Bất chấp khốn khó về ngân sách, hàng loạt quan chức tỉnh Quảng Nam ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” vẫn được sang tận Nam Phi học tập kinh nghiệm.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 11-12-2015
- Cập nhật : 11/12/2015
Top 15 địa phương có nhiều lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng thời gian qua đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động lao động bất hợp pháp về nước. Tuy nhiên, số lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao.
Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nhằm giảm số lao động bất hợp pháp, tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động với Hàn Quốc. Theo đó, Bộ sẽ rà soát các tỉnh có nhiều lao động bất hợp pháp để đề xuất với Chính phủ có biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những địa phương này.
Cùng đó, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chức năng thuộc Bộ sẽ trực tiếp làm việc với địa phương để chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tích cực hơn trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm dành cho lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc trong việc kêu gọi lao động về nước.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, 11 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 100.200 lao động.
Giám đốc Công an nói về tình hình tội phạm ở TP.HCM
Sáng 10-12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII, trả lời các đại biểu về phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn TP, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong cho biết trong năm nay Công an TP đã liên tục mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong năm 2015, Công an TP.HCM ghi nhận xảy ra 6.004 vụ, so với năm 2014 giảm 5,9%. Số vụ phạm pháp tính trên 10.000 dân là 6,98 vụ, giảm 0,58 vụ. Tỉ lệ phá án đạt được 67,6%, trong đó điều tra khám phá án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là trên 91%. Triệt phá 77 băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Đánh giá chung, ông Phong cho biết năm nay ghi nhận giảm cả số vụ và tính chất vụ việc. Phân tích trên cơ cấu tội phạm, có chín loại tội phạm giảm trong tổng số 13 loại. Trong đó có các loại tội phạm gồm giết người, cướp giật và trộm cắp. “Các loại tội phạm trên thường dễ gây chấn động, bất an trong xã hội. Do đó Công an TP đã tập trung với nhóm tội phạm này. Thông thường, tội phạm cướp giật, trộm cắp chiếm số lượng lớn hằng năm rất cao nhưng năm nay lại giảm” - ông Phong nói.
Trong khi đó, nhóm tội phạm tăng có tội phạm chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích và tội phạm hiếp dâm. Ông Phong cho rằng về cơ bản ngành đã đảm bảo công tác gìn giữ an ninh trật tự xã hội ổn định, góp phần thực hiện các mục tiêu xã hội của TP.
Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Văn Thiện cũng đặt câu hỏi về khủng bố. Trả lời vấn đề này, ông Phong khẳng định trước nguy cơ ở bên ngoài, ngành công an TP đã tăng cường củng cố, rà soát các phương án phòng, chống khủng bố, tập trung nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên trách, tham mưu Thành ủy việc bảo vệ an ninh trật tự nói chung có nội dung chống khủng bố.
Ông khẳng định cùng với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nâng cao năng lực lực lượng chuyên trách, Công an TP chủ động nắm tình hình từ xa, nhiều hướng đề phòng hiệu quả, thực hiện vai trò chủ công của mình cùng giữ vững an toàn môi trường đầu tư, đời sống an lành cho người dân TP.
Bộ Y tế cảnh báo nạn bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho trẻ sơ sinh và sức khỏe của bà mẹ, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế nghiêm túc tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế để chấn chỉnh việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế bệnh viện;
Tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự trong các bệnh viện; theo dõi, phát hiện để phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến trẻ sơ sinh.
Tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để sản phụ và người nhà nâng cao cảnh giác, chủ động phối hợp đấu tranh trấn áp tội phạm.
Việt Nam phải nuôi cá tra theo chuẩn Mỹ
Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa triển khai chương trình kiểm soát chất lượng cá tra vào Mỹ bắt đầu từ tháng 3-2016.
Cụ thể, USDA yêu cầu các quốc gia xuất khẩu cá tra vào thị trường của họ phải đảm bảo quy trình nuôi, chế biến, vận chuyển phải tương đồng với các điều kiện tại Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc ngành nuôi và chế biến cá tra của VN phải kiểm soát chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất con giống, kiểm soát nguồn nước nuôi đầu vào và xử lý nước đầu ra, quá trình vận chuyển cá từ ao về nhà máy, chế biến và bảo quản cá... đạt cùng cấp độ với Mỹ.
Để đạt được các điều kiện tương đồng này, phía Mỹ sẽ tiến hành đánh giá tất cả quy trình nuôi và chế biến tại VN. Chỉ những đơn vị đạt chuẩn mới được xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi quyết định này của USDA có hiệu lực, các doanh nghiệp VN có thêm 18 tháng để chuẩn bị và thích ứng. Trong thời gian trên hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn diễn ra bình thường.
Theo VASEP, quy định này áp dụng cho cá da trơn ở tất cả quốc gia xuất khẩu vào Mỹ chứ không phải chỉ riêng VN.
Ngư dân khó vay vốn ưu đãi đóng tàu
Nhiều ngư dân trên địa bàn cho biết không tiếp cận được vốn ưu đãi do thủ tục quá nhiêu khê, nhiều ngân hàng không quan tâm hỗ trợ.
Tại buổi đối thoại với Sở NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến những khó khăn vướng mắc trong việc vay vốn theo nghị định 67, nhiều ngư dân trên địa bàn cho biết không tiếp cận được vốn ưu đãi do thủ tục quá nhiêu khê, nhiều ngân hàng không quan tâm hỗ trợ.
Chị Phạm Thị Thu Thúy cho biết dù đã có quyết định được hỗ trợ vốn để nâng cấp tàu gỗ, nhưng ngân hàng trả lời rằng chưa có hướng dẫn cho vay loại hình này nên không nhận hồ sơ. Anh Kiều Văn Vũ cũng nộp hồ sơ vay vốn đóng tàu composite sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, nhưng từ tháng 9-2015 đến nay cũng không thấy ngân hàng trả lời gì.
Trong khi đó, ngư dân Lê Minh Tiến (phường 5, TP Vũng Tàu) cho biết vẫn còn nhiều thủ tục của ngân hàng mà ngư dân khó đáp ứng. Chẳng hạn, ngư dân bị đòi hóa đơn đỏ khi bán cá, ghi vị trí đánh bắt cá trên biển trong hồ sơ vay...
Ngoài ra, hơn 10 ngư dân cho biết đã nộp hồ sơ cho các ngân hàng thương mại nhưng Ngân hàng Nhà nước được báo cáo là ngư dân “chưa tiếp cận ngân hàng”. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải làm giấy biên nhận hồ sơ của ngư dân, đồng thời phải hẹn thời gian giải ngân vốn trong giấy biên nhận.