Dù tỉnh Quảng Ngãi mới nghe CPG thuộc Tập đoàn CAG của Trung Quốc trình bày quy hoạch đảo Lý Sơn nhưng dư luận trong nước đã rất lo lắng
Người Việt lạc quan nhất về TPP
- Cập nhật : 16/10/2015
(Thuong mai)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam được xếp hạng cao nhất trong khối TPP về mức độ tin tưởng và lạc quan vào hiệp định, theo khảo sát tại 10/12 nước.
Thông tin trên được Tập đoàn truyền thông Edelman công bố sau cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.000 doanh nghiệp và 1.000 người tiêu dùng thuộc các quốc gia ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không bao gồm Brunei và Peru, được tiến hành trong 3 ngày 7-9/10 vừa qua.
Kết quả khảo sát cho thấy 93% doanh nghiệp Việt Nam và 96% người tiêu dùng ủng hộ TPP, tin tưởng rằng hiệp định sẽ giúp mang lại lợi ích đối với kinh tế, trong khi số liệu trung bình tại 10 nước lần lượt là 69% và 67%.Doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP, cùng với Mỹ, Chile và Singapore, trong khi các nước New Zealand, Malaysia và Canada hưởng ít lợi ích nhất.
“Từ khi TPP đạt được thỏa thuận, chúng tôi thấy nổi bật nhất trong các chủ đề bình luận về hiệp định này là ý nghĩa của nó đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thắng lớn từ hiệp định”, ông Bùi Ngọc Anh - Giám đốc điều hành AVC Edelman - công ty con tại Việt Nam của tập đoàn này nhận xét.
Trong các quốc gia được khảo sát, doanh nghiệp Việt Nam cũng được cho là có mức chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng lợi thế của TPP cao nhất với 76%, so với mức trung bình là 52%. Tương tự, giới chủ tự tin nhất về tác động tích cực của TPP trong vấn đề việc làm và lao động, chiếm 79% so với toàn khối là 53%.
Các doanh nghiệp nhận định mối quan hệ hợp tác xuyên quốc gia cũng như khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ là những ưu điểm nổi trội của hiệp định. Tuy nhiên, các quy tắc và quy định là rào cản lớn nhất của TPP.
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan không kém về những lợi ích TPP sẽ mang đến cho cá nhân và gia đình, với 80% so với mức trung bình 47% và chỉ đứng sau New Zealand khi được hỏi có biết về hiệp định hay không.
Cuộc khảo sát cho thấy mặc dù TPP vẫn chưa được phê duyệt, phần đông ý kiến cho rằng hiệp định này sẽ trở thành hiện thực trong thời gian sắp tới và không quốc gia thành viên nào cho phép mình lơ là dù thời gian triển khai thỏa ước này có thể kéo dài trong vòng 10 năm.
"Ngay bây giờ, tất cả chúng ta phải bắt đầu xem xét lại uy tín và phương thức kinh doanh tại quốc gia mình. Mặc dù các thị trường thành viên đều có những ưu tiên khác nhau nhưng trong thời gian tới, tất cả các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong hoạt động tiếp thị và kinh doanh", đại diện Edelman nhận định.