Ba sĩ quan quân đội được thăng quân hàm thượng tướng
Hai người Việt bị bắt giữ ở Pháp vì buôn lậu ngà voi
Gần 10% thịt tồn dư chất cấm
Các địa phương sẽ không còn được cấp phát vốn ODA
Xây dựng lực lượng quản lý thị trường tinh thông nghiệp vụ
Tin trong nước đọc nhanh 11-12-2015
- Cập nhật : 11/12/2015
Ông Trần Thanh Liêm được bầu làm Chủ tịch tỉnh Bình Dương
Ông Trần Thanh Liêm (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương) trúng cử chức danh Chủ tịch tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016
Sáng 10-12, HĐND tỉnh Bình Dương bầu bổ sung chức danh chủ tịch tỉnh, kết quả: 60/61 đại biểu có mặt tại kỳ họp tín nhiệm bầu ông Trần Thanh Liêm (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương) làm Chủ tịch tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Trần Thanh Liêm (SN 1962, quê quán Bình Dương). Ông Liêm là cử nhân luật, cử nhân chính trị, vào Đảng từ năm 23 tuổi. Trước khi về UBND tỉnh Bình Dương nhận nhiệm vụ, ông Liêm là Bí thư Thị ủy Thuận An – một trong những khu vực phát triển mạnh nhất của Bình Dương.
Cũng trong sáng 10-12, HĐND tỉnh Bình Dương bầu ông Đặng Minh Hưng (Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy) làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao (GĐ Công an tỉnh) và ông Nguyễn Thanh Trúc (GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư) làm Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.
HĐND tỉnh Bình Dương cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch tỉnh đối với ông Trần Văn Nam. Vừa qua, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương, ông Nam đã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông thôn có thêm Thứ trưởng mới
Ông Nguyễn Xuân Dương nhận quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thực hiện ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Như vậy, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 6 thứ trưởng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngày 27/11, Bộ Chính trị đã ký quyết định phân công ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng về giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo đó, ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2186/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Cường giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và có hiệu lực ngay từ ngày ký.
“Chúng tôi đã họp Ban cán sự và thống nhất phân công anh Nguyễn Xuân Cường sẽ là Thứ trưởng thường trực Bộ và phụ trách về tái cơ cấu ngành,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói và nhận xét tân Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường “là một nhà nông nghiệp từ bé.”
Phát biểu tại lễ bổ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Tôi chính thức công tác được 34 năm. Lần này là lần thứ hai được về công tác ở ngành chuyên với lĩnh vực mình học. Khi về Ban Kinh tế Trung ương tôi được lãnh đạo Ban giao phụ trách mảng nông nghiệp-nông thôn, do đó cũng có thời gian được nghiên cứu sâu hơn.
Chính vì thế, những kiến thức về vĩ mô chung, trong đó có kiến thức về kinh tế nông nghiệp chắc chắn sẽ góp phần đắc lực cho tôi khi thực thi nhiệm vụ Thứ trưởng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bản thân tôi xin hứa sẽ cố gắng cao nhất và không ngừng học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ mà tập thể cũng như Đảng giao phó.”
Ông Nguyễn Xuân Cường, sinh ngày 14/10/1959, quê Đan Phượng, Hà Nội. Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Cường từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Vũ Hồng Bắc được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
Ngày 9/12, Kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh khóa 12, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Hồng Bắc để bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự phiên họp có các đồng chí: Phạm Xuân Đương, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương; Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XII.
Miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với bà Đoàn Thị Hảo để nhận nhiệm vụ mới; miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với bà Ma Thị Nguyệt để nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí theo quy định.
Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã bầu ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh khóa 12 với tỷ lệ đạt 94,12 %.
Ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, tân Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên là kỹ sư kinh tế nông nghiệp, và quê quán tại Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Bầu ông Nguyễn Khắc Lâm, Bí thư Thành ủy Sông Công giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016; bầu ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư huyện ủy Đồng Hỷ giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Ông Dương Thành Trung được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, sáng 10/12, ông Dương Thành Trung, Phó bí thư Tỉnh ủy, được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh (đạt 34/40 phiếu); bà Lê Thị Ái Nam, Phó bí thư Tỉnh ủy còn lại, được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh, với 39/40 phiếu.
HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng bầu bổ sung 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh là ông Vương Phương Nam (49 tuổi, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu) và ông Phạm Như Nguyện (39 tuổi, Giám đốc Sở Tài chính).
Ông Dương Thành Trung quê xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu). Cán bộ 54 tuổi này có trình độ cao cấp lý luận chính trị, đang là nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Nhà nước.
Bà Lê Thị Ái Nam (sinh năm 1963) ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Bà Nam có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân Luật.
Cuối tháng 10/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV bầu ông Dương Thành Trung và bà Lê Thị Ái Nam làm Phó bí thư Tỉnh ủy.
Trước đó, ông Dương Thành Trung là Bí thư Thành ủy Bạc Liêu và bà Lê Thị Ái Nam là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Sau 5 năm cải tổ, Bộ Giao thông vận tải đã "xử lý" hơn 20.000 lao động
Bộ Giao thông Vận tải cho hay, số lượng lao động dôi dư trong quá trình thực hiện 5 năm (2011 - 2015) sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước của ngành giao thông vận tải là trên 20.000 người.
Thông tin này được công bố tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước của ngành giao thông vận tải ngày 9/12 vừa qua.
Về việc thực hiện chính sách đối với người lao động trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ GTVT cho hay, số lượng lao động dôi dư trong quá trình thực hiện 05 năm (2011 - 2015) là trên 20.000 người.
Tổng số tiền đã chi trả cho người lao động dôi dư khoảng 750 tỷ đồng từ nguồn thu tái cơ cấu doanh nghiệp và nguồn ngân sách cấp, tạm ứng.
“Việc trợ cấp, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động dôi dư: Bộ Giao thông vận tải luôn bám sát, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển sau cổ phần hóa để xây dựng phương án sử dụng lao động phù hợp, trong đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại người lao động đúng yêu cầu bố trí công việc cho người lao động của doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các DNNN để cổ phần hóa. Những DNNN đã cổ phần hóa rồi nhưng chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư này.
Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt.
Dự kiến đến hết năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền: 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Đối với công tác thoái vốn, đến nay, Bộ đã hoàn thành việc thoái vốn tại 113 doanh nghiệp, trong đó có 07 công ty mẹ - tổng công ty và 106 doanh nghiệp thành viên thuộc các Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 4.399,3 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn tất thủ tục bàn giao phần vốn nhà nước tại 06 công ty cổ phần với tổng số vốn là 581 tỷ đồng cho SCIC.
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn nhà nước về SCIC, sau khi thực hiện thoái vốn, nếu doanh nghiệp nào chưa hoàn thành thoái hết, Bộ sẽ bàn giao phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định.
Về tình hình tài chính, trong giai đoạn từ 2011-2014, tổng doanh thu của 18 Tổng công ty thuộc Bộ đã tăng trưởng 15,28%. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.