Tăng năng lực hạ tầng, tổ chức giao thông, đổi giờ và đặc biệt hạn chế ôtô lưu thông vào giờ cao điểm là ý kiến của TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch Quản lý giao thông vận tải (Đại học Giao thông Vận tải), nhằm giảm ùn tắc ở Hà Nội.
Vì sao doanh nghiệp FDI không được phân phối thuốc ở Việt Nam?
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Quản lý giá thuốc từng là vấn đề nóng trong nhiều phiên thảo luận, chất vấn tại nghị trường thời gian qua.
Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dược (sửa đổi).
Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ nêu rõ, hoạt động dược là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Do đó, các quy định trong dự thảo luật phải bảo đảm Nhà nước quản lý một cách chặt chẽ từ sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán, cung ứng thuốc, thông tin, quảng cáo đến sử dụng thuốc.
Làm rõ tiêu chí bình ổn giá
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lần sửa đổi này, dự thảo luật không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam, và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả do việc đưa ra các quy định trên là không khả thi.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chí để đảm bảo tính khả thi đối với việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội, theo quy định tại Luật giá.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, tiêu chí này sẽ làm cơ sở để Nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động bất thường.
Liên quan đến nội dung kinh doanh dược, dự thảo luật quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không được phân phối thuốc ở Việt Nam.
Tại cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề nghị không quy định rõ, vì các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và sẽ ký kết đều có liên quan đến vấn đề này.
Song, Thường trực Ủy ban tán thành với quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối thuốc ở Việt Nam, nhằm tiếp tục bảo hộ ngành dược trong nước, và tránh việc các công ty nước ngoài có thể gây "lũng đoạn thị trường".
Còn đối với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết, nếu có nội dung liên quan đến vấn đề này, thì sẽ thực hiện theo nội dung đã tham gia và ký kết.
"Đội sổ” về phát triển chậm
Thuyết minh sự cần thiết sửa Luật Dược, Chính phủ nêu rõ, ngành dược vẫn chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn.
Trên thực tế, giá trị thuốc sản xuất trong nước tính đến năm 2014 mới chiếm 0,72% GDP của Việt Nam. Giá trị sản xuất thuốc trong nước chỉ chiếm 2,18% so với tổng doanh thu ngành công nghiệp sản xuất quốc gia.
Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc (mà chủ yếu là các thuốc generic).
Riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước, Việt Nam vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, "không có ngành nào ở Việt Nam phát triển chậm như ngành dược, người Việt Nam vẫn chết trên đống thuốc".
"10 năm qua ngành dược vẫn thế, công nghệ vẫn thế, vùng nguyên liệu vẫn thế, sự phụ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu vẫn thế…, trong khi quy định quản lý thì rất chặt, người làm nghề rất khó khăn", Chủ tịch nhận xét.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thì cơ quan soạn thảo cần có báo cáo để Quốc hội biết tình trạng phát triển của ngành dược thế nào, để từ đó sửa luật, nhằm tạo sự chuyển biến.
Câu hỏi được ông đặt ra với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là có đảm bảo ngành dược Việt Nam sẽ bứt phá sau khi sửa luật, vì 10 năm thi hành luật hiện hành chưa có sự phát triển rõ ràng?
Liên quan đến các quy định khác, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, đọc chỉ thấy loanh quanh với quy định cấp phép này kia mà có loại giấy phép cần đến thời gian đến 18 tháng mới xong.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày, chính sách luôn hướng đến việc tạo điều kiện cho kinh doanh, nhập khẩu thuốc. Các quy định cụ thể về việc cấp phép lưu hành thuốc, gia hạn, cấp mới, cấp lại giấy phép lưu hành… đều đã giảm đi rất nhiều.
"Ở châu Âu, quy định về thời gian giải quyết việc cấp phép lưu hành này còn lâu hơn, như ở Thuỵ Sĩ, quy trình cấp phép lưu hành thuốc mới là 3 năm trong khi tại Việt Nam, thời gian tối đa 18 tháng là… rất ngắn", Bộ trưởng Kim Tiến nói.
Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng quá đơn giản, Chủ tịch Quốc hội vẫn băn khoăn, có đảm bảo được Luật Dược sửa đổi ra đời là mở ra cơ hội làm ăn thuận lợi cho mọi người, từ trồng cây thuốc, đến chế biến, nghiên cứu, sản xuất?
Theo Nguyễn Lê
vneconomy.vn