"3 tỷ USD xuất khẩu gạo chỉ tương đương với 3 tỷ USD tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam. Công sức của hơn 50 triệu nông dân lăn lội trên đồng ruộng cùng với bao nhiêu thứ trợ giúp vào cũng chỉ đổi lấy 3 tỷ USD đổ vào bia rượu" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 08-11-2015
- Cập nhật : 08/11/2015
Hải Phòng sẽ xây trung tâm hành chính 10.000 tỉ đồng
Sáng 6-11, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch, đại diện UBND TP Hải Phòng, xung quanh dự án đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị TP Hải Phòng.
Ông Lê Khắc Nam cho biết: “Tất cả mới chỉ là đề án tiền khả thi và trình lên Thủ tướng nhưng chưa được phê duyệt. Khoản kinh phí để xây dựng chưa có phương án. TP Hải Phòng dự tính xin trung ương 80% kinh phí, còn lại là Hải Phòng lo. Mặc dù tình hình ngân sách rất khó khăn nhưng mỗi năm Hải Phòng đóng góp cho ngân sách rất lớn từ nguồn lợi hải quan nên tôi nghĩ việc đầu tư cho Hải Phòng cũng là xứng đáng”.
Ông Nam cho rằng việc xây dựng khu hành chính - chính trị này rất cần thiết cho việc cải cách hành chính, dự án góp phần đưa Hải Phòng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, là đột phá của Hải Phòng trong thời gian tới.
Thông tin từ UBND TP Hải Phòng cho biết khu đô thị mới bắc sông Cấm sẽ giúp mở rộng TP Hải Phòng về phía bắc. Khu đô thị mới chia thành sáu khu chức năng là khu trung tâm hành chính - chính trị; khu vui chơi giải trí đa chức năng và khu dân cư; khu nghiên cứu và đào tạo; làng sinh thái; khu dân cư và quỹ đất dự trữ; khu nhà ở thấp tầng. Thời gian thực hiện dự án 2015-2020.
Theo báo cáo của Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng, đến nay dự án đã hoàn thành một số phần việc như tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực xây dựng dự án, xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án.
Doanh nghiệp Nhật "đặt hàng" với lãnh đạo TP.HCM
Sáng 6-11, hội nghị bàn tròn giữa lãnh đạo TP.HCM và các doanh nghiệp Nhật Bản đã diễn ra tại TP.HCM.
Sáu câu hỏi liên quan đến hoàn thuế, phí cấp thị thực, tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố, tệ nạn xã hội ở các công viên, đề nghị lắp đèn giao thông cho người đi bộ khu vực đông người nước ngoài sinh sống… đã được đại diện các sở, ban ngành TP.HCM lắng nghe và giải quyết tại hội nghị.
Bà Cao Thị Phi Vân, phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết trước hội nghị này, ITPC cũng đã tổ chức ba phiên họp giữa sở ngành TP với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) để lắng nghe, trao đổi, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản.
Từ 172 câu hỏi, qua sàng lọc, đến tháng 8-2015, ITPC đã nhận xử lý 54 câu hỏi, trong đó có 29 câu hỏi mới trong năm 2015 và 25 câu phản hồi kết quả năm 2014. Gần 90% các vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật đã được giải quyết.
Các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực thuế và hải quan, pháp luật và lao động, lĩnh vực thứ ba là môi trường và đời sống.
Theo đại diện Ban môi trường thuộc JBAH, trong 25 câu hỏi năm ngoái thì có đến 17 nội dung đã được giải quyết hoặc cải tiến đáng kể, 7 nội dung cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại, chỉ có một nội dung chưa cải tiến.
Tuy nhiên, đại diện JBAH cũng cho rằng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là nỗ lực đến từ VN, các doanh nghiệp Nhật cũng cần cập nhật những quy định mới, hiểu rõ pháp luật VN, tránh hiểu nhầm rồi tự làm khó. Để làm được điều này, JBAH rất cần sự hợp tác từ sở, ban ngành TP trong việc cập nhật các văn bản pháp luật mới.
Ông Tsutomu Sakagami, chủ tịch JBAH tại TP.HCM, cho biết số dự án đầu tư từ Nhật Bản vào VN đã tăng nhanh chóng từ 124 dự án năm 2009 đến năm 2014 đã có 312 dự án.
Điều thú vị là các dự án ở phía Nam liên tục tăng cao hơn miền Bắc, hiện nay tại khu vực phía Nam có gần 800 doanh nghiệp thành viên. Những điều này là nhờ TP.HCM luôn cố gắng lắng nghe và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nhiều vướng mắc được chính quyền tìm cách giải quyết nhanh chóng.
Xử phạt Dewan, chỉ đạo thu hồi dự án Đại học Khánh Hòa
Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có kết luận, chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi ngay dự án của Công ty CP Dewan Projects để tìm nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện.
Trường ĐH Nha Trang có quyết thành lập ngày 3-8-2015 và từ khi ra mắt hoạt động đến nay vẫn phải đặt tạm tại cơ sở Trường CĐSP Nha Trang cũ trên khu "đất kim cương" mà UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận giao cho Công ty CP Dewan Projects làm dự án kinh doanh - Ảnh: Phan Sông Ngân
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Khánh Hòa, sở đã có quyết định thanh tra và xử phạt Công ty cổ phần Dewan Projects về việc không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng và giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang định hướng thành lập Trường Đại học Khánh Hòa, được UBND tỉnh đã ký, cấp cách đây một năm.
Ngày 6-11, theo nguồn tin của tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có kết luận, chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi ngay dự án vừa nêu của Công ty CP Dewan Projects để tìm nhà đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện.
Dự án xây Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang định hướng thành lập Trường Đại học Khánh Hòa được quy hoạch xây dựng tại thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, gần đèo Rù Rì ở bắc TP Nha Trang có diện tích hơn 11,36ha.
Dự án này có vốn đầu tư gần 716,5 tỷ đồng, được UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giao Công ty CP Dewan Projects thực hiện.
Theo cam kết và quy định, trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vào 23-11-2014, Công ty CP Dewan Projects phải góp đủ vốn điều lệ 5,5 triệu USD để thực hiện dự án.
Đổi lại, Công ty CP Dewan Projects đã được tỉnh chấp thuận giao toàn bộ khu “đất kim cương” gần 2,2ha của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang hiện nay, tại số 1 đường Nguyễn Chánh, TP Nha Trang nhằm hoàn vốn cho dự án BT được nêu để xây dựng kinh doanh nhà ở, khách sạn…
Thế nhưng, nhà đầu tư Dewan Projects không góp được vốn điều lệ quy định.
Cách đây bốn tháng, vào ngày 7-7, thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo “UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện thu hồi toàn bộ các dự án và không cấp phép đầu tư mới dự án trên địa bàn tỉnh liên quan đến hai pháp nhân là Công ty TNHH International Dewan Việt Nam và Công ty cổ phần Dewan Projects, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, vi phạm quy định trong giấy chứng nhận đầu tư được cấp”.
Thế nhưng, theo đề xuất của nhà đầu tư, thường trực UBND tỉnh đã đề nghị gia hạn góp vốn cho Công ty CP Dewan Projects thêm 30 ngày nữa.
Đề xuất đó được thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa chấp thuận, để kéo dài luôn cho đến nay nhưng nhà đầu tư Dewan Projects cũng không góp được vốn.
Trong khi đó, Trường Đại học Khánh Hòa đã được thành lập theo quyết định của thủ tướng Chính phủ từ 3-8-2015.(Tuổi Trẻ)
Bắt thêm 1 người Nga dùng thẻ ATM giả tại Nha Trang
Chiều 6-11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã bắt thêm một nghi phạm người Nga là Bondarenko Yury về hành vi sử dụng máy tính, mạng viễn thông, Internet chiếm đoạt tài sản.
Bondarenko Yury, nghi phạm thứ ba trong nhóm người Nga dùng ATM giả trộm tiền - Ảnh: Công an Khánh Hòa cung cấp
Trước đó, hôm 27-10, công an đã tạm giữ hai người Nga khác là Troian Aleksei (32 tuổi) và Kotets Viacheslav (43 tuổi) vì cùng có hành vi phạm tội như trên.
Theo cơ quan điều tra, dưới sự trợ giúp đắc lực của đồng phạm ở nước ngoài, trong các ngày 14-10 và 20-10, ba người Nga nêu trên đã nhập cảnh vào TP.HCM. Họ mang theo hai máy tính xách tay, chín điện thoại di động, một thiết bị dùng để quẹt thẻ từ và hàng trăm thẻ tín dụng quốc tế (trắng).
Những người này liên lạc với đồng phạm ở nước ngoài để nạp thông tin cá nhân đánh cắp được, sau đó sử dụng thẻ này tại các trụ ATM ở VN để rút tiền.
Công an đã thu giữ gần 49.000 euro, hơn 247 triệu đồng, gần 250 thẻ từ các loại cùng nhiều đồ vật, thiết bị liên quan của các nghi phạm trên.
Cho vay cắt cổ rồi bắt giữ con nợ ép trả nợ
Cho vay với lãi suất cắt cổ 60%/tháng, tuy nhiên khi con nợ không còn khả năng chi trả thì nhóm đối tượng giở trò giang hồ, bắt giữ con nợ ép gia đình trả nợ.
Ngày 6-11, cơ quan cảnh sát điều tra công an Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết đang tạm giữ hình sự nhóm đối tượng gồm Lê Văn Long (31 tuổi, quê Đắk Lắk), Nguyễn Thanh Giang (25 tuổi, quê An Giang) và Nguyễn Văn Bảng (30 tuổi, quê Bình Định) để điều tra về các hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, khoảng tháng 7-2015, Lê Văn Long có cho anh N.P.H (29 tuổi, ngụ P.Trung Mỹ Tây, Q.12) mượn 10 triệu đồng, lãi suất 60%/tháng. Như vậy, mỗi ngày anh H., phải trả lãi suất cắt cổ với 200.000 đồng/ngày. Trả lãi được hai tháng với số tiền 12 triệu đồng thì anh H., hết khả năng chi trả, lẩn tránh.
Khoảng 20g ngày 1-11, Long đưa anh H. đến một khách sạn trên đường Phan Huy Ích (Q.Tân Bình), bắt viết giấy nợ với số tiền 30 triệu đồng, đồng thời liên tục ép anh H. gọi điện về gia đình yêu cầu trả nợ. Sợ anh H. bỏ trốn, Long cắt cử hai đối tượng gồm Giang và Bảng canh chừng.
Đến 10g ngày 2-11 nhóm đối tượng tiếp tục đưa anh H., đến một quán cà phê trên đường Cống Lở (Q.Tân Bình) ép anh H. gọi gia đình mang tiền đến trả. Tối cùng ngày, khi gia đình anh H. mang tiền đến trả thì nhóm đối tượng bị công an Q.12 phối hợp với công an Q.Tân Bình bắt giữ.