HoREA đề nghị sử dụng thông tin trên giấy căn cước (ID), hộ chiếu (passport) của nước sở tại cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam thì nên coi đây là cơ sở pháp lý theo công pháp quốc tế để xác định nguồn gốc người Việt.
Tin trong nước đọc nhanh 14-08-2015
- Cập nhật : 14/08/2015
Ra quy định xóa thế độc quyền điện của EVN
Ngày 13-8, Bộ Công thương đã chính thức công bố quyết định phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và nội dung quan trọng nhất, thiết kế này đã xóa bỏ vai trò độc quyền của EVN.
Tới đây, các thành phần kinh tế có quyền thành lập công ty mua buôn điện, mua điện trực tiếp từ thị trường phát điện để bán lại cho các hộ tiêu thụ thay vì phải qua EVN - Ảnh C.V.K
Cụ thể, nếu như từ trước đến nay, tất cả các đơn vị phát điện đều phải bán cho EVN (qua Công ty mua bán điện) thì nay, theo quy định mới, các công ty phát điện đang tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, sẽ được bán cho 8 đối tượng lớn, gồm:
* Thứ nhất là Công ty mua buôn điện cạnh tranh (không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp phép để mua điện từ thị trường, bán lại cho các hộ tiêu thụ điện lớn).
* Thứ hai là Công ty mua bán điện của EVN.
* Thứ ba là các hộ tiêu thụ điện lớn đủ điều kiện và 5 đối tượng khác là 5 Tổng công ty Điện lực (miền Bắc, Trung, Nam, Hà Nội và TP.HCM của EVN).
Như vậy, thay vì phải mua điện từ EVN, các đơn vị trên sẽ được mua điện trực tiếp từ thị trường phát điện cạnh tranh để bán cho khách hàng (hiện hầu hết các công ty phát điện đã chào giá và được huy động theo mức giá từ thấp đến cao trên thị trường phát điện cạnh tranh).
Người mua cũng sẽ được tự chọn đối tác bán cho mình chứ không nhất thiết phải mua duy nhất từ EVN. Cụ thể, thiết kế của Bộ Công thương cho thấy trước mắt, Bộ Công thương cho các khách hàng sử dụng điện lớn (mua điện từ cấp điện áp 110kV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện áp 220kVC- thường là những nhà máy lớn như khu công nghiệp, nhà máy giấy, xi măng... -PV) nếu đáp ứng các điều kiện, sẽ được mua điện trực tiếp từ thị trường phát điện cạnh tranh, không nhất thiết phải qua EVN.
Tuy nhiên, Bộ Công thương nêu từ nay đến hết 2015 sẽ là giai đoạn để các bên chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 sẽ được thực hiện trong năm 2016 (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực); Giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2017-2018; Giai đoạn vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh chỉ bắt đầu từ năm 2019.
Nhiều thách thức lớn với hoạt động đối ngoại
Ngày 12-8, tại hội thảo 70 năm ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các nhà ngoại giao Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu đã phân tích những thách thức đối với đối ngoại
TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhấn mạnh ngành đối ngoại luôn cho rằng thành tích rất lớn là đã ký thành công và đang đàm phán tổng cộng hơn 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và liên minh kinh tế, là một trong những nước đi tiên phong và ký FTA nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, tiên phong mở cửa trong vấn đề thương mại tự do nhưng đổi mới bên trong của chúng ta rất kém. Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, TS Lê Đăng Doanh, nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy rõ ai là bạn, ai làm hại, ai đang xâm lấn đất nước, nếu không có sự thay đổi và đánh giá đúng đắn thì chúng ta sẽ đối mặt với thách thức lớn”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, giành giật về thế lực giữa các cường quốc
Theo ông Lược, trong sự nghiệp ngoại giao của Việt Nam luôn có 2 mối quan hệ chi phối: giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và Mỹ. “Năm 1991-1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đặt câu hỏi nếu xem Mỹ là kẻ thù số 1 thì đối với Mỹ thế nào? Chúng tôi phải nói rằng chừng nào chúng ta còn xem Mỹ là kẻ thù số 1 thì khó phát triển. Tổng Bí thư đồng ý phải chuyển thành đối tác chứ không phải là kẻ thù. Đó là bước chuyển rất quan trọng trong tư duy. Có bước chuyển đó thì mới xóa bỏ cấm vận và phát triển, hợp tác. “Nếu có lệch lạc trong xử sự 2 mối quan hệ này thì chúng ta có vấn đề. Mà điều này còn ảnh hưởng đến cả đối nội” - ông Lược nhấn mạnh.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mong muốn thời gian tới, Bộ Ngoại giao góp phần với Đảng, Chính phủ giải quyết sòng phẳng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Họ đã giúp chúng ta những gì và họ đã làm những gì với chúng ta, không nên để nhiều khi người dân không hiểu nổi hiện chúng ta đang coi Trung Quốc là thế nào. Nếu có điều gì xảy ra, tôi e khó huy động lực lượng toàn dân như đã từng huy động được trong các cuộc chiến tranh trước đây” - bà Lan nói.
Nguồn ODA đang giảm, phải dùng sao cho hiệu quả
Đây là thông tin được Bộ KH&ĐT đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi diễn ra ngày 12-8.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng trong bối cảnh trở thành nước thu nhập trung bình, việc thu hút các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, việc giải ngân, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả tối đa là nhiệm vụ lớn mà mỗi bộ, ngành, địa phương phải tập trung, chú ý. Các bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn ODA thấp trong nửa đầu năm nay phải quyết liệt hơn trong công tác điều hành nhằm bảo đảm tận dụng tối đa và hiệu quả nguồn vốn ngày càng khó tiếp cận này.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng mức giải ngân ODA trong sáu tháng đầu năm 2015 thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể tổng giá trị các hiệp định ký kết năm 2013 là 6,601 tỉ USD; năm 2014 giảm xuống còn 4,379 tỉ USD. Năm 2015 dự kiến hạ xuống 3,313 tỉ USD (trong đó sáu tháng đầu năm 2015 là 1,590 tỉ USD).
Thêm nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu
Nhà máy chế biến các sản phẩm cá tra và tôm tinh chế tại KCN An Hiệp (Bến Tre), vốn đầu tư 15 triệu USD, công suất chế biến 10.000 tấn thành phẩm/năm.
Ngày 12-8, Công ty CP Gò Đàng khởi công xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm cá tra và tôm tinh chế tại Khu công nghiệp An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), vốn đầu tư 15 triệu USD, công suất chế biến 10.000 tấn thành phẩm/năm.
Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cho biết nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 20 sản phẩm tinh chế từ cá tra và một số sản phẩm từ tôm như: cá tra tẩm bột chiên, cá tra tẩm bột hấp, cá tra tẩm gia vị, tôm Nobashi… xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu.
Cảnh giác việc chào mời nhận nhãn hiệu Hàng VN chất lượng cao
Gần đây có nhiều đối tượng giả danh gọi điện đến doanh nghiệp mời chào, dụ dỗ, ép doanh nghiệp đóng tiền để nhận nhãn hiệu Hàng VN chất lượng cao (HVNCLC).
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) ngày 12-8 cho biết thời gian gần đây có nhiều đối tượng giả danh gọi điện đến doanh nghiệp mời chào, dụ dỗ, ép doanh nghiệp đóng tiền để nhận nhãn hiệu HVNCLC.
Hội Doanh nghiệp HVNCLC khẳng định không có chủ trương và cũng không cử nhân viên gọi điện đến gặp doanh nghiệp để vòi vĩnh đóng tiền.
Doanh nghiệp phát hiện các cá nhân chào mời đóng tiền để nhận nhãn hiệu HVNCLC có thể phản ảnh qua đường dây nóng của Hội Doanh nghiệp HVNCLC (0902686099) hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất.
Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết đang điều tra bình chọn HVNCLC 2016 trên toàn quốc, đồng thời triển khai chương trình ứng viên HVNCLC nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho doanh nghiệp.