưa có văn bản chính thức.

“Trong khi chờ đợi văn bản của Thủ tướng, chúng ta cần đánh giá khoa học về cách thức trước đây đã từng làm và đề xuất cách làm mới để tạo sự đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện” - ông Khoa nói. (PLO)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục