tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp Việt muốn khởi nghiệp phải đăng ký ở nước ngoài

  • Cập nhật : 20/08/2015

(Tin kinh te)

Môi trường đầu tư, cơ chế chưa thực sự rõ ràng khiến không ít doanh nhân trẻ phải ra nước ngoài đăng ký kinh doanh, dù công ty hoạt động tại Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện một số bộ, cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) Việt Nam diễn ra ngày 12/8, nhiều trăn trở, băn khoăn trong quá trình lập nghiệp đã được chia sẻ.

Không phải lần đầu vận hành một dự án khởi nghiệp nhưng khi cho ra đời Babyme - một ứng dụng công nghệ giúp chăm sóc sức khỏe trẻ em, anh Trình Tuấn gặp không ít khó khăn. Khi kêu gọi vốn, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài e ngại bỏ tiền chỉ vì bị giới hạn tại một số điều khoản trong Luật Đầu tư. "Do đó, tôi đã sang Singapore để đăng ký kinh doanh, thành lập công ty. Song, cuối cùng những gì mình và cộng sự làm đều thuộc sở hữu công ty nước ngoài. Đây là một kiểu chảy máu chất xám trong cộng đồng khởi nghiệp hiện nay", nhà sáng lập Babyme bày tỏ.

dung de chi vi chinh sach thue khong phu hop ma nhieu ca nhan start-up phai mo cong ty o nuoc ngoai va dong thue cho ho", pho thu tuong noi. anh: phuong thuy

Đừng để chỉ vì chính sách thuế không phù hợp mà nhiều cá nhân start-up phải mở công ty ở nước ngoài và đóng thuế cho họ", Phó thủ tướng nói. Ảnh: Phương Thúy

Do đó, vị này cho rằng nếu Việt Nam không sớm nhìn nhận thực tế thì chỉ một thời gian ngắn nữa tình trạng chảy máu chất xám trong cộng đồng doanh nghiệp start-up sẽ rất lớn.

CEO Vatgia.com - Nguyễn Ngọc Điệp lại rơi vào tình thế "dở khóc dở cười" khi điều hành một website thông tin điện tử tổng hợp. Ông cho hay gần như tháng nào đơn vị cũng bị phạt 20-30 triệu đồng do nội dung được cho là không phù hợp. Không thể duy trì hoạt động, ông đã phải trả lại tên miền cho Nhà nước, phần dữ liệu bán cho đối tác và chuyển máy chủ sang Singapore. "Hiện, website đang hoạt động rất hiệu quả, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng", ông nói.

Sau nhiều năm hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện Becamex khá thấu hiểu khó khăn hàng ngày của các doanh nghiệp như thủ tục, giấy tờ, cổ phần, huy động vốn... Ngay bản thân ông, hiện đang làm một dự án nông nghiệp, lúc này, sau 3 tháng, các thủ tục giấy tờ vẫn chưa thể xong. 

Ở góc độ khác, Đinh Hùng, một trong những thủ lĩnh của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam cho rằng thời gian tới thay vì sử dụng Uber, Grab Taxi, người dân Việt Nam sẽ có sản phẩm ưu việt hơn của chính người Việt tạo nên.

Để làm được điều đó, theo vị này, phải xem khởi nghiệp như một trong những thành phần kinh tế quan trọng. Cộng đồng khởi nghiệp không quá kỳ vọng Chính phủ đưa ra quyết sách cụ thể, nhưng hoàn toàn có thể hỗ trợ bằng việc tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp ngay từ lúc này. Nhờ đó, chính sách mới được nghiên cứu phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp start-up có môi trường hoạt động đầu tư ổn định ngay trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những công việc Bộ đã làm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trẻ. Lãnh đạo Bộ thừa nhận, với việc đăng ký kinh doanh, hiện có thực tế không ít văn phòng đăng ký kinh doanh luôn thắc mắc về việc định giá tài sản của các đơn vị, gần như các trường hợp đều được yêu cầu thẩm định lại. 

"Bộ đã hướng dẫn cho tất cả các văn phòng không được chất vấn việc định giá, bởi đó là sự thỏa thuận của nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đã là sản phẩm trí tuệ thì định giá là giữa hai người chơi chứ không phải phần việc của Nhà nước", Thứ trưởng Đông cho hay.

Thừa nhận việc doanh nghiệp rất khó nhận vốn từ nhà tài trợ nước ngoài, để khắc phục, ông Đông cho biết Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc nhận dòng vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện dự thảo đã được thẩm định và đang đợi Thủ tướng phê duyệt.

Đối với việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, sau hai năm thử nghiệm mô hình start-up ngay tại cơ quan, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với Việt Nam. Do đó, đề án hệ sinh thái khởi nghiệp đã được Bộ hoàn tất và sẽ trình lên Thủ tướng vào tháng 9 tới. Nếu được thông qua, đề án sẽ là cơ sở để những rào cản chính sách doanh nghiệp khởi nghiệp được tháo bỏ.

Phát biểu tại sự kiện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, dù quy mô chưa lớn song rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế đất nước. Ông mong muốn các doanh nghiệp khởi nghiệp phải cùng nhau kết nối, lan tỏa hơn nữa.

"Trong khi nhiều người giàu tại Việt Nam nhờ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thì các bạn lại bằng công nghệ. Cần phải tự hào và nối mạng chặt chẽ với nhau", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Với những vướng mắc, thuế, quỹ, chính sách, môi trường đầu tư, Phó thủ tướng khẳng định sẽ bàn bạc với các bộ, ban ngành liên quan. Dù đó không phải là những vấn đề dễ dàng, phải tháo gỡ dần, nhưng sẽ có cách. Đừng để chỉ vì chính sách thuế không phù hợp mà nhiều cá nhân start-up ngồi ở Việt Nam, ăn cơm Việt nhưng lại mở công ty ở nước ngoài và đóng thuế cho họ. Cùng đó, Phó thủ tướng cũng gợi ý Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xem xét đầu tư vốn cho mô hình, lĩnh vực start-up tiềm năng. 

Ông Đam cho biết Chính phủ sẽ tham khảo một số quốc gia để xây dựng cổng thông tin mua sắm công, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công lên cấp 3- 4 thay vì cấp 1- 2 như hiện nay, tạo điều kiện để nhiều hơn doanh nghiệp start-up tham gia các dự án của Nhà nước. Trước mắt, mở thêm một diễn đàn trên cổng thông tin của Chính phủ để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trực tiếp gửi đến những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, giúp các bộ, ban ngành liên quan có thể cập nhật và phản hồi sớm.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục