Tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Hoa Kỳ
Vốn FDI:Thu hút được 12,94 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm
Việt Nam yêu cầu Thái Lan điều tra vụ bắn ngư dân Bến Tre
Muối ế trắng đồng, kho dự trữ hoang phế
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 26-07-2016
- Cập nhật : 26/07/2016
Trung Quốc giảm mua, giá cá sấu rớt chưa từng thấy
Nếu như bằng thời gian này năm ngoái, giá cá sấu thịt dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, thì hiện tại xuống mức thấp kỷ lục: 70.000 đồng/kg.
Giá rớt thê thảm
Đến xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, Đồng Nai) những ngày này, chúng tôi không còn thấy cảnh những chiếc xe tải chở cá sấu giống chạy ầm ầm đi vào những con hẻm nhỏ nữa, cũng bớt đi cảnh hàng chục người làm đang hì hục lọc, lựa thức ăn cho cá sấu non.
Hỏi ra mới hay, suốt thời gian vừa qua, giá cá sấu thịt liên tục giảm mạnh, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên, trong khi thời gian tái đàn đang đến gần.
Tại vựa cá sấu Thủy Lợi (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), chị Thủy chủ trại cho biết: “Gần đây thương lái xuống thu mua đều báo giá 70.000 đồng/kg, thấp không tin nổi. Năm ngoái, giá cá sấu thịt lên tới gần 200.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng hết, giờ mất giá tới gần 2/3 rồi!”.
Theo chị Thủy, chưa có năm nào mà giá cá sấu thịt lại tụt thê thảm như vậy, thời điểm xuống tệ nhất cũng ở mức 130.000 đồng/kg. Vì thế, việc giá cá sấu rớt đáy liên tục những ngày qua khiến chị Thủy đứng ngồi không yên vì lượng cá sấu thịt chưa bán vẫn còn cả ngàn con, việc thua lỗ chắc chắn xảy ra nếu tình hình không được cải thiện.
Là một trong những trại cá sấu lớn ở Định Quán, trại cá sấu Hương Công (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) thời gian này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Hương chủ trại, giá cá sấu thịt xuống quá mạnh khiến người nuôi vô cùng lo lắng… Đáng lý ra thời điểm này, trại cá sấu của bà đã hết lứa cá lớn, chuẩn bị cho cá sấu con. Tuy nhiên, do giá bán quá thấp, lượng lớn cá sấu đến tuổi bán vẫn được giữ lại trong chuồng, ước tính lên tới cả ngàn con.
“Để lại càng lâu thì càng tốn tiền thức ăn, mà chúng cũng không lớn thêm được bao nhiêu. Tuy nhiên bán giá này thì cầm chắc lỗ nên tôi thà giảm bớt khẩu phần ăn của chúng để chờ cơ hội giá lên”, bà Hương nói.
Theo anh Đức, một thương lái chuyên thu mua cá sấu, thịt, da cá sấu được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, còn trong nước khá hạn chế. Những ngày gần đây, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc giảm, các vựa thu mua cá sấu thịt bên đó bán ra chậm nên họ không nhận thêm hàng, thành thử giá cá sấu tại Việt Nam mới giảm sâu như vậy.
Nông dân giảm tái đàn
Vào khoảng tháng 7 dương lịch hàng năm là thời điểm người chăn nuôi cá sấu tái đàn để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường năm tới. Tuy nhiên, theo khảo sát, hầu hết người chăn nuôi đều tái đàn theo kiểu cầm chừng.
Trại cá sấu Hương Công đợt này chỉ nhập vào 1.000 con giống, thấp hơn so với năm ngoái tới 5 lần. Trại cá sấu Thủy Lợi cũng nhập gần 1.200 con, và chưa có ý định tăng thêm để chờ giá. Ngoài nguyên nhân giá cá sấu thịt giảm, thì nghịch lý là do giá cá sấu giống thời điểm này đang ở mức cao, lên tới 142.000 đồng/con khiến người nông dân không dám đẩy mạnh sản xuất.
Theo đó, để tìm thị trường an toàn, một số trang trại lớn trên địa bàn đang có định hướng xuất sang Thái Lan.
Theo anh Đức, những ngày gần đây, một số trại đã bắt đầu xuất lứa cá sấu đầu tiên sang Thái Lan để giảm bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, tốc độ tăng bình quân trại cá sấu mỗi năm đạt từ 20 - 50 trại, với số lượng trung bình mỗi trại từ 100 - 300 cá thể. Năm 2015 được coi là năm tăng mạnh nhất với hơn 132 trại. Thị trường tiêu thụ chính thịt cá sấu vẫn là ở Trung Quốc và trong nước.
Ông Nguyễn Văn Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Định Quán cho biết: “Năm 2016, tuy chúng tôi chưa có số liệu thống kê chi tiết, nhưng qua khảo sát ở 2 địa bàn chăn nuôi lớn là xã La Ngà và Phú Ngọc, thì hầu hết bà con đều tái đàn rất chậm, tỷ lệ tăng thêm thấp, lượng cá sấu thịt trữ lại còn nhiều. Nguyên nhân được xác định là do giá cá sấu thịt xuống mức thấp, nông dân nuôi cầm chừng chờ giá lên”.(NNVN)
Đề nghị xem xét dừng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man
Đó là một nội dung trong dự thảo báo cáo về quá trình phê duyệt hệ thống nhà máy này cũng như định hướng sắp tới đã được trình lên Bộ Công thương xem xét thông qua để gửi Thủ tướng.
Báo cáo này liên quan đến các vấn đề báo chí nêu về nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang). Theo đó, Lee & Man có hệ thống ba cụm chính gồm nhà máy giấy công suất 420.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm và một số công trình hỗ trợ gồm cảng biển, nhà máy điện cùng khu xử lý chất thải.
Bộ Công thương xác nhận bộ này (khi đó là Bộ Công nghiệp) đã đồng ý về chủ trương xây dựng nhà máy giấy 420.000 tấn/năm khi được UBND tỉnh Hậu Giang hỏi ý kiến.
Lý do, theo thuyết minh của chủ đầu tư cũng như thông báo của Hậu Giang, sản phẩm dự kiến của nhà máy là giấy bao bì và bao bì cao cấp. Tại thời điểm đó, nguồn cung cấp trong nước mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Theo Bộ Công thương, do thuyết minh của Lee & Man nêu nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì là giấy cactông đã qua sử dụng, ít sử dụng hóa chất chứ không phải đi từ bột giấy được sản xuất từ gỗ rừng, nên Bộ Công thương yêu cầu làm đánh giá tác động môi trường, nếu đảm bảo có thể tiến hành dự án.
Với dự án nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công thương khẳng định không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang, nên không có ý kiến về dự án này trước khi địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền được phân cấp.
Theo một nguồn tin ở Bộ Công thương, dự án nhà máy bột giấy nếu được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không có ý kiến của bộ chuyên ngành là không đúng theo quy định của Chính phủ.
Vị này còn cho biết việc thẩm định thiết kế cơ sở với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của bộ chuyên ngành (khi đó là Bộ Công nghiệp), UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng quy định.
Bộ Công thương phân tích: dự án sản xuất bột giấy khác với sản xuất giấy từ cactông vì phải lấy nguyên liệu từ gỗ, và công nghệ này chắc chắn phát thải một số chất thải do phải sử dụng nhiều hóa chất.
Khu vực Tây Nam bộ lại có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi dày và đan xen nhau nên theo Bộ Công thương, không phù hợp với trồng cây nguyên liệu giấy và sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ. Với các lý do trên, Bộ Công thương thể hiện quan điểm: có thể xem xét dừng việc triển khai dự án nhà máy bột giấy.
Trao đổi với chúng tôi về đề xuất dừng dự án nhà máy bột giấy của Lee & Man từ Bộ Công thương, ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - đơn vị có văn bản gửi Thủ tướng, các bộ ngành cảnh báo và có nhiều kiến nghị về dự án này - cho biết cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, phân tích, xem xét và đưa ra kiến nghị như trên là rất kịp thời.
“Sau khi có tác động từ vụ Formosa, chắc chắn Chính phủ sẽ có quan tâm đúng mức vấn đề của Lee & Man. Hi vọng ở vấn đề này sẽ được xem xét một cách thấu đáo” - ông Hòe nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái và phát triển bền vững khu vực ĐBSCL, cũng nhận định Bộ Công thương đề xuất dừng nhà máy bột giấy của Lee & Man là một động thái tích cực. Tuy nhiên, việc sản xuất bao bì vẫn còn một số quan ngại và nguyên liệu nhập về là loại gì cần được làm rõ.(Tuoitre)
Ban đầu không có trong quy hoạch
Về tổng thể, Bộ Công thương công nhận quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt đã không phân bổ vùng trồng cây nguyên liệu giấy và xây dựng nhà máy sản xuất giấy cũng như bột giấy tại khu vực Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, do Hậu Giang tách khỏi Cần Thơ cần sản xuất công nghiệp để phát triển cũng như giải quyết công ăn việc làm nên chấp nhận hồ sơ của Tập đoàn Lee & Man Paper.
Hệ thống tổ chức đứng sau ông Trịnh Xuân Thanh phải có trách nhiệm
Lãnh đạo một đơn vị để thua lỗ, thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng, không chỉ kỷ luật Đảng mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Trịnh Xuân Thanh.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lần trực tiếp chỉ đạo làm rõ về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh càng khiến dư luận dành sự quan tâm đặc biệt tới vụ việc này. Những người quan tâm đều hoan nghênh về hành động của người đứng đầu Đảng ta.
Những thông điệp từ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư đã rất rõ ràng. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện những chỉ đạo ấy và cho ra kết quả như thế nào là điều mà nhân dân quan tâm. Nói cách khác, niềm tin có được hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả xử lý vụ việc này.
Phóng viên có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những công việc cần làm tiếp theo sau khi có thông báo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh đúng 1 tuần. Ông nhìn nhận động thái này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống; thể hiện quyết tâm chiến lược trong chống tiêu cực tham nhũng và đặc biệt trong công tác cán bộ.
Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư trong trường hợp cụ thể là ông Trịnh Xuân Thanh thể hiện được tinh thần quyết tâm của tập thể ban lãnh đạo Đảng khóa XII chứ không chỉ nhất thời một vụ việc cụ thể, qua đó củng cố niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân.
PV: Trong 4 nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư đều có cụm từ “làm rõ “hoặc “xử lý” trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, sai phạm. Như vậy chúng ta có thể hiểu ở đây sẽ không có chuyện xử lý kiểu chung chung, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đúng vậy, tôi hiểu chỉ đạo của Tổng Bí thư là không phê phán chung chung, phải làm ráo riết, cụ thể và có hiệu quả. Về việc quy trách nhiệm, tôi thấy có một số ý rất quan trọng: đi liền với sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh phải đi tìm gốc rễ nguyên nhân dẫn đến sự việc, ai chịu trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi thấy 4 nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư đều đã hàm ý những nội dung này.
Qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy tất cả các vụ việc tiêu cực, đặc biệt những vụ việc lớn nếu có đầy đủ quyết tâm và cách làm phù hợp, có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng thì đều có thể xử lý thành công.
PV: Việc một cá nhân có những sai phạm trong bộ máy nhà nước ở ta là không hiếm, vậy tại sao ở vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư lại phải trực tiếp có ý kiến chỉ đạo đến 2 lần (tính đến thời điểm này), thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi đó chính là tính nghiêm trọng của vấn đề. Vụ việc của ông Thanh có thể nói là rất “điển hình”, ông Thanh đã phạm phải những sai lầm mà văn kiện Đại hội XI từng phê phán: đó là chạy chức chạy quyền, chạy án chạy tội, chạy khen thưởng để đánh bóng tên tuổi mình, chạy luân chuyển khi không nằm trong diện được luân chuyển. Vụ việc này nếu giải quyết được triệt để cũng sẽ giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
PV: Phân tích con đường thăng tiến của ông Trịnh Xuân Thanh cũng như những hậu quả mà ông này để lại cho thấy nếu chỉ xử lý cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh thôi thì đó chỉ là phần ngọn, là chưa toàn diện?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đúng vậy, giải quyết vụ việc của ông Thanh mới chỉ là phần ngọn. Phần gốc là một hệ thống các tổ chức đứng sau ông Thanh cũng phải có trách nhiệm, đặc biệt những cán bộ cấp trên của ông Thanh, trong chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ đó là Đảng bộ Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, người đứng đầu khi đó là ông Vũ Huy Hoàng, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ đó, người đứng đầu là Bí thư và Chủ tịch tỉnh Hậu Giang lúc đó. Cùng với đó là các cơ quan kiểm tra của Đảng, Bộ Nội vụ…
PV: Theo ông để thua lỗ, thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng thì sẽ bị xem xét như thế nào thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Không chỉ xử lý hành chính, kỷ luật Đảng mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự. 8 vụ án lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải xét xử trước Đại hội XII đều có liên quan đến tham nhũng, thất thoát tài sản.
Trường hợp của PVC chỉ trong thời gian ngắn mà thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng phải xử lý theo pháp luật, trong đó có xử lý cả cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, làm như vậy mới giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
PV: Ông có thể cắt nghĩa vì sao chúng ta có cả một hệ thống làm công tác tổ chức cán bộ, thanh tra, ủy ban kiểm tra các cấp và tai mắt của nhân dân mà những sai phạm nghiêm trọng như vậy lại không được xem xét, truy cứu trách nhiệm?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Thứ nhất là hệ thống làm công tác cán bộ chưa chặt chẽ các khâu, các bước, từ ở cơ sở, địa phương lên tới Trung ương. Thứ hai, qua vụ việc này, dư luận có quyền đặt câu hỏi có sự khuất tất ở đâu đó trong các cơ quan kiểm tra, tổ chức, người đứng đầu giúp cho ông Thanh “chạy được”. Rõ ràng “chạy” ở đây là phải có địa chỉ, chúng ta đã tìm ra người chạy, việc còn lại là tìm được địa chỉ, ông Thanh đã chạy đến ai, địa chỉ nào, tổ chức nào.
PV: Ông có nói nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, nếu có dấu hiệu vi phạm (cụ thể ở đây là ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương) trong trường hợp này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Xử lý theo điều lệ Đảng và đúng pháp luật. Tất cả mọi cán bộ, đảng viên không loại trừ cấp nào, dù là đang chức hay đã nghỉ hưu, nếu vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý. Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ: Nếu có dấu hiệu của vi phạm phải tìm tận nơi để xử lý triệt để. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta siết chặt kỷ luật của Đảng và việc thực thi pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả mọi đối tượng đều thượng tôn pháp luật, dứt khoát không có vùng cấm.(VOV)
Tăng mức phạt nhiều hành vi vi phạm luật giao thông
Từ 1/8, Nghị định 46 bắt đầu có hiệu lực với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ tăng mức phạt so với quy định tại Nghị định 171, 107. Nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất.
Theo đó, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạtnhư vượt đèn đỏ. Tài xế ôtô vi phạm, tăng mức phạt tối đa 1,2 triệu đồng (theo Nghị định 171) lên 2 triệu đồng. Người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt 300.000 - 400.000 đồng.
Người điều khiển ôtô vi phạm về nồng độ cồn bị phạt tối đa 15 triệu đồng, tước GPLX 5 tháng (Nghị định 171) tăng lên mức 18 triệu đồng và bị tước GPLX 6 tháng.
Người điều khiển ôtô vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt đến 8 triệu đồng nhưng sẽ bị tước GPLX đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20km/h có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.
Người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc có thể bị phạt đến 6 triệu đồng...
Nghị định 46 cũng đưa nhiều quy định mới vào khung phạt. Cụ thể, hành vi ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ bị đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức.
Ngoài ra, các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng.
Kể từ 1/1/2017, người điểu khiển môtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển, bị phạt đến 800.000 đồng. Lực lượng chức năng sẽ áp dụng công nghệ cao để xử phạt hành vi vi phạm này.(TP)