Đó là nghịch lý trong cuộc chiến giữa số ít lực lượng chức năng với số lượng đông đảo dân buôn lậu trên Đường 9.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 29-09-2015
- Cập nhật : 29/09/2015
Sản lượng lúa của cả nước năm nay ước đạt hơn 45 triệu tấn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính sản lượng lúa cả nước năm nay đạt 45,1 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm ngoái.
Trong đó lúa Đông Xuân đạt 20,69 triệu tấn, giảm 158.800 tấn; lúa Hè Thu và Thu Đông đạt 14,85 triệu tấn, tăng 370.000 tấn; lúa Mùa đạt 9,57 triệu tấn, giảm 71.200 tấn so với năm ngoái.
Tính đến trung tuần tháng Chín này, trên địa bàn các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được khoảng 91,2% diện tích lúa Hè Thu xuống giống. Mặc dù diện tích xuống giống vụ này giảm, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi, giá lúa tăng khá do đó người dân yên tâm sản xuất, lúa được chăm sóc tốt. Ước tính năng suất lúa Hè Thu đạt 54 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm 2014.
Năm nay, vụ Thu Đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống đạt hơn 612.000 ha, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch khoảng 20% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 54,3 tạ/ha. Diện tích còn lại chủ yếu ở giai đoạn trỗ bông, chín, sinh trưởng và phát triển tốt.
Vụ lúa Mùa tại các địa phương phía Bắc đã trỗ bông. Trà lúa sớm đang trong giai đoạn vào chín và bắt đầu cho thu hoạch kịp thời giải phóng đất để trồng cây vụ Đông sớm. Trà lúa chính vụ đang ở giai đoạn sinh trưởng, làm đòng, trỗ bông.
Theo ước tính sản lượng toàn miền giảm khoảng 1% so vụ mùa 2014 do diện tích giảm 1,3%.
Do đầu vụ bị nắng hạn và các địa phương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng nên diện tích lúa mùa ở các tỉnh miền Nam năm nay cũng giảm so với năm ngoái. Tính đến trung tuần tháng Chín này, các địa phương mới xuống giống 554.600ha, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá sơ bộ từ các địa phương, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất lúa Mùa cả nước ước đạt 49,3 tạ/ha, tăng nhẹ (từ 0,3-0,5 tạ/ha). Sản lượng ước tính gần 9,5 triệu tấn, giảm khoảng 71.000 tấn so với vụ Mùa năm 2014.
Hà Giang: Khởi công nhà máy thủy điện gần 1.900 tỉ đồng
Ngày 27/9, UBND tỉnh Hà Giang và Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang (thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành) tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Lô 6.
Công trình thủy điện Sông Lô 6 được xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang và xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Với quy mô công suất thiết kế 48MW, tổng vốn đầu tư 1.852 tỷ đồng, khi hoàn thành, Thủy điện Sông Lô 6 đạt sản lượng điện khoảng 187,25 triệu kWh/năm, doanh thu hàng năm đạt khoảng 187 tỷ đồng.
Dự kiến nhà máy hoàn thành đưa vào vận hành khai thác trong năm 2018.
Đây là công trình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang chọn làm công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Đề nghị khởi tố vụ án ngư dân bị phía Thái Lan bắn chết
Liên quan đến vụ việc tàu Thai Police 528 của cảnh sát biển Thái Lannổ súng tấn công sáu tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang khiến một người chết, hai người bị thương, ngày 27-9 luật sư Hà Hải - văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự (TP.HCM) - cho biết đã hướng dẫn chị Nguyễn Thị Kim Phương (vợ của ngư dân bị bắn chết Ngô Văn Sinh) và ngư dân bị bắn gãy đùi Nguyễn Hùng Cường làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án.
Theo luật sư Hà Hải, cả chị Nguyễn Thị Kim Phương và ngư dân Nguyễn Hùng Cường đều đồng ý ký đơn gửi tới các cơ quan chức năng.
Đơn của ngư dân được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá tỉnh Kiên Giang, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang... với mong muốn những nơi này sớm chỉ đạo và khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ vụ việc.
Nội dung đơn nêu lại sự việc tàu Thai Police 528 khống chế bắt giữ một thuyền trưởng, đồng thời nổ súng bắn thẳng vào các tàu cá của ngư dân Kiên Giang vào chiều 11-9 trên vùng biển hiện đang được cho là chồng lấn giữa ba nước Thái Lan - Việt Nam - Malaysia.
Đồng thời, các đương sự cũng trình bày nguyện vọng mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam có biện pháp sớm xác định tọa độ tàu Thai Police 528 nổ súng tấn công ba cặp tàu đánh cá. Việc này là hết sức quan trọng để có thể đòi lại công bằng cho các nạn nhân.
Khởi công xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera
Ngày 28/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức khởi công xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera, nằm trên địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Hiền và thị trấn Phong Điền, thuộc huyện Phong Điền.
Dự án do Công ty kinh doanh bất động sản Viglacera làm chủ đầu tư.
Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera có tổng diện tích trên 284ha, tổng mức đầu tư hơn 680 tỷ đồng.
Đây là khu công nghiệp thành phần thứ 3 thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Phong Điền, được xác định là khu công nghiệp hỗn hợp đa ngành, công nghệ cao, hướng tới các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm như: công nghiệp điện, điện tử công nghệ thông tin, chế biến nông-lâm, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, dệt may, vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác và chế biến cát...
Khu công nghiệp Phong Điền là một trong 6 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tổng thể định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera có lợi thế lớn về giao thông, chỉ cách thành phố Huế khoảng 37km về phía Bắc, cách sân bay Phú Bài 45km và cảng Thuận An 40 km, cảng nước sâu Chân Mây 70km về phía Nam, gần Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty kinh doanh bất động sản Viglacera cho biết, ngoài mạng lưới giao thông thuận lợi; đây còn là địa bàn quy tụ nhiều trường Đại học, Cao đẳng đào tạo chuyên nghiệp, có lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công thấp, tạo sức hút đầu tư lớn. Các doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng thu hút được nguồn lao động chất lượng cao từ thành phố Huế và lao động đến từ các tỉnh lân cận.
Hiện tại, cùng với việc đầu tư phát triển Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera, Công ty kinh doanh bất động sản Viglacera đã nâng tổng số các Khu công nghiệp Viglacera lên 7 khu công nghiệp, trải khắp miền Bắc, miền Trung Việt Nam, với tổng diện tích đầu tư hơn 2.000ha.
Điển hình là các Khu công nghiệp Tiên Sơn, Yên Phong và Thuận Thành (Bắc Ninh); Khu công nghiệp Hải Yên và Đông Mai (Quảng Ninh) và Khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) đang hoạt động hiệu quả.
CHK quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm ngành GTVT
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.
Theo thông báo kết luận, 9 tháng đầu năm 2015 đã có thêm ba công trình, dự án trọng điểm được khởi công (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2; Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương).
Đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các công trình trọng điểm: cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Nhà ga T2 - CHK quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác 770 km dự án QL1; thông xe toàn bộ 663 km đường HCM đoạn qua Tây Nguyên; hoàn thành dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 1); đưa vào khai thác 20 km đầu tiên của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn, vướng mắc về tiến độ, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị; về vốn GPMB; về chất lượng công trình, dự án, nhất là đối với các dự án BOT. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, các Ban QLDA, nhà đầu tư thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật - công nghệ, vật liệu thi công hợp lý; tăng cường quản lý đấu thầu, công tác kiểm soát giá thành xây dựng, định mức, đơn giá công trình.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý chất lượng, tiến độ công trình, dự án, đảm bảo an toàn lao động, ATGT và vệ sinh môi trường trên tất cả công trình, dự án.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong công tác giải ngân; công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA; tăng cường quản lý công tác kiểm soát vốn đầu tư theo quy định; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị phương án sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp để bổ sung vốn đối ứng ODA; Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung dự án CHK quốc tế Long Thành vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.