Kiểm tra chuyên ngành là một trong những nguyên nhân khiến cho việc cải cách thủ tục hải quan chưa được cải thiện nhiều nên ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần phải xã hội hóa hoạt động này để tạo thuận lợi cho DN.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 12-12-2015
- Cập nhật : 12/12/2015
Ba sĩ quan quân đội được thăng quân hàm thượng tướng
17h30 ngày 11/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trao quyết định thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng cho ba sĩ quan cao cấp của Bộ Quốc phòng, gồm: Thứ trưởng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Võ Trọng Việt và Phó Tổng tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn.
Quyết định thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng cho 3 sĩ quan cao cấp nói trên được Chủ tịch nước ký ngày 10/12.
Thượng tướng Bế Xuân Trường vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng vào đầu tháng 10. Ông từng là Tư lệnh Quân khu 1, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhận quyết định giữ chức Thứ trưởng cùng thời điểm với ông Bế Xuân Trường, ông Võ Trọng Việt từng là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Trước khi làm Phó tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Võ Văn Tuấn là Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân.
Theo quy định, Chủ tịch nước bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng quân hàm đại tướng, thượng tướng, Đô đốc Hải quân.
Thủ tướng bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục, Chính ủy Tổng cục; Tư lệnh Quân khu, Chính ủy Quân khu; Tư lệnh Quân chủng, Chính ủy Quân chủng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng và các chức vụ tương đương; phong, thăng quân hàm trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân.
Bộ trưởng Quốc phòng bổ nhiệm các chức vụ và phong, thăng các cấp bậc quân hàm còn lại.
Hai người Việt bị bắt giữ ở Pháp vì buôn lậu ngà voi
Theo trang RTL, sáng 10-12, Hải quan Pháp cho biết đã phát hiện một vụ buôn lậu ngà voi lớn của hai khách người Việt Nam quá cảnh tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris.
Nhân viên hải quan Pháp cho biết đã phát hiện tổng cộng 95 kg ngà voi giấu trong bốn kiện hành lý của hai hành khách Việt Nam, được cho là cặp vợ chồng, trên chuyến bay xuất phát từ thủ đô Addis-Abeba của Ethiopia tới Hà Nội, quá cảnh tại Paris.
Số ngà voi nói trên gồm cả ngà nguyên chiếc và những món được chế tác sơ bộ thành đũa, vòng đeo tay và cắt thành khối nhỏ.
Số ngà voi bị tịch thu lần này là lượng ngà voi buôn lậu qua đường hàng không lớn nhất được lực lượng chức năng Pháp phát hiện được từ trước tới nay.
Theo RTL, nhà chức trách cho biết vụ bắt giữ được thực hiện nhờ sự phối hợp với các cơ quan hải quan châu Âu.
Số hàng bị thu giữ ngay gần máy bay khi chúng đang được chuyển vào khoang hành lý. Lực lượng hải quan Pháp tin rằng đôi vợ chồng này thuộc một đường dây buôn lậu có tổ chức và bên điều tra của Pháp đã bắt tay vào điều tra sâu hơn.
Năm 2014, hải quan Pháp đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu ngà voi với số lượng tổng cộng 234kg ngà voi thô và 476 mặt hàng chế tác từ ngà voi, nhưng dưới dạng hàng hóa gửi.
Gần 10% thịt tồn dư chất cấm
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng thịt tồn dư chất cấm chứng tỏ các trại nuôi vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm nuôi vỗ vật nuôi trước khi giết mổ.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT ngày 10-12 cho hay sau hơn một tháng triển khai cao điểm ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, tỉ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (phát hiện tại trại nuôi) giảm còn gần 4% (giảm 8% so với các tháng trước), ở khâu giết mổ tỉ lệ này là gần 10% (thấp hơn trước đó với mức trên 17%) nhưng mức tồn dư trong thịt giám sát tại khâu giết mổ vẫn cao gấp 3 lần so với giám sát tại trại nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng này chứng tỏ các trại nuôi vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm nuôi vỗ vật nuôi trước khi giết mổ.
Các địa phương sẽ không còn được cấp phát vốn ODA
Theo cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính tới đây các địa phương sẽ không được cấp phát vốn ODA nữa mà phải vay lại.
Tại hội thảo “Cơ chế cho vay lại của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” được Bộ Tài chính tổ chức ngày 10-12, ông Trương Hùng Long, cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính, cho biết trong 45 tỉ USD vốn vay ODA giai đoạn 2004-2014 có tới 35% (tương đương 15,5 tỉ USD) được rót cho các địa phương và phần lớn (khoảng 93%) số vốn này là “cho không”.
Trong khi đó các tiêu chí phân bổ chưa hoàn thiện, hiệu quả sử dụng vốn này chưa cao. Hầu hết dự án đều chậm tiến độ, kéo dài 8-10 năm/dự án, thậm chí 12 năm dù kế hoạch triển khai chỉ 5 năm, dẫn đến hiện tượng đội vốn do nhiều chi phí (giải phóng mặt bằng, tư vấn đầu tư dự án...) bị trượt giá.
Tuy nhiên, theo ông Long, tới đây các địa phương sẽ không được cấp phát vốn ODA nữa mà phải vay lại, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.
Trong khi đó ông Lê Xuân Sang, viện phó Viện Kinh tế VN, cho rằng ngay cả việc cho vay lại cũng phải xem địa phương có sử dụng vốn hiệu quả hay không, có trả nợ được hay không. “Nếu các địa phương sử dụng vốn vay không hiệu quả, gánh nặng nợ sẽ rất căng thẳng, đẩy nợ công tăng cao” - ông Sang khuyến cáo.
Xây dựng lực lượng quản lý thị trường tinh thông nghiệp vụ
Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành pháp lệnh quản lý thị trường...
Chiều 10-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu dự thảo pháp lệnh quản lý thị trường
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành pháp lệnh quản lý thị trường nhằm góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây bức xúc trong xã hội.
Góp ý cụ thể vào quy định của dự thảo pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng dự thảo không nên quy định “Nhà nước xây dựng lực lượng quản lý thị trường chính quy, từng bước hiện đại”, vì “chính quy, từng bước hiện đại” thường dùng cho lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói nên quy định xây dựng lực lượng quản lý thị trường chuyên nghiệp chứ không phải “chính quy, từng bước hiện đại”.
Nêu lại việc Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng từng trả lời chất vấn rằng có những trường hợp cán bộ phải dùng miệng để kiểm tra phân bón trên thị trường, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu qua pháp lệnh này phải làm sao xây dựng lực lượng quản lý thị trường tinh thông về nghiệp vụ, được đầu tư phù hợp sao cho đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, không còn phải kiểm tra phân bón bằng miệng.
Đồng thời dự thảo pháp lệnh phải quy định chặt chẽ các nội dung quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát đúng pháp luật, không được “đụng” vào quyền tự do kinh doanh của người dân một cách tùy tiện.