tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 07-11-2015

  • Cập nhật : 07/11/2015

Chủ tịch Trung Quốc đề xuất 4 phương hướng hợp tác với Việt Nam

Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra các đề xuất hợp tác trong thời gian tới khi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 5/11.
thu tuong nguyen tan dung tiep chu tich tap can binh. anh: reuters.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Bốn phương hướng mà Trung Quốc muốn thúc đẩy với Việt Nam là hai bên tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược; thúc đẩy hợp tác thiết thực về kinh tế; tăng cường hợp tác biên giới và kiểm soát tốt bất đồng trên biển; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.

Theo Chủ tịch Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc cần thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn ổn định trên biển. Về kinh tế, ông nhấn mạnh đến việc tích cực giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư song phương. Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, ông Tập khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò lớn hơn trong các tiến trình khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai nước cần duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển, chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông. Hai bên cần bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Hai bên cũng cần sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Việt Nam và Trung Quốc nên tích cực đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm đạt kết quả thực chất, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên hợp tác và phát triển kinh tế ở khu vực biên giới như: sớm hoàn thành thủ tục nâng cấp và mở mới các cặp cửa khẩu đã đủ điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan người, hàng hóa, phương tiện giao thông tại các cửa khẩu của hai nước; phối hợp chặt chẽ ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập vào thị trường của nhau.

Ông Tập nhấn mạnh với nhận thức chung rộng rãi, từ độ cao và tầm nhìn chiến lược, hai bên đều đặt quan hệ hai nước ở vị trí đặc biệt. Ông cũng cho rằng, quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh là phù hợp với lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước.

Ông Tập Cận Bình (62 tuổi) là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Việt Nam 10 năm qua. Trong chuyến công du hai ngày (5-6/11), ông Tập dự kiến có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam; gặp gỡ thanh niên, nhân sĩ hai nước tại Hà Nội.

Trung Quốc và Việt Nam năm nay kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng quan hệ song phương mặc dù có khó khăn, lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính. (Vnexpress)


Tăng vai trò hiệp hội doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ TPP

Trong hai ngày 5-6/11, tại thành phố Bắc Giang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Viện Friedrich Naumann vì tự do (FNF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức chương trình tập huấn "Tăng cường vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh."

Khóa tập huấn nhằm hỗ trợ hiệp hội doanh nghiệp các địa phương thực hiện tốt hơn vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các địa phương cũng như các doanh nghiệp; tận dụng tốt hơn cơ hội trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia TPP.

Ông Hans-Georg Jonek, Giám đốc FNF tại Việt Nam cho biết để thu nhận được những lợi thế so sánh và những lợi thế cạnh tranh với góc độ các tỉnh, bên cạnh chỉ số PCI còn có những chỉ số khác chi phối như sự phát triển cơ sở hạ tầng... Trong quá trình cải thiện chỉ số PCI, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng, nhất là trong việc vận động, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách.

Trong tương lai, FNF sẽ nỗ lực, hỗ trợ tích cực hơn VCCI trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với hiệp hội doanh nghiệp các địa phương.

Sau khóa tập huấn, các học viên cần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các nội dung được truyền đạt vào thực tế để cải thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như các địa phương.

Trong chương trình tập huấn, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã trình bày chuyên đề về vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Bà Phạm Chi Lan cũng giới thiệu, phân tích một số nét chính về tình hình môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tương quan so sánh với thế giới; cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế; vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc chương trình PCI đã truyền đạt chuyên đề hiệp hội doanh nghiệp thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh từ lăng kính của chỉ số PCI.

Đồng thời, ông Tuấn giới thiệu, phân tích về PCI, về chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh, các nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương.

Ngoài ra, các học viên còn được tập huấn các nội dung, chuyên đề hữu ích về thực hiện chức năng tư vấn và phản biện chính sách, khảo sát doanh nghiệp phục vụ công tác xây dựng chính sách của hiệp hội doanh nghiệp; cách thức vận động hội viên tham gia xây dựng, góp ý chính sách; chia sẻ kinh nghiệm hay về vấn đề tham gia xây dựng, vận động chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp..


Giao 2 tỉnh quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc UBND 2 tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
 

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Công ty TNHH một thành viên: Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp, Xây dựng và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp sau khi các công ty này chuyển thành công ty cổ phần.

Về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện cổ phần hóa các công ty trên, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần. Đối với Công ty TNHH một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp, UBND tỉnh chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn, Nhà nước nắm giữ dưới 50% tổng số cổ phần.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Bạc Liêu sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng lộ trình thoái vốn để giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần tại Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Bạc Liêu xuống mức Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần.


Chất lượng nhân lực miền Tây thấp nhất nước suốt 25 năm

Kinh tế khó khăn và tâm lý không coi trọng việc học của người dân là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nhân lực miền Tây thấp nhất cả nước.
mot buoi huong nghiep cho thanh nien mien tay tai can tho. anh: cuu long

Một buổi hướng nghiệp cho thanh niên miền Tây tại Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long

Tài liệu công bố tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 5/11 cho thấy, dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng chất lượng lại được coi là "vùng trũng" của cả nước.

Hiện có 10,4% người lao động được đào tạo, thua cả khu vực Tây Nguyên 13,1% và bình quân chung cả nước là 19,9%. Bình quân tiền lương lao động ở ĐBSCL cũng thuộc loại thấp nhất nước với hơn 3,3 triệu đồng mỗi người trong tháng... Các cuộc điều tra năm 1989 và 1999 cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo của miền Tây cũng đứng chót bảng.

"Thực trạng này đang là một trong những nút thắt cản trở quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn và hội nhập quốc tế của vùng", Tiến sĩ Vũ Anh Pháp - Phó Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL đánh giá.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống các trường còn thiếu, phân bổ chưa hợp lý, cơ sở vật chất nghèo nàn, không đồng bộ. Chương trình, phương pháp giảng dạy, giảng viên chưa đáp ứng nhu cầu. Toàn vùng có 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, 13 trường đại học, 26 trường cao đẳng nhưng đa số mới thành lập; trang thiết bị dạy học thiếu, lạc hậu, chưa tạo được uy tín trong đào tạo nên không thu hút người học…

Cũng vì thu nhập thấp nên không có khả năng trả các khoản phí ngày càng cao cho con theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, nhất là các trường tư thục. Bên cạnh đó cũng còn nhiều người có suy nghĩ không coi trọng việc học. ĐBSCL thu hút vốn đầu tư nước ngoài tương đối thấp, cũng như số lượng các doanh nghiệp và dịch vụ sử dụng qua đào tạo không nhiều. Chủ yếu là doanh nghiệp chế biến thực phẩm nên phần lớn cần lao động phổ thông…

Theo TS. Pháp, muốn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho ĐBSCL phải quy hoạch mạng lưới trường, ngành nghề đào tạo cho vùng… Theo đó, phải phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy...

Về vấn đề này, TS. Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ - tỏ ra băn khoăn khi cho rằng "có cái gì đó không đúng" khi quá nhấn mạnh đến tiềm năng và khai thác lợi thế so sánh nhưng đã không hành động đủ mạnh trong các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng. Cần có thêm những nghiên cứu về lao động của vùng, khả năng thích ứng, tính sáng tạo, tính kỷ luật… nhằm xây dựng các chương trình huấn luyện, đào tạo.

"Để phát triển kinh tế của vùng cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh. Nhưng suy cho cùng, chất lượng dân số, lao động mới là yếu tố quyết định", ông Dũng nói.


Việt Nam ủng hộ hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam coi trọng, ủng hộ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động này. 
trung ta mac duc trong va tran nam ngan duoc cu di lam nhiem vu si quan lien lac tai phai bo gin giu hoa binh cua lien hop quoc tai nam sudan hoi nam ngoai. anh: hoang thuy

Trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn được cử đi làm nhiệm vụ Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan hồi năm ngoái. Ảnh: Hoàng Thùy

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã khẳng định như trên khi tham dự phiên thảo luận về "Kiểm điểm toàn diện các Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc" tại Ủy ban các vấn đề chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa của Đại hội đồng LHQ Khóa 70, từ ngày 30/10 -đến 4/11.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho hay Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để cử bệnh viện dã chiến cấp hai và đơn vị công binh, đồng thời sẽ tiếp tục cử các sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Chia sẻ quan điểm với nhiều nước tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cần tuân thủ tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của các hoạt động này như trung lập, không sử dụng vũ lực trừ trường hợp phòng vệ chính đáng và phải được các bên liên quan chấp thuận, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tham vấn rộng rãi các nước đóng góp lực lượng trong quá trình xây dựng và triển khai các phái bộ gìn giữ hòa bình. Đại sứ nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng tham gia các hoạt động này phải luôn được coi là một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Tại phiên thảo luận, đại diện nhiều nước đánh giá cao vai trò và đóng góp của các hoạt động giữ hòa bình của LHQ trong gần 70 năm qua, cho rằng cần tăng cường hơn nữa an ninh, an toàn cho lực lượng tham gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực và liên khu vực và tham vấn thường xuyên, rộng rãi hơn các nước đóng góp lực lượng để bảo đảm các thành công của các hoạt động này.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục