tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh 20-08-2015

  • Cập nhật : 20/08/2015

Đóng mới tàu cá vỏ thép được hỗ trợ tới 7,3 tỷ/tàu

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách thí điểm hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu cá. 

​tau vo thep dau tien cua vung tau - anh tu lieu

​Tàu vỏ thép đầu tiên của Vũng Tàu - Ảnh tư liệu

Theo đề xuất của bộ này, trường hợp đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và mua sắm các thiết bị bảo quản hải sản, bốc xếp hàng hóa thì chủ tàu sẽ được ngân sách hỗ trợ tối đa là 7,3 tỷ đồng/ tàu. 

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu sẽ được hỗ trợ không quá là 1,4 tỷ đồng/ tàu.

Đối với tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được hỗ trợ không quá 2,9 tỷ đồng.

Riêng nâng cấp tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính dưới 400CV lên công suất lớn hơn 400CV, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cho chủ tàu tối đa 400 triệu đồng/tàu...

Chủ tàu được hỗ trợ đóng mới tàu khi có đầy đủ các giấy tờ gồm giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhậ đảm bảo an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản.

Còn nâng cấp tàu thì chủ tàu phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Mỗi tàu chỉ được nhận một lần hỗ trợ theo chính sách tín dụng đóng mới tàu, nâng cấp tàu cá theo quy định Nghị định 67 năm 2014.

Về nguồn tiền, ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.

Các địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự bảo đảm. Các địa phương sẽ thực hiện cấp tiền hỗ trợ cho chủ tàu thông qua Kho bạc Nhà nước trên cơ sở đầy đủ hồ sơ, thủ tục và xác nhận của các cơ quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.


Giá ca cao và dừa ổn định, nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thu nhập

mo hinh ca cao trong xen dua (anh minh hoa)

Mô hình ca cao trồng xen dừa (Ảnh minh họa)

Vinanet -  Sau nhiều lần giảm giá, hiện nay giá ca cao và giá dừa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu ổn định

Cụ thể, hiện giá ca cao đang được nông dân bán cho công ty chế biến là 6.000 đồng/kg trái, tăng hơn 2.500 đồng/kg so với thời điểm này năm trước.  Nhờ giá ổn định nên tại một số tỉnh có thế mạnh về cây ca cao như Bến Tre, diện tích trồng mới đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo Sở Nông nghiệp Bến Tre, tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có thêm 100 héc-ta ca cao trồng mới.  Mỗi năm, vườn ca cao xen dừa giúp nông dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, cao gấp hai lần so với trồng dừa.

Tại hội nghị đánh giá 10 năm phát triển ca cao Việt nam và định hướng thời gian tới, Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, thế giới đang cần nguồn cung hạt ca cao, song những năm qua diện tích trồng ca cao ở Việt Nam không tăng mà có xu hướng giảm do dân chặt bỏ để trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn.

Để cây ca cao phát triển bền vững, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh không cần chạy theo số lượng nhưng phải làm sao để nâng cao thu nhập cho nông dân, có như vậy, mới nói đến chuyện tiếp tục phát triển cây ca cao trong những năm tới.

Tương tự như ca cao, trong tuần, giá dừa đã trở lại ổn định sau nhiều lần bị tiểu thương Trung Quốc ép giá. 

Theo đó, giá dừa trung bình dao động từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/chục/12 trái. Dừa loại từ 1,1kg trở lên giá 5.500 đồng/trái.Giá dừa uống nước các loại có giá từ 50.000 - 55.000đồng/chục/12trái. Riêng dừa xiêm xanh giá 70.000 - 75.000 đồng/chục/12 trái.

Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức

Chiều 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội. Một trong những quy định mới đáng chú ý của dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội là về lễ tuyên thệ. 

“Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp” - dự thảo viết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu vấn đề: “Có nên quy định nội dung và thời gian tuyên thệ không? Có thể có ông tuyên thệ năm phút, nhưng có ông phát biểu một bài rất dài. Tôi thấy có những nước họ quy định luôn vào hiến pháp là tuyên thệ thế nào, đặt tay lên bản hiến pháp ra sao”.

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đa số ý kiến thành viên ủy ban này khẳng định việc chuyển đổi giới tính là quyền con người, cần được quy định vào luật.

Do vậy, nội dung khoản 2 điều 36 dự thảo bộ luật quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác” là không phù hợp vì vi phạm quyền con người đã được hiến định. Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội tách nội dung này ra ngoài Bộ luật dân sự và quy định bằng một đạo luật khác.

“Do việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội...” - ông Lý nêu rõ.

Về quy định đặt tên người, Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định “họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” trong dự thảo luật, lý do là “chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định của Hiến pháp”.

Đồng tình với việc bỏ giới hạn đặt tên không quá 25 chữ cái, nhưng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị vẫn phải quy định chặt chẽ.

“Thực tế việc đặt tên hiện nay hết sức phức tạp. Pháp luật các nước cũng quy định rất chặt chẽ. Người Kinh mà đặt tên người dân tộc, tên nước ngoài, tên tạp âm thì cũng phản cảm. Đặt tên phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của cộng đồng, của dân tộc. Cần quy định nếu đặt tên mà không phù hợp với tập quán thì cơ quan đăng ký phải giải thích, chứ cứ đặt tên nước ngoài, tên Hàn Quốc, tên Ronaldo... loạn xị lên thì không được” - ông Cường 
bày tỏ.

Liên quan đến quy định việc đặt tên con của bà mẹ đơn thân, ông Phan Trung Lý cho biết một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ là quá cứng nhắc.

“Nên quy định theo hướng họ của con do người mẹ quyết định” - ông Lý nêu quan điểm của ủy ban và đề nghị điều chỉnh nội dung này vào dự thảo luật.


Mỗi năm TP.HCM đón 200 đoàn khách quốc tế

Chiều 18-8, lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Sở Ngoại vụ TP.HCM được tổ chức tại hội trường Thống Nhất với sự tham dự của Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Sở Ngoại vụ TP.HCM trong việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại tại TP.HCM.

Trong 40 năm qua, sở đã góp phần đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác quốc tế của TP.HCM, tham gia đắc lực vào công tác xúc tiến thương mại - đầu tư của TP.HCM, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Việc đón tiếp trọng thị và chu đáo các đoàn nước ngoài, việc tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế tại TP.HCM và thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 40 địa phương nước ngoài đã giúp chuyển tải hình ảnh thân thiện, năng động và hiện đại của TP.HCM đến bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của TP.HCM.

Năm 2011 - 2014, trung bình mỗi năm TP.HCM đón 200 đoàn khách quốc tế và nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm.

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã trao tặng cờ thi đua cho Sở Ngoại vụ TP.HCM và bằng khen cho 11 cá nhân có thành tích xuất sắc.


Khởi tố thẩm phán kê khống chi phí gần 17,4 triệu

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đi lại, đo đạc định giá đất của một vụ kiện tranh chấp đất đai, thẩm phán Hiếu đã kê khống chi phí để chiếm đoạt gần 17,4 triệu đồng.

Ngày 18-8, Cơ quan điều tra viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TAND Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Phước Hiếu (37 tuổi, trú tại xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long), thẩm phán TAND thị xã Bình Minh, về tội danh trên. Bị can này được cơ quan điều tra cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đồng thời, cơ quan điều tra viện KSND tối cao cũng có văn bản kiến nghị tạm đình chỉ chức vụ và tư cách đảng viên đối với bị can Nguyễn Phước Hiếu theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng.

Vụ án được xác lập căn cứ trên đơn tố cáo của ông Trần Ngọc Phước (trú tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Qua điều tra xác minh đơn, cơ quan điều tra xác định vào năm 2013, thẩm phán Nguyễn Phước Hiếu được phân công thụ lý vụ kiện tranh chấp đất đai giữa bà Trần Thị Thu Hồng và ông Trần Ngọc Phước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đi lại, đo đạc định giá đất... thẩm phán Hiếu đã kê khống chi phí để chiếm đoạt gần 17,4 triệu đồng để sử dụng cá nhân


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục