Cho rằng thủ tục hải quan tác động rất rõ đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Ciem) khuyến nghị cần phải cải cách hơn nữa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 12-12-2015
- Cập nhật : 12/12/2015
Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ mới cho người bị thu hồi đất
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
Theo đó, người bị thu hồi đất gồm có người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động bị thu hồi đế kinh doanh.
Cụ thể, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp là người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp.
Người lao động bị thu hồi đất kinh doanh là người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở.
Các đối tượng trên sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phải trong độ tuổi lao động.
Cụ thể, người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thì được hỗ trợ học phí cho một khóa học.
Người lao động còn được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách quy định.
Về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, Quyết định quy định người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; đồng thời, được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định. Người lao động bị thu hồi đất kinh doanh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ như người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.
Cùng với đó, người lao động bị thu hồi đất còn được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quyết định cũng quy định rõ, người lao động bị thu hồi đất thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của chính sách hỗ trợ các huyện nghèo.
Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài một lần theo chính sách quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Hai đắc cử chủ tịch tỉnh Bình Thuận
Ngày 11-12, sau khi tiến hành bỏ phiếu các chức danh tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX, ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trúng cử chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, sinh ngày 31/12/ 1962, trước khi là Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Hai là Bí thư Thị ủy thị xã La Gi; phó chủ tịch UBND tỉnh…
Hai ông Lương Văn Hải và Nguyễn Đức Hòa cũng trúng cử chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh.
HĐND tỉnh Bình Thuận cũng thông qua các Nghị quyết gồm: Kế hoạch đầu tư và danh mục các công trình trọng điểm của tỉnh năm 2016; Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020;
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 101/2010/NQ-HĐND ngày 3/12/2010 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015;
Danh mục công trình, dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, danh mục công trình, dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện trong năm 2016;
Tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Đặt tên công viên cây xanh tại phường Phú Thủy- thành phố Phan Thiết; Chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2016 và Chương trình hoạt động giám sát của HĐND tỉnh năm 2016.
Ông Lâm Văn Mẫn được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng
Trong hai ngày 9-10/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỳ họp thứ 14, khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, nhằm đánh giá tình hìnhkinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của tỉnh; đồng thời bầu một số chức danh chủ chốt của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã bầu ông Lâm Văn Mẫn (sinh năm 1970), Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2011-2016.
Hai Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh được bầu bổ sung là ông Lê Văn Hiểu (sinh năm 1964), Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung và ông Ngô Hùng (sinh năm 1974), Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Trần Đề.
Các ông Lê Văn Hiểu, Ngô Hùng, Lâm Hoàng Nghiệp (Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị) và ông Lê Trọng Sơn, Tỉnh ủy viên được bầu là thành viên Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Trước đó, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đã tiến hành miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đối với ông Mai Khương do đến tuổi nghỉ hưu; miễn nhiệm chức danh thành viên Ủy ban Nhân dân tỉnh với các ông Lâm Văn Mẫn, ông Trần Thành Nghiệp (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh), Quách Việt Tùng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh), Mai Phước Hưng (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và bà Trần Thị Tuyết (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ) do chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu…
Cũng tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết nghị thông qua các vấn đề quan trọng về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2016 và một số tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Theo đó, năm 2016 Sóc Trăng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8-8,5%; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/năm; sản lượng lúa bình quân đạt trên 2 triệu tấn/năm; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản 220.500 tấn...
Năm 2015, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cố gắng, phấn đấu đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trường kinh tế đạt 7,53%, thu ngân sách đạt gần 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 545 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%...
Hơn 500 hộ dân bị ngân hàng đòi nợ sau 20 năm vay vốn
Năm 1995, 741 hộ dân ở các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho vay với số tiền là 3,157 tỷ đồng, tiền lãi là 7,634 tỷ đồng. Đây là số tiền được chính phủ chỉ đạo cho dân vay để chuyển đổi từ làm pháo sang làm nghề khác, khi lệnh cấm pháo được thực thi vào dịp tết 1995. Ngày 8/12/2015, các hộ này được mời lên UBND phường để nghe thông báo trả nợ.
Bà Lê Thị Vân (80 tuổi, ngụ phường Hòa Hiệp Bắc), cho biết: “Lúc đó chồng tôi đứng vay, ổng chết rồi, chừ nghe đòi nợ, tôi chưng hửng. Bỏ nghề pháo, không chuyển nghề được, nhà cửa không có, Nhà nước mới làm cho cái nhà tình nghĩa, chừ kêu trả nợ bốn triệu đồng, tôi lấy chi trả đây?”.
Bà con cho rằng, có nợ thì phải trả, nhưng ngân hàng đã không rõ ràng trong việc đòi nợ. Thời gian quy định phải trả là 36 tháng, nhưng để 20 năm không đòi, dân tưởng Nhà nước đã xóa nợ, ai ngờ… Đã vậy, phần lớn bà con thiếu nợ đều trong diện hộ nghèo, quá tuổi lao động, già yếu; thời điểm đòi nợ lại rơi vào cuối năm, nên càng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bưởi, Giám đốc NHCT Đà Nẵng cho biết: Việc đòi nợ là nhằm tạo sự công bằng, bởi đã có hơn 230 hộ vay trả gốc lẫn lãi. Những hộ còn lại, nếu trả trong tháng 12/2015, thuộc diện gia đình chính sách, neo đơn, khó khăn, sẽ được miễn toàn bộ lãi; sau tháng 12, nếu trả thì phải trả lãi lẫn gốc; ai không trả, ngân hàng sẽ kiện ra tòa án.
Trả lời câu hỏi vì sao để đến 20 năm mới đòi nợ, ông Bưởi cho rằng, lúc đó cho vay theo chỉ đạo của chính phủ, nhưng chính phủ không nói rõ chuyển nguồn nào để cho vay, nên ngân hàng tạm thời lấy tiền từ nguồn huy động của dân để vay; vì số tiền không cao, lại đặc thù là vay chuyển ngành nghề, nên ngân hàng không quyết liệt, lực lượng đi đòi nợ mỏng; ngân hàng cũng đã ba lần làm văn bản xin xóa nợ cho dân nhưng không được chính phủ chấp thuận.
Được mùa cam sành Hàm Yên, người trồng thu nhập cả tỷ đồng
Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có gần 4.900ha trồng cam, trong đó có 3.100ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng hơn 43.000 tấn quả, cao hơn năm 2014 khoảng 2000 tấn.
Người trồng cam tại Hàm Yên đang rất phấn khởi vì giá cam bán tại vườn đang giao động từ 8.400-10.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn từ 1.200-2.500 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái.
Những ngày này tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên-trung tâm trồng cam sành của huyện Hàm Yên rất tấp nập bởi mỗi ngày có rất nhiều xe tải lớn, nhỏ đến thu mua cam, cùng với hàng trăm người ở các địa phương đến vận chuyển cam cho các chủ vườn.
Gia đình ông Mai Văn Trấn, thôn Nậm Nương, xã Phù Lưu năm nay có trên 1.500 gốc cam, dự kiến sản lượng đạt khoảng 170 tấn, tăng hơn 30 tấn so với năm 2014.
Sau khi bán hết cam, gia đình ông dự kiến có thể thu về 1,4-1,6 tỷ đồng, trừ hết chi phí thu lãi từ 1-1,3 tỷ đồng.
Ông Trấn cho biết, sản lượng cam năm 2014 của gia đình đạt khoảng 140 tấn, đến hết vụ gia đình thu về 1,2 tỷ đồng, trừ hết chi phí thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Năm nay, cam được mùa, sản lượng tăng cùng với giá cam cao hơn nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên nhiều so với trước.
Theo ông Trấn, sản lượng và giá trị của cam sành Hàm Yên năm sau cao hơn năm trước là do chính quyền địa phương rất quan tâm, thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thâm canh tạo ra sản phẩm cam sành năng suất cao, chất lượng tốt, quả ít hạt, mẫu mã đẹp, chống chịu tốt với sâu bệnh.
Bên cạnh đó, huyện Hàm Yên cũng rất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp nông dân trồng cam ngày càng có thêm thu nhập.
Cũng như gia đình ông Mai Văn Trấn, gia đình ông Đỗ Viết Cường, thôn Nậm Nương, xã Phù Lưu có gần 1.000 cây cam đang cho thu hoạch.
Năm nay, gia đình ông Cường dự kiến thu hoạch được trên dưới 100 tấn quả, thu về từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng sau khi bán hết cam.
Ông Cường cho biết, với hiệu quả kinh tế do cây cam sành mang lại như hiện nay, thời gian tới gia đình tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng cam, đưa giống cam mới sản lượng cao, chất lượng tốt vào trồng thay thế những cây cam lâu năm đã già cỗi.
Thương hiệu cam sành Hàm Yên được đăng ký nhãn hiệu từ năm 2007. Từ đó đến nay, cam sành Hàm Yên đã đạt nhiều giải thưởng về nhãn hiệu thương mại.
Năm 2013, cam sành Hàm Yên đã lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Năm 2105, cam sành Hàm Yên được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015.”
Nhờ trồng cam mà nhiều hộ ở Hàm Yên không những thoát nghèo mà vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Ông Nông Huy Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Yên cho biết, để nâng cao hơn nữa sản lượng cũng như chất lượng của cam sành Hàm Yên, huyện Hàm Yên đã hoàn thành xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành trên địa bàn.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay thâm canh cây cam sành, mở rộng diện tích cho người dân; cấp chứng nhận sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP cho các trang trại, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm; tích cực huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, vùng sản xuất cam; đẩy mạnh liên kết “4 nhà,” mở rộng việc liên kết sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.