Thông tin từ Savills Việt Nam cho biết, theo quy hoạch tổng thể tới năm 2030 sửa đổi, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân gold. Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 2020.
Tin trong nước đọc nhanh tối 11-01-2016
- Cập nhật : 11/01/2016
Cưỡng chế thu hồi đất tại phường Trung Văn
Quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 13 (Khóa XI) Chiều 8.1, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt Thành phố phổ biến, quán triệt nhanh các văn kiện Hội nghị Trung ương 13 (Khóa XI).
Trước khi tiến hành cưỡng chế, UBND quận đã công bố Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Đắc Tắc để hoàn chỉnh dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá sử dụng đất xen kẹt DG1, ĐG2 tại phường Trung Văn.
Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, việc thực hiện cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định thu hồi đất có hiệu lực của pháp luật và tạo sự công bằng đối với các hộ gia đình, cá nhân chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, giữ gìn kỷ cương, pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn quận.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Quận và sự phối hợp của các lực lượng chức năng của Quận và Phường buổi cưỡng chế đã được thực hiện thành công, tuân thủ quy định pháp luật.
Lĩnh vực xăng, dầu, khí đốt thưởng Tết “đậm”, nhu cầu nhảy việc tăng cao
Người lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt nhận được mức thưởng cao nhất, có đến 14% nhận được hơn 4 tháng lương thưởng.
Theo khảo sát thị trường công bố bởi JobStreet.com, có đến 16,7% không được thưởng Tết. Mức thưởng dưới 1 tháng và từ 1-2 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 35,6% và 31,5% trong số các lao động được khảo sát.
Dựa trên thống kê đầu năm 2015 của JobStreet.com, mức thưởng này phần lớn chỉ tăng khoảng từ 3-6% so với năm vừa qua (77,6% lao động được khảo sát). Đặc biệt, trên 74% số lao động được khảo sát cho rằng mức thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn hoặc bằng so với năm 2015.
Khảo sát này cũng chỉ rõ chênh lệch về mức thưởng phụ thuộc lớn về cấp bậc của người lao động.
Cụ thể, 72% lao động được JobStreet khảo sát, ở cấp bậc quản lý cho rằng họ nhận được mức thưởng “khủng” từ 1 đến trên 4 tháng lương, tương đương 33 đến 135 triệu đồng trong khi đó 58,26% lao động ở cấp bậc nhân viên chỉ nhận được mức thưởng dưới 1 tháng lương.
Theo đó, người lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt nhận được mức thưởng cao nhất, có đến 14% nhận được hơn 4 tháng lương thưởng.
66% muốn nhảy việc sau Tết
Tương tự những dự báo từ các chuyên gia trong chương trình hội thảo cà phê nhân sự do JobStreet tổ chức trong tháng 12, khảo sát chỉ ra rằng hơn 66% lao động sẵn sàng chuyển việc để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại trong 12 tháng tiếp theo. Trong đó, 49% quyết định tìm việc ngay trong Tết.
Đáng lưu ý là mức lương thưởng không phải là yếu tố được nhân viên đặt lên hàng đầu để tiếp tục làm công việc hiện tại.
Khảo sát cho thấy môi trường làm việc năng động, truyền cảm hứng mới là yếu tố hàng đầu (22%) người lao động quan tâm. mức lương thưởng tốt chỉ đứng ở vị trí thứ hai (16,8%).
Theo bà Angie SW Phang, Tổng Giám đốc JobStreet Việt Nam, mức lương của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực do trình độ và năng suất lao động thấp hơn, và có đến 60% số người được JobStreet khảo sát nói rằng mức lương của họ không đủ sống, dù tỷ lệ tăng lương bình quân của Việt Nam gần đây là 2 con số, cao hơn mức tăng trưởng lương của nhiều nước trên thế giới chỉ ở mức 1 con số.
Chi phí bảo vệ môi trường được ưu đãi thuế
Thông tư 212 hướng dẫn thực hiện một số khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức, DN, hợp tác xã và chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi thuế thu nhập DN.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thông tư 212 hướng dẫn thực hiện một số khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức, DN, hợp tác xã và chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi thuế thu nhập DN.
Cụ thể, chi phí hoạt động bảo vệ môi trường được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN gồm: Chi phí quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Chi phí sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình, phóng sự khoa học về bảo vệ môi trường. Chi phí thực hiện việc cung cấp miễn phí các dụng cụ cho người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, sản phẩm thải bỏ tại nguồn của tổ chức, DN, hợp tác xã có dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường.
Các chi phí này phải đảm bảo đáp ứng 2 điều kiện sau: Phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật. Nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Về mức ưu đãi thuế thu nhập DN theo quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới như xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung; xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng…
Về thuế suất: Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới theo quy định được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm. Trường hợp dự án đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hơn nữa, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới theo quy định được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế.
Thông tư này có hiệu lực thi hành ngày 14/2/2016 và áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2016.
Thời gian áp dụng ưu đãi thuế đối với một số dự án cụ thể:
Đối với dự án đầu tư mới sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính kể từ khi dự án được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Đối với dự án đầu tư mới sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính kể từ khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.
Đối với dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính kể từ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.
Doanh nghiệp nợ hơn 7.500 tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội đòi như thế nào?
Năm 2015, tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH còn khá lớn, với hơn 7.500 tỷ đồng, bao gồm cả nợ BHXH, BHYT và BHXH tự nguyện.
Trong đó có gần 5.700 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH của hơn 100.000doanh nghiệp. BHXH Việt Nam sẽ triển khai những biện pháp gì để quản lý tốt nguồn thu khi Luật BHXH (sửa đổi) đã có hiệu lực từ 1/1/2016? Phỏng vấn ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban thu, BHXH Việt Nam về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH bắt buộc?
Ông Trần Đình Liệu: Các doanh nghiệp tái cơ cấu cũng khó khăn trong việc sắp xếp lại nhân lực, bố trí việc làm, trả lương, vì phải dành nhiều khoản tiền để đầu tư máy móc, thiết bị. Họ cũng cơ cấu lại lực lượng lao động, trả lương cao lên thì doanh nghiệp đó bước đầu cũng rất khó khăn. Một số doanh nghiệp cũng cố tình lạm dụng khi lãi suất thấp, tiền BHXH phải đóng nhưng tạm thời giữ lại để kinh doanh. Đó là những cơ chế chưa đủ mạnh nên họ lách luật.
Ngành BHXH thiếu nhân lực, phần lớn ở văn phòng làm các thủ tục nghiệp vụ, chưa có thời gian đi tư vấn và nhắc nhở doanh nghiệp.
Hiện toàn ngành chỉ có 4.000 người trực tiếp làm công tác thu. Với việc thu và quản lý thu 70 triệu người, khối lượng thu hơn 200.000 tỷ đồng trên 400.000 đơn vị, thì nguồn nhân lực này không đủ làm và gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, trong năm vừa rồi, cơ chế chưa được tháo gỡ, chế tài chưa đủ mạnh, hiệu quả trong kiểm tra, thanh tra, đôn đốc chưa có.
PV: Thưa ông, mặc dù BHXH Việt Nam đã tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH nhưng vẫn còn tình trạng chây ỳ, trốn tránh làm ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Đình Liệu: Trong khởi kiện, những đơn vị nào làm ăn tốt, khi chúng tôi gửi đơn khởi kiện thì họ chấp hành ngay. Có 20-30% doanh nghiệp chấp hành tốt, còn lại 30-40%, tòa phải thụ lý. Còn lại 30% doanh nghiệp rất khó khăn như doanh nghiệp phá sản, giải thể, chờ giải thể. Chúng tôi cũng khởi kiện ra tòa, nhưng xử xong không có gì đòi lại được.
Thi hành án thì ưu tiên các khoản vay ngân hàng, trả lương mà không nói gì đến trả BHXH. Khi thanh lý tài sản, BHXH chưa được ưu tiên, khởi kiện gần như không có hiệu quả. Đây là bài toán khó, làm sao quản lý các doanh nghiệp giải thể, phá sản, mất tích là cả một vấn đề. Hiện có khoảng 6.000 lao động trong các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng.
BHXH Việt Nam đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng vì nguyên tắc là có đóng có hưởng, đóng đến đâu ký đến đó. Thanh lý tài sản nếu có thì trả cho người lao động, trong khi đó, ngân sách không có quỹ gì để làm việc này. Về lâu dài, doanh nghiệp phải có quỹ đảm bảo quyền lợi cho người lao động bằng thế chấp hoặc bảo lãnh. Chính sách cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
PV: Hiện mới chỉ có hơn 200.000 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trong khi cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Vậy làm thế nào để tăng thêm doanh nghiệp tham gia đóng trong thời gian tới?
Ông Trần Đình Liệu: Năm 2016, ngành BHXH tiếp tục rà soát doanh nghiệp mà ngành thuế cung cấp. Mặc dù có 600.000 doanh nghiệp nhưng thực chất hoạt động không phải là nhiều. Các doanh nghiệp còn lại chưa đóng BHXH chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và dịch vụ như công ty gia đình, tư nhân có 3-4 người hoặc 5-6 người, có thể sử dụng lao động đã về hưu, lao động thời vụ, có khi lao động làm 2,3 nơi.
Tới đây chúng tôi có cơ chế phối hợp với cơ quan thuế, yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai đóng BHXH trước, kể cả lao động không phải diện đóng BHXH bắt buộc vẫn phải xác nhận giữa ngành BHXH và ngành thuế. Như vậy mới quản lý được số doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo thống kê của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, cả nước có 16 triệu lao động có ký kết hợp đồng lao động. Hiện, BHXH chỉ quản lý được 12 triệu lao động, còn dư gần 4 triệu người lao động. Rõ ràng phải khai thác số này và hy vọng rằng số đóng sẽ tăng lên./.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Doanh nghiệp Nhà nước đau đầu với thang lương mới
Từ 1-1-2016, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, việc đóng BHXH cho người lao động trong khối DN Nhà nước (DNNN) sẽ dựa trên tiền lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Cơ chế này tương đương với cơ chế đóng của người lao động làm việc trong các DN ngoài Nhà nước.
Đội chi phí
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện còn khoảng 7.200DNNN (DN cổ phần hóa, công ty TNHH một thành viên…) với hơn 1,1 triệu lao động phải chuyển đổi hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Ngay từ đầu năm 2016, tất cả DNNN phải có trách nhiệm rà soát, xây dựng và sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, định mức lao động để từ đó sẽ làm căn cứ thỏa thuận hợp đồng lao động, trả lương cho người lao động. Như vậy, đối với các DNNN, DN có nguồn gốc Nhà nước, các khoản chi phí về BHXH sẽ tăng lên đáng kể từ năm 2016, kèm theo là các mức xử lý vi phạm khi trốn hoặc gian lận đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tổng Công ty May 10 là công ty có nguồn gốc Nhà nước. Từ trước đến nay công ty này vẫn áp dụng bảng lương như những đơn vị hành chính sự nghiệp là 1.150.000 đồng để đóng BHXH. Theo quy định mới năm 2016, với mức lương tối thiểu là 3.500.000 đồng/tháng, công ty này sẽ phải sử dụng thang bảng lương theo khu vực DN để đóng BHXH như những đơn vị khác. Đại diện Tổng Công ty May 10 cho biết, khi chuyển đổi bảng lương, theo tính toán của Công ty, chi phí đóng BHXH sẽ tăng lên khoảng 23 tỷ đồng, trong đó phía người sử dụng lao động phải đóng khoảng 17 tỷ đồng bao gồm BHXH và phí công đoàn.
Còn tại Công ty Cổ phần may Thanh Trì, bà Nguyễn Thị Huệ (kế toán Công ty) cho biết, hiện DN này có trên dưới 300 nhân viên. Khi xây dựng thang bảng lương mới và trên cơ sở đó đóng BHXH cho người lao động, chi phí phát sinh sẽ tăng lên thêm 50%. Điều này khiến giá thành sản phẩm cũng cũng đột ngột tăng cao, sức cạnh tranh kém, mức doanh thu lợi nhuận sẽ lao dốc. "Với quy định này, những DN tuân thủ bảo hiểm sẽ đuối sức, còn các đơn vị thiếu nghiêm túc sẽ chây ì hoặc tìm cách né trách hoặc trốn bảo hiểm".
Với Luật BHXH mới, các DNNN sử dụng số lượng lớn lao động như: Da giày, dệt may, điện tử đều cho rằng việc xây dựng lại thang bảng lương sẽ gây áp lực lên DN. Đây sẽ là thời điểm DN lớn đủ sức thì gồng chống đỡ, còn DN nhỏ sẽ lao đao.
Siết thu chi
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, đáng lẽ từ tháng 5-2013 DNNN đã bắt đầu phải chuyển đổi cơ chế. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện thiếu văn bản hướng dẫn, cùng với khả năng chịu đựng của DN và chia sẻ của Nhà nước với tình hình sản xuất kinh doanh của DN mà Quốc hội đã cân nhắc giãn lộ trình.
Thời điểm này là hoàn toàn hợp lý bởi DNNN đã có một quãng thời gian dài để chuẩn bị. Hơn nữa, việc làm này sẽ đảm bảo sự công bằng giữa hai khu vực DNNN và DN tư nhân. DN tư nhân thực hiện được việc chi trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì không có lý gì DNNN không làm được. Mặt khác, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc nâng nền tiền lương đóng BHXH và theo một lộ trình nhất định xuất phát từ mong muốn đời sống của người hưởng BHXH được nâng lên.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận dù đây là một quy định tốt cho người lao động nhưng về phía DN sẽ vô cùng chật vật, đặc biệt là với DN sử dụng nhiều lao động. Hiện nay, sức cạnh tranh trên thị trường vô cùng khốc liệt, mọi chi phí tại DN tăng cao. DN phải tự tìm cách thích nghi. Có thể sẽ phải giảm các khoản phụ cấp, thay đổi cách tính lương theo hiệu quả công việc để bù vào khoản tăng thêm. Điều này rất dở cho DN bởi họ phải trả mức lương cao hơn để người lao động trung thành với công ty, khuyến khích người lao động làm việc.
Lãnh đạo một DN dệt may ở Hưng Yên cho biết, 2 năm trở lại đây, doanh thu của công ty nói chung và ngành Dệt may nói riêng có sự tăng trưởng, tuy nhiên, nếu tính về hiệu quả lợi nhuận so với các năm trước thì sụt giảm mạnh.
Đặc biệt, trong 2015 các chi phí về nhân công, thuế, tiền thuê đất, lương công nhân… tăng cao đã khiến cho DN thêm nhiều gánh nặng. Nếu việc áp dụng thang bảng lương mới cùng với phí bảo hiểm bao gồm cả lương và phụ cấp thì phí BHXH sẽ chiếm một phần tư tổng chi phí của cả DN. "Đúng là ‘trăm dâu đổ đầu tằm’. Bắt đầu từ đầu năm 2016, tăng lương tối thiểu vùng, trả lương theo cách mới và tăng phí BHXH với công đoàn, có lẽ thời gian tới chúng tôi phải tìm mọi giải pháp để tiết kiệm chi phí, trong đó sẽ có cả việc sa thải bớt nhân công", vị này chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân: “Để hạn chế các tác động xấu, trước hết, DN cần phải xem xét lại chi phí, lập phương án khi tăng lương, tăng BHXH. Ngoài ra, việc sắp xếp lại phương án tổ chức cũng là phương án khả thi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là DN cần phải tiết kiệm các chi phí để tăng lương bởi người lao động chính là nguồn lực quan trọng để tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho DN”.