Tàu buồm đầu tiên của Hải quân VN về đến Nha Trang
Đà Nẵng phổ biến luật cho vùng biên giới biển
Ông Trần Quốc Vượng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
10 năm, truy tố gần 5.800 bị can tham nhũng
Đến 2020, cán bộ phải “đủ tiêu chuẩn” trước khi bổ nhiệm
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 29-07-2016
- Cập nhật : 29/07/2016
Tháng 8 sẽ thanh tra dự án xả thải tại 23 tỉnh thành
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước, ngày 21/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước. Đợt thanh tra dự kiến sẽ bắt đầu triển khai vào đầu tháng 8/2016.
Đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường (tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Đối tượng thanh tra cụ thể sẽ được nêu tại Quyết định thành lập đoàn thanh tra và có thể bổ sung các đối tượng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Phạm vi thanh tra được tiến hành trên địa bàn toàn quốc; thời kỳ thanh tra sẽ từ ngày có quyết định thành lập các tổ chức sản xuất, kinh doanh đến thời điểm thanh tra; và thời hạn thực hiện cuộc thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết sẽ ban hành Quyết định thành lập 03 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh.
Các tỉnh này bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ động lồng ghép nội dung thanh tra đối với đối tượng là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên.
Sở TN&MT các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được yêu cầu rà soát, tổng hợp các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được đoàn thanh tra Bộ TN&MT thanh tra trong năm 2016) để đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra của Sở trong năm 2017.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Bộ chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng. Dự kiến cuối tháng 10/2016 sẽ hoàn thành tổng hợp báo cáo kết luận thanh tra; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra.(NĐH)
Tính đến 15/7, bội chi ngân sách hơn 105 nghìn tỷ đồng
Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2016, ngân sách Nhà nước đang bội chi ước đạt 105,6 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2016 bằng 49,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 397,3nghìn tỷ đồng, bằng 50,6%; thu từ dầu thô đạt 21,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80,4 nghìn tỷ đồng, bằng46,8%.
Trong thu nội địa, một số khoản thu đạt khá: Thu tiền sử dụng đất đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, bằng79,2% dự toán năm;thuế thu nhập cá nhân 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7%; thuế bảo vệ môi trường 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 79,1 nghìn tỷ đồng, bằng49,7%.
Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 98,3 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 38,4% dự toán năm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2016 ước tính đạt 606,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán năm.
Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 89,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 88,1nghìn tỷ đồng, bằng34,9%).
Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 435,5 nghìn tỷ đồng, bằng52%.
Chi trả nợ và viện trợ đạt 81,6 nghìn tỷ đồng, bằng 52,6%.(NĐH)
Nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới đồng bằng sông Cửu Long
Thông tin trong buổi tọa đàm “Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, do Trung tâm Con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức mới đây cho thấy, Thái Lan dự định xây mới 990 dự án tưới tiêu ở vùng Đông Bắc, chủ yếu là chuyển, bơm nước từ sông Mê Kông. Thực tế khảo sát của nhóm chuyên gia, hiện Thái Lan đã xây một đập tạm trên sông Huai Luang gần cửa sông Mê Kông, trên đó lắp đặt 4 máy bơm nước với lưu lượng khoảng 600m3/giờ khi cần.
Tại Campuchia, do việc tưới tiêu hiện nay vẫn chủ yếu là “nhờ trời”, vì vậy, quốc gia này đang hợp tác với nước ngoài xây dựng hệ thống kênh mương. Các dự án này đa số thuộc lưu vực Mê Kông và phần lớn là nhà đầu tư Trung Quốc. Dự kiến, đến năm 2030, Campuchia sẽ mở rộng thêm 772.499 ha tưới và xây mới khoảng 6.000 ha.
Còn tại Lào, diện tích tưới chủ yếu là các dải đất hẹp nằm dọc các dòng nhánh và cánh đồng ngập lũ cạnh dòng chính Mê Kông. Hiện nay diện tích tưới ở Lào hơn 166.000 ha. Theo kịch bản phát triển đến năm 2030, Lào cũng sẽ mở rộng thêm 213.062 ha và dự kiến các dự án tưới mới 238.617 ha.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc lấy, chuyển nước sông Mê Kông để phục vụ tưới của Campuchia và Thái Lan hiện nay có thể thuộc loại lấy, chuyển nước dòng nhánh trong mùa mưa. Các loại lấy, chuyển nước này thường là lấy, chuyển nước sông Mê Kông qua dòng nhánh vào chứa trong các hồ, đập có cửa van khống chế để trữ nước tưới cho vùng hạ lưu. Do đó, khi mực nước lũ xuống thấp hầu như không còn dòng chảy ngược lại sông Mê Kông như trước đây. Điều này khiến ĐBSCL sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán, ngập mặn nghiêm trọng hơn trước, bởi hiện nay 95% lượng dòng chảy vào ĐBSCL là đến từ nước ngoài.
Ngoài nước, lượng phù sa chắc chắn cũng sẽ bị suy giảm. Tác dụng thau chua, rửa phèn, bồi đắp phù sa cho các diện tích canh tác ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng.
Trước thực tế này, các chuyên gia môi trường kiến nghị, việc lấy nước chỉ trong mùa mưa hay cả trong mùa khô, hay trong thời kỳ chuyển tiếp. Cơ quan chức năng Việt Nam, thông qua cơ chế hợp tác Mê Kông, cần yêu cầu các nước tuân thủ Hiệp định Mê Kông và các thỏa thuận…
Tổng kiểm tra các dự án của Công ty 584
UBND TP.HCM quyết định tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (gọi là công ty 584) cho đến khi giải quyết xong các tồn tại của các dự án cũ.
Đó là nội dung kết luận của UBND TP.HCM sau khi nghe báo cáo tình hình thanh tra tại công ty 584.
Thanh tra TP chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan và công ty 584 nghiên cứu hồ sơ và thực tiễn vụ việc để đề xuất biện pháp giải quyết quyền lợi của người mua nhà trong các dự án của công ty 584.
Trong đó, phân ra ba dạng: những trường hợp nào có thể đề xuất cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, những trường hợp chủ đầu tư phải thực hiện một số nghĩa vụ mới xem xét cấp giấy và trường hợp chủ đầu tư phải thương lượng hoàn tiền lại cho dân.
Sở Xây dựng chủ trì mời các cơ quan chức năng kiểm định các công trình xây dựng có vi phạm của công ty 584 để làm cơ sở đề xuất biện pháp xử lý. Nếu kết quả kiểm định không đạt yêu cầu thì kiên quyết đề xuất tháo dỡ công trình để bảo đảm an toàn.
Sở Xây dựng chủ trì tiến hành rà soát kỹ pháp lý của các dự án do công ty 584 thực hiện trên địa bàn TP, đồng thời ra soát xem những dự án mà công ty 584 đã chuyển nhượng có đúng quy định hay không.
Các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND TP những biện pháp ngăn chặn tình trạng một số chủ đầu tư dự án dùng căn hộ đã bán đi thế chấp ngân hàng. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Hiện công ty 584 đã xây dựng nhiều công trình trên địa bàn TP, chủ yếu là chung cư, khu dân cư.
Thời gian qua, nhiều dự án của công ty 584 bị khách hàng phản ứng do chậm giao nhà. Ít nhất hai dự án của công ty này tại Q.Tân Phú bị xử lý do xây dựng sai phép.
Một dự án của công ty 584 trên đường Trịnh Đình Trọng vừa được cơ quan chức năng công bố đang thế chấp ngân hàng trong khi đã bán hết căn hộ cho khách hàng từ lâu.
Dự án chung cư 584 Tân Kiên dự kiến chuyển thành bệnh viện cũng xảy ra tranh chấp với người dân đã mua nhà trước đó.(Tuoitre)