tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 09-07-2016

  • Cập nhật : 09/07/2016

86% lao động dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc

Trong hai thập kỷ tới, 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa.

Con số thống kê trên được đưa ra theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cùng chịu những ảnh hưởng với công nhân Việt Nam là công nhân Indonesia với 64% và Campuchia với 88%.

Các công nghệ như: in 3D, công nghệ nano, tự động hóa robot... chính là biến chuyển lớn, bởi robot ngày càng lắp ráp tốt hơn, rẻ hơn, tăng khả năng hợp tác với con người.

Nghiên cứu của ILO cũng chỉ ra rằng, lĩnh vực dệt may của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, các nước đang cạnh tranh nhờ lực lượng lao động giá rẻ cần phải định vị lại. Lợi thế giá không đủ để duy trì lâu dài. Công nhân cần được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc điện tử.(VTV)


Cần minh bạch tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất là một ẩn số không chỉ với DN BĐS mà còn khiến cho giá nhà tăng cao.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TMXD Lê Thành cho biết, những vấn đề còn đang tồn tại liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất gây khó DN BĐS trong việc tính toán, hoạch định phương án kinh doanh.

Theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP, khoản tiền DN BĐS đã trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích, nhưng hiện nay trên thực tế, Sở Tài chính chỉ duyệt mức khấu trừ bằng khoảng 20% chi phí thực mà DN đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng dự án, tiền sử dụng đất còn lại phải nộp rất cao, bằng khoảng 80% chi phí giải phóng mặt bằng, nên gần như DN phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc áp dụng phương pháp định giá đất theo "phương pháp thặng dư", có nghĩa là tính toàn bộ giá trị kinh doanh trong tương lai do tại thời điểm tính toán, nhà đầu tư chưa kinh doanh và chưa phát sinh doanh thu thực tế. Ngược lại, việc áp đặt mức khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua đã và đang tồn tại thực tế, tiền sử dụng đất luôn cao hơn rất nhiều so với tính toán của DN. Cụ thể, một dự án chung cư trung bình thấp tại Q. Bình Tân, chủ đầu tư chỉ bán căn hộ với giá 13,9 triệu đồng/m2 nhưng cơ quan chức năng lại áp giá bán phải là 17 triệu đồng/m2 để tính tiền sử dụng đất phải nộp.

Điều này là hoàn toàn vô lý bởi trước khi đưa ra dự án, chủ đầu tư đã xác định rõ ràng về phân khúc căn hộ cũng như khu vực bán hàng, cùng với tính toán giá thành xây dựng, nhân công... để đưa ra mức giá phù hợp nhất.

Nhưng nếu với mức áp giá để tính tiền sử dụng đất phải nộp thì DN lỗ, thậm chí không thể bán được hàng chứ không dám bàn đến chuyện lời lãi. Tương tự, dự án chung cư tại P. 26, Q. Bình Thạnh, có diện tích khuôn viên 11.466m2, gồm 1 tầng hầm, 05 tầng thương mại, 13 tầng ở, gồm có 80.262m2 sàn xây dựng, trong đó 68.796m2 nhà ở, 11.466 m2 thương mại và 4.584m2 chỗ để xe. Đơn vị tư vấn đã tính tiền sử dụng đất trên tổng số diện tích theo phân loại của thành phố đến hơn 200 tỷ đồng, số tiền này vượt quá mức chịu đựng của DN có thể chi trả.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea) cho rằng, hiện nay, tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách Nhà nước. Nhưng theo cách thu hiện nay thì tiền sử dụng đất đang trở thành "gánh nặng" của DN và nó sẽ được chuyển qua vai người tiêu dùng. Hay nói cách khác nó còn như một "ẩn số" bởi sự không minh bạch mà nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư. Điều này, đã và đang tạo ra cơ chế xin - cho.

Vì vậy, theo Horea để thị trường BĐS vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, về trung hạn, dài hạn cơ quan quản lý phải đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế như thuế chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, đất chuyên dụng sang đất ở. Và khi đã là một sắc thuế và có thuế suất cụ thể, rõ ràng, thì việc tính toán để ra giá thành cuối cùng sau khi đã trừ đi các chi phí xây dựng, vận hành, nhân công...

DN mới có thể đưa ra được mức giá phù hợp với thị trường. Đồng thời, quan trọng hơn người dân cũng có thể phần nào hiểu được BĐS, nhà đất mà mình mua có phù hợp với giá trị thị trường tại thời điểm đó hay không. Từ đó, làm cơ sở để đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho trong cách quản lý và vận hành thị trường BĐS.


Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tiếp tục hoặc bãi bỏ thông tư 20

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong dự thảo Nghị định mới về sửa đổi một số các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương không có điều khoản nào đề cập đến thông tư 20.

Ông Hải cho biết, đến thời điểm này (6/7), việc xem xét thông tư ​20 có phải là một điều kiện kinh doanh đối với ôtô nhập khẩu nữa hay không, ​phía Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Thủ tướng.

Mới đây Chính phủ đa ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết có quy định: Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.

Trước yêu cầu trên, ông Hải cho biết, hiện nay đã có kiến nghị của doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng, các nhà sản xuất ôtô trong nước cũng như các ngành chức năng nên thời gian tới việc quy định đối vớiô tô nhập khẩu sẽ được xem xét đánh giá kỹ lưỡng và mục tiêu chính là hướng tới việc đảm bảo sự bình đẳng về môi trường kinh doanh giữa các thành phần kinh tế.

Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã thu hẹp diện các doanh nghiệp được phép nhập khẩu. Thị trường ô tô Việt Nam trong cả 2 lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu hoàn toàn thuộc về các liên doanh sản xuất ô tô như Toyota, Ford, Mercedes...

Sau một thời gian triển khai, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến phản hồi về những quy định của thông tư 20, trong đó quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, yêu cầu thương nhân nhập khẩu phải có thêm 2 loại giấy tờ trên, được xem là một hình thức của điều kiện kinh doanh (phải đáp ứng các yêu cầu này mới được phép nhập khẩu) theo quy định tại Khoản 7 điều 2 Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.

Vì vậy, quy định tại Thông tư 20 là không còn phù hợp so với yêu cầu tại Điều 7 Luật Đầu tư về loại văn bản được phép quy định về điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, ý kiến từ phía Hiệp hội các các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng (VIVA) và nhà sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam (VAMA) lại cho rằng, Thông tư 20 ban hành đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế thị trường nhập khẩu ôtô không chính thức, tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng như bảo hộ người sản xuất ôtô trong nước.

Ngoài ra, phía VIVA cũng khẳng định, thông qua việc thực hiện Thông tư 20, Chính phủ có thể thu được nguồn thuế lớn hơn từ các nhà nhập khấu ôtô chính hãng, thay vì thất thu thuế vào thị truờng ôtô nhập khẩu không chính thức.

Với những lý do này, VAMA và VIVA đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn cấp ban hành Nghị định Chính phủ thay thế cho Thông tư 20 để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường và ngành công nghiệp ôtô cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường./.


Gia Lai: Huy động vốn tăng 15,6% trong 6 tháng đầu năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Theo báo cáo tại Hội nghị, đến cuối tháng 6/2016, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 28.433 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 15,4% so với cuối năm 2015; tổng dư nợ cho vay đạt 59.804 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,5% so với cuối năm 2015; tỷ lệ nợ xấu là 0,53% trên tổng dư nợ, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

ong nguyen van cu, giam doc nhnn chi nhanh tinh phat bieu chi dao hoi nghi

Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Kết quả đến cuối tháng 6/2016, dư nợ Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt 18.792 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên là 5.839 tỷ đồng, tăng 21,2% so cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 3.308 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 18,1 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở 21,3 tỷ đồng; dư nợ cho vay tái canh cà phê 14,7 tỷ đồng; dư nợ cho vay bình ổn thị trường 499,7 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chủ động phối hợp với khách hàng đánh giá lại các khoản nợ vay để cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Cụ thể, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 597 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho 62.150 khách hàng (trong đó có 1.726 doanh nghiệp) với dư nợ được điều chỉnh là 21.291 tỷ đồng (doanh nghiệp là 12.545 tỷ đồng).

Hiện, trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm đến 99,8% tổng dư nợ (trong đó dư nợ lãi suất dưới 9% chiếm 38,8%, dư nợ lãi suất từ 9 đến 11% chiếm 52,8%, dư nợ lãi suất từ 11 đến 13% chiếm 8,2%); dư nợ lãi suất trên 13% chỉ còn chiếm tỷ trọng 0,2% tổng dư nợ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh đề nghị các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 152/KH-GLA ngày 08/3/2016; tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2016 nhằm hoàn thành kế hoạch đã đề ra (huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng 18-20% so cuối năm 2015).

Đặc biệt, tập trung đầu tư vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý cán bộ, chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN Việt Nam về quản lý ngoại hối, kinh doanh ngoại tệ; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động và phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh làm tốt công tác truyền thông, công tác Quốc hội...

Tại Hội nghị, các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc của chi nhánh trong năm 2015 đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý, gồm: Cờ thi đua của UBND tỉnh cho đơn vị dẫn đầu Khối thi đua Khối các sở, ngành kinh tế tổng hợp; Bằng khen của Thống đốc NHNN cho 3 cá nhân

Nhân dịp này, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam” cho 7 cá nhân ngoài ngành đã có nhiều đóng góp cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục