Tiếp nối thành công năm 2020, ngày 24/06 chương trình “Triệu bữa cơm 2021” được tái khởi động nhằm hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn, chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt tại các tỉnh và thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 17-01-2016
- Cập nhật : 17/01/2016
EVN có thể được tự quyết tăng giá điện nếu chi phí tăng 3%-5%
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo về quyết định của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, trường hợp giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Đối với trường hợp các thông số đầu vào tăng khiến giá bán điện bình quân cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra theo đúng quy định. Theo quy định hiện hành, EVN được điều chỉnh tăng trong trường hợp giá biến động 7%-10%.
Trường hợp tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo cũng nêu rõ giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng.
Một điểm đáng lưu ý là dự thảo lần này đề cập tới việc thành lập quỹ bình ổn để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. Theo đó, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.
Lùi thời gian có hiệu lực của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Theo đó, UBTVQH thống nhất đề nghị thời gian có hiệu lực của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (TXNK) là từ ngày 1-9 thay vì từ ngày 1-7. Theo báo cáo giải trình tiếp thu về dự án luật này của UBTVQH, có ý kiến cho rằng Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới kết thúc đàm phán, chưa ký kết và chưa trình QH để phê chuẩn, do đó nên để sau khi ký kết Hiệp định TPP mới tiến hành sửa đổi luật. Tuy nhiên, UBTV nhận định việc ban hành Luật TXNK trước khi TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh...
Về việc ban hành biểu thuế suất, có ý kiến cho rằng có những điều khoản giao cho Chính phủ quy định có thể làm giảm tính minh bạch và ổn định của chính sách thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải thích: “Dự thảo luật quy định thẩm quyền của QH quy định khung biểu thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu là rất lớn (với hơn 10.400 dòng thuế) thì việc ban hành quá chi tiết sẽ không phù hợp và khó khăn cho việc điều hành các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, dự thảo luật giao UBTVQH quyết định sửa đổi, bổ sung khi Chính phủ trình”.
Chiều 15-1, UBTVQH đã chính thức công bố “Ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021” là ngày Chủ nhật 22-5.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong ngày này cử tri sẽ lựa chọn ra người đại diện cho mình để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.
2,1 triệu bao thuốc lá lậu tuồn vào Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, cho biết tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu tăng mạnh nhất là vào các dịp lễ tết. Thuốc lá nhập lậu vào TP chủ yếu là Jet, Hero từ biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh về TP. Năm 2015, QLTT TP.HCM phát hiện hơn 1.400 vụ nhưng chỉ xử phạt 371 vụ, số vụ còn lại không xử phạt được do chủ hàng bỏ trốn.
Trong năm 2015 Cục QLTT cả nước xử lý hơn 7.200 vụ nhưng chuyển cơ quan công an khởi tố 40 vụ. Tịch thu 2,1 triệu báo thuốc lá lậu các loại.
Theo Cục QLTT, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn một số điểm nóng chuyên kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu… Tuy nhiên, số vụ xử lý thuốc lá lậu không xác định được chủ sở hữu gia tăng, nguyên nhân do mức phạt cao, vừa phạt tiền, thu giữ tang vật phương tiện nên khi bị bắt đối tượng bỏ hàng hoặc không thừa nhận là hàng của mình.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nhận định năm 2016 ngành thuốc lá tiếp tục gặp khó khăn do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 70%, tỉ lệ trích quỹ phòng, chống tác tại thuốc lá tăng lên 1,5% làm giá thành sản phẩm tăng khoảng 3,5%. Việc này sẽ tạo điều kiện cho thuốc lá lậu tăng mạnh.
Theo ông Cường, để chống thuốc lá lậu đạt hiệu quả Hiệp hội kiến nghị QLTT các địa phương kiểm tra đầu nậu buôn bán tàng trữ thuốc lá lậu, kiên quyết xử lý các cửa hàng bày bán thuốc lá... Đặc biệt cần áp dụng quy định xử lý hình sự cá nhân, tập thể tàng trữ vận chuyển, buôn bán trên 500 bao thuốc lá để răn đe đối tượng vi phạm.
Bắt phó bí thư xã và hiệu trưởng phá hơn 26ha rừng
Ngày 16-1, Cơ quan CSĐT công an huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam một phó bí thư Đảng ủy xã và hiệu trưởng một trường tiểu học có hành vi hủy hoại rừng.
Hai người bị bắt trong vụ án là Trần Văn Huy (38 tuổi, trú thôn 7, xã Cư San, huyện M’Đrắk) - nguyên phó bí thư Đảng ủy xã Cư San và Lê Quý Sỹ (44 tuổi, trú thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) - nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở xã Cư San.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy ông Huy có một diện tích rừng trồng cây keo tại tiểu khu 819 thuộc thôn Sông Chò (xã Cư San). Thấy rừng keo của mình giáp khu rừng tự nhiên nên đã nhờ ông Sỹ thuê một nhóm hơn 10 người đến dùng cưa lốc, dao quắm chặt hạ cây gỗ với giá 5 triệu đồng/ha rồi trồng cây keo lên toàn bộ diện tích này.
Theo kết quả giám định của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng bị phá là 26,35ha, thiệt hại về rừng là trên 7 tỉ đồng. Hiện công an huyện M’Đrắk cũng đã bắt tạm giam các đối tượng được thuê để chặt phá cây rừng và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Khánh thành Trung tâm Ung bướu Huế 300 giường bệnh
Ngày 16-1, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, đã đến dự lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Ung bướu Huế - Bệnh viện Trung ương Huế.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đến dự lễ và cắt băng khánh thành Trung tâm Ung bướu Huế -Ảnh: Nguyên Linh
Trung tâm Ung bướu Huế cao 8 tầng, có tổng diện tích sàn 15.000m2, với tổng mức đầu tư xây dựng gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Trung tâm có 300 gường bệnh đạt tiêu chuẩn, bao gồm khu phẫu trị, khu xạ trị, khu khám bệnh và thăm dò chẩn đoán, khu hóa trị liệu, khu chăm sóc và giảm nhẹ triệu chứng, khu y học hạt nhân…hình thành một trung tâm khám điều trị ung thư hiện đại, khép kín đồng bộ.
Ngoài ra, dự án nâng cấp thiết bị y tế cho trung tâm này có trị giá 17 triệu Euro từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA (35% viện trợ không hoàn lại) của Chính phủ Cộng hòa Áo.
Theo GS.TS Bùi Đức Phú, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trung tâm được lắp đặt các trang thiết bị y tế hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, như hệ thống máy xạ trị Axesse Elekta là máy xạ trị gia tốc thế hệ mới nhất trên thế giới, điều trị các khối u trên não hiện đại nhất Việt Nam.
Giáo sư Phú nói rằng trung tâm này đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật y học cao cấp, có khả năng chẩn đoán sớm và chính xác các loại ung thư.
Với hệ thống xạ trị hiện đại, nhiều kỹ thuật điều trị, phẫu thuật, hóa trị và xạ trị có thể điều trị tốt cho bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú; bệnh nhân không phải đi ra nước ngoài điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng việc đưa vào sử dụng Trung tâm Ung bướu Huế sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khám và điều trị ngày càng tăng của các bệnh nhân ung thư ở khu vực miền Trung -Tây Nguyên, giảm bớt tình trạng quá tải bệnh nhân ung thư trầm trọng.
Bà Tiến cho biết để hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ Y tế đã đồng ý đầu tư xây dựng Trung tâm Sản phụ khoa, với quy mô 300 giường bệnh, tổng số vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng.
Trung tâm này sẽ được khởi công xây dựng vào cuối quý 1-2016 và đưa vào sử dụng sau hai năm thi công, sẽ giải quyết tình trạng xuống cấp và quá tải.