tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Liệu có tình trạng tổ chức, cá nhân tăng phí vô tội vạ?

  • Cập nhật : 14/08/2015

(Tin kinh te)

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, việc chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ không làm tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

ong pham dinh thi, vu truong vu chinh sach thue (bo tai chinh)

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Theo phản ánh của nhiều người dân, hiện có quá nhiều loại phí, lệ phí. Vậy có xảy ra tình trạng phí chồng lên phí không, thưa ông?

Danh mục phí và lệ phí được ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí hiện hành có tổng cộng 73 loại phí và 42 loại lệ phí. Trên cơ sở này, Chính phủ ban hành Danh mục quy định chi tiết thành 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Tôi khẳng định, các bộ, ngành, địa phương không thể tự đặt ra bất cứ khoản phí, lệ phí nào ngoài Danh mục.

Việc người dân cho rằng, có quá nhiều loại phí, hay phí chồng lên lên phí là do hiểu nhầm giá dịch vụ là phí. Đơn cử, người dân phản ánh có HTX thu đến 19 loại phí, nhưng thực chất đây là giá dịch vụ, như “phí trông đồng” chẳng hạn. Thực ra, người dân phải bỏ ra một khoản tiền để thuê người bảo vệ hoa màu, nên đây là giá dịch vụ trông đồng, nhưng lại gọi là phí.

Chỉ có khoản thu nào nằm trong Danh mục phí và lệ phí do Quốc hội ban hành và giao thẩm quyền cho Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh ban hành thì mới là phí, lệ phí. Căn cứ vào quy định này, tôi khẳng định, không có chuyện phí chồng lên phí, không ai có quyền đặt ra bất cứ loại phí, lệ phí nào ngoài Danh mục.

Nhưng có nhiều loại phí tăng liên tục, tạo ra gánh nặng về tài chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp?

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức và cá nhân khác cung cấp dịch vụ và phải nằm trong Danh mục phí và lệ phí. Do lương tối thiểu tăng, giá điện, nước, văn phòng phẩm phục vụ công tác thu phí tăng, mặt bằng giá cả của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ năm nào cũng tăng, vì vậy, việc điều chỉnh tăng một số khoản phí là hợp lý.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, mức tăng phí nói chung thấp hơn mặt bằng tăng giá tiêu dùng và rất nhiều loại phí, như phí kiểm định phương tiện đường thủy, đường biển, phí sử dụng đường bộ được ban hành từ năm 2004 nhưng đến tận năm 2013 mới điều chỉnh tăng, với mức tăng thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng rất nhiều.

Theo Dự thảo Luật Phí và Lệ phí dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 thì mức thu phí đối với dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư phải bảo đảm thời gian thu hồi vốn, có tính đến lợi nhuận định mức. Căn cứ vào quy định này, tổ chức, cá nhân sẽ tăng phí vô tội vạ?

Nhiều loại phí có khả năng xã hội hóa rất cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác, vì thế cần phải có quy định tính đến lợi nhuận và bảo đảm thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp thì người ta mới bỏ tiền đầu tư.

Đơn cử, hiện tại, tư nhân đã được cung cấp dịch vụ công chứng, nhưng họ chỉ đầu tư văn phòng công chứng tại các đô thị lớn, còn vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước vẫn phải đảm đương công việc này. Vì thế, phải tính đến lợi nhuận định mức và bảo đảm thời gian thu hồi vốn hợp lý mới khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công chứng ở vùng sâu, vùng xa.

Tôi cho rằng, khi có nhiều người tham gia cung cấp, dù có quy định lợi nhuận định mức, thì phí dịch vụ chưa chắc tăng, vì trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản lý, quản trị, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành dịch vụ để cạnh tranh.

Nhưng đối với các dự án cầu, đường đầu tư bằng hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) thì không vậy. Do không có đối thủ cạnh tranh, nên doanh nghiệp có thể dễ dàng tăng phí?

Phí sử dụng đường bộ; phí cầu, phí phà, phí đò sẽ được chuyển thành giá dịch vụ, nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí, mà chuyển sang chịu sự điều chỉnh của Luật Giá.

Để khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT và tránh tình trạng doanh nghiệp có thể “bắt bí” người sử dụng, Nhà nước sẽ quy định mức giá cụ thể đối với dịch vụ sử dụng đò, phà, quy định khung giá đối với dịch vụ sử dụng cầu, đường theo Luật Giá.

Việc người dân, doanh nghiệp khi sử dụng cầu, đường đã phải trả phí sử dụng mà vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ có vô lý không, thưa ông?

Doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng cầu, đường theo hình thức BOT tức là họ đầu tư xây dựng, rồi sau một thời gian khai thác sẽ chuyển giao nguyên trạng cho Nhà nước. Trong quá trình khai thác để thu hồi vốn, họ phải được quyền thu phí người sử dụng. Còn phí bảo trì đường bộ đánh trên đầu phương tiện giao thông được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Khoản tiền này để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cầu, đường do Nhà nước đầu tư và người dân đi trên những con đường này, cây cầu này không phải trả phí.

Khi Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực (từ ngày 1/1/2017), có 18 khoản phí hiện hành được chuyển thành giá dịch vụ. Việc chuyển một số loại phí sang cơ chế giá dịch vụ như học phí, viện phí, phí cầu, phí đường… không làm tăng gánh nặng cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, vì vẫn được quản lý bằng Luật Giá theo hình thức Nhà nước định giá, ban hành khung giá trên tinh thần khuyến khích tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra đầu tư, đồng thời phù hợp với khả năng đóng góp của người sử dụng.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục