Lãi suất tín dụng đầu tư sẽ dựa trên chi phí huy động vốn, có tính đến yếu tố ưu đãi
Mặt bằng lãi suất hiện khá hợp lý
TP.HCM chấp thuận một số dự án nhà ở và Trung tâm thương mại
Hà Nội: Điều chỉnh giá đất bồi thường, tái định cư một số vị trí ở quận Tây Hồ
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
TP HCM tiếp tục điều động nhân sự
Sáng 25-7, UBND TP HCM đã tổ chức lễ trao quyết định của UBND TP về nhân sự một số sở ngành.
Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa và Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải.
Theo đó, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Huyện ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nhận quyết định điều động của UBND TP, đến nhận công tác tại HĐND TP. Ông Phước SN 1979; thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải đã chúc mừng ông Phước đến nhận công tác tại HĐND TP và chính thức nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng HĐND TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa (thứ ba từ trái sang) trao quyết định nghỉ hưu cho ông Nguyễn Hoài Nam và ông Phạm Minh Trí.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng trao quyết định cho ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP và ông Phạm Minh Trí, Trưởng ban Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP được nghỉ hưu theo chế độ, từ ngày 1-8.
CPI tháng 7 thấp nhất 4 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số CPI tháng 7/2016. Có tới 5 trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính tăng, giúp CPI tháng 7 duy trì mức tăng nhẹ. Cụ thể, nhóm hàng giao thông có mức tăng lớn nhất, tới 1,19% trong tháng 7; kế đến là hàng hoá và dịch vụ tăng 0,17%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; còn thiết bị và đồ dùng gia đình chỉ nhích nhẹ 0,06%.Nếu tháng trước hàng hoá, dịch vụ ăn uống nằm trong nhóm hàng có mức tăng thấp (0,03%), thì tới tháng này lại bất ngờ giảm tới 0,05%. Nhóm hàng bưu chính viễn thông có tháng thứ 2 liên tiếp giảm ở mức 0,1%.
Dù tốc độ tăng CPI tháng 7/2016 bằng tháng 6 của năm 2015, nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Cụ thể, CPI tháng 7/2013 so với tháng 6/2012 tăng 0,27%, tháng 7/2014 tăng 0,23% và tháng 7/2015 tăng 0,13%.
Theo Tổng cục Thống kê, do tác động tâm lý từ việc Anh rời EU, giá vàng trong nước có lúc đã tăng ở mức gần 40 triệu đồng một lượng, chênh lệch khá xa giữa giá mua - giá bán và giá thế giới sau khi quy đổi. Tuy nhiên ngay sau đó giá vàng trong nước đã nhanh chóng quay đầu giảm về mức trên 37 triệu đồng một lượng. Chỉ số giá vàng tăng mạnh trong tháng 7, tới 5,36%, đã góp phần vào mức tăng chung của CPI cả tháng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2016 lạm phát cơ bản tăng 1,81% so với cùng kỳ.
Xây dựng Quy Nhơn thành trung tâm kinh tế biển
Đây là một trong những nội dung chủ yếu của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035, được HĐND tỉnh Bình Định khóa XII nhất trí thông qua vào sáng 22-7.
Quy hoạch xác định Bình Định là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên; là cửa ngõ của vùng Tây nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết tỉnh có bờ biển dài 134km, đội tàu cá lớn nhất nước với 8.000 chiếc, trong đó có gần 3.000 chiếc công suất lớn chuyên khai thác vùng biển xa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều vùng biển nước sâu phù hợp xây dựng các tổ hợp cảng biển lớn.
“Ngoài cảng Quy Nhơn hiện nay, Bình Định còn tập trung xây dựng cảng Nhơn Hội thành một trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực và cả nước nên việc quy hoạch khu kinh tế ven biển, đặc biệt xác định khu kinh tế Nhơn Hội rộng 12.000ha là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - ông Dũng nói.
Bình Định cũng vừa thực hiện xong quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, phát triển không gian du lịch biển là ưu tiên hàng đầu, trong đó những kế hoạch đầu tư phát triển này chủ yếu thuộc địa bàn TP Quy Nhơn.
* Trong ngày 22-7, ông Nguyễn Thanh Tùng - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - chỉ đạo UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án nhà máy chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu của Công ty TNHH thủy sản An Hải đặt tại P.Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) với mức đầu tư 150 tỉ đồng vì lo ngại ô nhiễm môi trường.
Theo ông Tùng, vị trí xây dựng nhà máy này ngay cửa ngõ vào TP Quy Nhơn, ở khu vực đông dân cư. “Một nhà máy chế biến thủy sản dù có xử lý tốt cỡ nào thì cũng bay mùi hôi thối. Đến cửa ngõ vào TP du lịch Quy Nhơn mà nghe mùi hôi thối là không chấp nhận được. Thêm nữa, nhà máy này khi hoạt động chắc chắn sẽ xả nước thải ra nhánh sông Hà Thanh rồi chảy xuống trung tâm Quy Nhơn” - ông Tùng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ cho kiểm tra lại dự án này, nếu thấy có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ thu hồi, chấp nhận bồi thường giá trị đã thực hiện dự án cho chủ đầu tư.(Tuoitre)
Phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách
Bà Nguyễn Vân Chi, phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, nằm trong danh sách các ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khoá 14.
Sáng 25/7, Quốc hội đã công bố báo cáo danh sách nhân sự thành viên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Theo danh sách được phê chuẩn Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 4 phó chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực và 35 ủy viên khác.
Cụ thể, 4 phó chủ nhiệm là các ông: Bùi Đặng Dũng (đại biểu Quốc hộitỉnh Kiên Giang); Đinh Văn Nhã (đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên); Nguyễn Hữu Quang (đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Hữu Toàn (đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu).
Bà Nguyễn Vân Chi, phu nhân Phó thủ tướng Vương Đình Huệ , đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An là một trong 5 ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách.
4 ủy viên thường trực còn lại là các ông bà: Trần Quang Chiều (đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định); Hoàng Quang Hàm (Yên Bái); Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội); Lê Thanh Vân (Cà Mau).
Được biết, bà Nguyễn Vân Chi sinh năm 1966, quê Nam Đàn (Nghệ An), hiện cư trú tại Hà Nội.
Bà Vân Chi từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Praha - Cộng hòa Czech, chuyên ngành Kinh tế ngoại thương. Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội và Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, bà Vân Chi là Vụ trưởng Chính sách thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính).