Liên tiếp nhiều ngày qua, ở vùng biển thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, tôm hùm và cá chết hàng loạt khiến người dân thiệt hại nặng.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 07-11-2015
- Cập nhật : 07/11/2015
Iceland muốn hỗ trợ TP.HCM sản xuất nguồn năng lượng tái tạo
Nhân chuyến thăm chính thức VN, ngày 5-11 Tổng thống CH Iceland Ólafur Ragnar Grímsson có mặt ở TP.HCM, bày tỏ Iceland rất muốn hỗ trợ TP.HCM về ứng dụng công nghệ cao về đánh bắt hải sản, chế biến thực phẩm.
Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân tiếp Tổng thống Iceland tại hội trường Thống Nhất tối 5-11 - Ảnh: Thuận Thắng
Tại hội trường Thống Nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tiếp đón trọng thể Tổng thống Grímsson. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đánh giá tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế giữa TP.HCM và Iceland là rất lớn. Ông đề nghị Iceland sớm mở văn phòng thương mại tại TP.HCM.
Cũng theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, TP.HCM tiêu thụ hơn 17 tỉ kWh điện mỗi năm (chiếm 30% sản lượng điện cả nước). Do đó TP.HCM mong muốn sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt công nghệ Iceland ứng dụng trong chế biến thực phẩm và các ngành công nghiệp khác.
Tổng thống Grímsson cho biết Iceland rất muốn hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nguồn năng lượng tái tạo cho VN, trong đó có nguồn năng lượng địa nhiệt, đánh bắt hải sản công nghệ cao mà Iceland rất có thế mạnh.
Iceland cũng muốn hỗ trợ TP.HCM về ứng dụng công nghệ cao về đánh bắt hải sản, chế biến thực phẩm để đảm bảo ngành ngư nghiệp của thành phố phát triển bền vững, đóng góp cho phát triển kinh tế của VN theo xu hướng bảo vệ môi trường.
Tổng thống Grímsson nhấn mạnh Iceland xem TP.HCM là vị trí quan trọng trong chiến lược tăng cường hợp tác với các quốc gia khác ở châu Á.
Còn 25 triệu người chưa có bảo hiểm y tế
Rất nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến tay người dân, thủ tục hành chính còn cực kỳ rắc rối khiến người muốn tham gia... không dễ mua bảo hiểm.
Trong số này, có khoảng 20 triệu người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, chính sách hiện hành là được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT nhưng họ vẫn chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ này do hơn một năm ban hành chính sách.
Hiện mới có 1/63 địa phương có danh sách người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình của địa phương mình, 62 địa phương còn lại chưa có danh sách, do đó chưa thể nhận khoản hỗ trợ.
Bên cạnh đó, có khoảng 2 triệu người cận nghèo, thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm.
Tuy nhiên việc cập nhật danh sách người cận nghèo cũng rất chậm trễ và cho đến nay mới có 4 triệu trong số 6 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT, khi viện phí tăng với nhóm trả viện phí trực tiếp, 2 triệu người chưa có thẻ còn lại sẽ gặp khó khăn.
Trong cuộc trao đổi trên truyền hình cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc tăng viện phí (bằng cách đưa phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp trực và lương thầy thuốc vào viện phí) nhằm chuyển phần hỗ trợ cho bệnh viện từ ngân sách sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng.
Tuy nhiên khi trả lời báo chí tuần trước, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho biết chưa có kế hoạch tăng phần hỗ trợ từ ngân sách cho người cận nghèo, người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, ngoài khoản hỗ trợ 30 - 70% hiện nay.
Như vậy khi chuyển hoàn toàn lương vào viện phí từ 1-3-2016 (tháng 11 và 12-2015 mới chuyển một phần lương vào viện phí), mỗi năm sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng vốn dành trả lương cán bộ y tế được để lại ngân sách, trong khi kế hoạch hỗ trợ mới lại chưa rõ ràng (ngoài cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và hỗ trợ một phần cho người cận nghèo, người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình như hiện hành).
Khi bàn đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu BHYT 2015 đạt 75% dân số vào giữa năm 2015, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho biết không nên tăng viện phí trước khi mở rộng diện bao phủ BHYT, như thế sẽ vô hình trung tạo áp lực cho người dân.
Tuy nhiên, hiện viện phí sắp tăng, còn mục tiêu BHYT thì phải đến năm 2020 mới bao phủ được 80% dân số. 20% chưa có thẻ còn lại phần lớn là lao động tự do, thuộc nhóm kinh tế khó khăn.
Công bố Hiệp định TPP: “chưa là bản cuối cùng”
Bộ Công thương cho biết chưa có bản tiếng Việt là do khối lượng tài liệu phải biên dịch rất lớn, đồng thời các thành viên vẫn đang rà soát pháp lý nên bản công bố lần này “chưa phải là bản cuối cùng”.
Chiều 5-11 (theo giờ Hà Nội), đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc, Bộ Công thương VN cùng 11 nước thành viên khác đã chính thức công bố toàn văn Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng tiếng Anh.
Giải thích lý do chưa công bố bản tiếng Việt, Bộ Công thương cho biết do khối lượng tài liệu phải biên dịch rất lớn, đồng thời lưu ý các thành viên vẫn đang rà soát pháp lý nên bản công bố lần này “chưa phải là bản cuối cùng”.
Cũng theo bộ này, tùy theo quy định pháp luật của mình, mỗi nước sẽ dành 60 - 90 ngày để người dân nghiên cứu trước khi ký kết chính thức. “Thời điểm ký kết chính thức chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý 1-2016” - Bộ Công thương nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên đoàn đàm phán TPP của Bộ Công thương cho biết về nguyên tắc, Hiệp định TPP sẽ đưa thuế về 0%, trừ một số mặt hàng nhạy cảm.
Theo đó, các nước dành cho VN 70-90% số dòng thuế sẽ về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực nên nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN sẽ được hưởng lợi lớn.
Chẳng hạn với dệt may, hiện riêng thuế mỗi năm doanh nghiệp dệt may VN phải nộp khoảng 1,8 tỉ USD khi vào thị trường Mỹ.
Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, tùy mặt hàng, sản phẩm dệt may của VN sẽ giảm dần về 0%, số tiền này chắc chắn sẽ giảm mạnh, những doanh nghiệp VN (nếu đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ trong hiệp định) sẽ được hưởng lợi.
Tương tự, số tiền thuế giảm của ngành giày dép cũng lên đến vài trăm triệu USD mỗi năm. Với các mặt hàng nhạy cảm VN mở cửa cũng đều có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị, kể cả các mặt hàng như nông sản, thức ăn chăn nuôi...
Tuy nhiên, một số lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, sẽ chịu sức ép rất lớn khi VN mở cửa thị trường, bởi các nước thành viên TPP đều có ngành nông nghiệp phát triển mạnh. Điều “an ủi”, theo vị này, là nhiều sản phẩm trong danh mục này đang được VN nhập khẩu với số lượng lớn nên cũng đã “quen với cạnh tranh”.
Hơn nữa, theo vị này, “TPP đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhưng ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị đối đầu sức ép thuế 0%”.
Một số sản phẩm công nghiệp như thép, giấy, ôtô cũng có thể bị gây khó khăn nhưng sức ép cạnh tranh không lớn vì những sản phẩm của VN nhắm đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi các nước TPP thường nhắm tới phân khúc cao cấp...
Các nước xây hồ, đập có thể ảnh hưởng đến nước ta
Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phản ánh tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội về dự án Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) sáng 5-11.
ĐB Vẻ nêu ra những con số đáng lo ngại: “Trung Quốc đã và đang xây dựng hơn 10 hồ chứa lớn trên sông Mê Kông và 52 thủy điện, hồ chứa trên lưu vực sông Hồng với tổng dung tích khoảng 2,5 tỉ m3. Lào đã và đang xây dựng 35 công trình thủy lợi, thủy điện, Thái Lan đã có 10 hồ chứa vừa và lớn và đang có kế hoạch xây thêm…”. Từ đó ĐB Vẻ cho rằng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến các nước hạ lưu, đặc biệt là Việt Nam. Vì vậy khi xây dựng Luật KTTV phải đặc biệt lưu ý tới nội dung này.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị cần bổ sung nội dung “hợp tác quốc tế trong các hoạt động quốc tế có liên quan đến KTTV của quốc gia” vào Điều 46 dự thảo luật. “Ví dụ, các nước láng giềng đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng Mê Kông và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thủy văn của ĐBSCL. Việc quy định này cho phép chúng ta có thể đàm phán hay phản đối các hoạt động quốc tế có ảnh hưởng đến KTTV của quốc gia” - ĐB Phương nói.
Bên cạnh đó, các ĐB Quốc hội đều đồng ý phải xử lý nghiêm việc dự báo KTTV sai, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, không ít ĐB băn khoăn vì dự luật không quy định rõ “thế nào là dự báo sai, gây hậu quả nghiêm trọng” để quy trách nhiệm bởi công tác dự báo vốn đã có sai số… ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói: “Khi dự báo KTTV thiếu chính xác, gây hậu quả thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm thế nào. Đây cũng là một quy định rất chung, có lẽ khó có thể đưa ra những chế tài để xử lý việc dự báo thiếu chính xác”. Từ đó ông Minh đề nghị chỉ nên quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về những hành vi của mình được pháp luật quy định trong quá trình hoạt động nhiệm vụ để đưa ra dự báo, cảnh báo KTTV” thì sẽ đảm bảo được tính cụ thể, minh bạch, khả thi của luật và khách quan hơn.
Cần lấy ý kiến người dân trước khi cấp phép khai thác khoáng sản
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất như trên trong hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Khoáng sản do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản tổ chức ngày 5-11.
Ông Đức cũng cho rằng cần thông tin rộng rãi những khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. “Ở những khu vực này, nếu cá nhân, tổ chức nào khai thác thì đều là vi phạm. Qua đó người dân biết để thực hiện việc giám sát của mình” - ông Đức nói.
Ngoài ra, một số nội dung khác đáng chú ý trong dự thảo trên là quy định tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, cải tạo đường giao thông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc khai thác khoáng sản, các công trình phúc lợi cho huyện, xã nơi có khoáng sản. Chi phí này được hạch toán vào chi phí sản xuất của tổ chức, cá nhân khai thác nói trên.