18 ngư dân Việt nghi đánh cá trái phép vượt ngục ở Philippines
Nhiều cơ quan ở Hà Tĩnh bị điều tra liên quan sự cố xả thải Formosa
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải chưa từng có
Hai người Việt bị nghi âm mưu sát hại thuyền trưởng Hàn Quốc từ trước
Tin trong nước đọc nhanh 12-01-2016
- Cập nhật : 12/01/2016
Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát hội nhập quốc tế đến năm 2030 là nhằm góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Mục tiêu cụ thể mà Chiến lược đề ra là mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ, kiến thức quản lý; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng ở khu vực và toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường nội lực, giảm mức độ phụ thuộc vào bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước ASEAN-6: Về mức độ hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 đuổi kịp các nước ASEAN-6; năm 2025 đuổi kịp ASEAN-4 và đến năm 2030 vươn lên nhóm đầu các nước ASEAN trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và có chiến lược bắt kịp như cải thiện môi trường kinh doanh...
Trước mắt là thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã được đề ra. Đồng thời, củng cố và duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng đối với quốc phòng, an ninh và phát triển của đất nước.
Đồng thời, đóng góp hiệu quả hơn vào việc bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để xây dựng lực lượng vũ trang từng bước hiện đại, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong những thành viên nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo tại các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực; gia tăng sự gắn kết an ninh và ổn định của Việt Nam với an ninh và ổn định của khu vực.
Đóng góp tích cực vào việc xây dựng con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại; bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam; nâng cao hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam, đến năm 2030 hình ảnh quốc gia Việt Nam được giới thiệu rộng rãi trên toàn thế giới, văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa quốc tế.
Tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về lao động, an sinh và xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ; chú trọng nâng cao nguồn nhân lực và năng lực khoa học-công nghệ; tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền của người lao động và các nhóm yếu thế; thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo an sinh-xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hội nhập trong các lĩnh vực. Về hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và các hoạt động hợp tác công-tư; gia tăng mức độ liên kết giữa các tỉnh, vùng, miền; nâng cao mức độ liên kết giữa các ngành hàng; triển khai các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước.
Trong hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước; đưa các khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với các đối tác; đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần định hình luật chơi, xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm phạm an ninh, trật tự của đất nước.
Cùng với đó là thực hiện lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển văn hóa, lao động, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác; đẩy mạnh hợp tác song phương về các lĩnh vực trên.
Thực hiện các cam kết và đóng góp vào việc sửa đổi, hoàn thiện và xây dựng mới các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, văn hóa, thông tin, tuyên truyền; đấu tranh có hiệu quả nhằm hạn chế các tác động tiêu cực về xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Bình chữa cháy trong xe hơi vô dụng và nguy hiểm?
Sẽ rất nguy hiểm nếu để bình chữa cháy không rõ nguồn gốc xuất xứ trong xe ôtô, đặc biệt là khi ôtô để ở ngoài trời nắng nóng...
Nhân viên cửa hàng bán bình chữa cháy tại TP.HCM lắp đặt bình chữa cháy trên ôtô của khách hàng - Ảnh: Hữu Khoa
Trước quy định bắt buộc đặt bình chữa cháy trong ôtô của Bộ Công an, nhiều chuyên gia, bạn đọc tiếp tục đưa ra ý kiến phân tích từ nhiều góc độ khác nhau.
Nhiệt 70 độ C là chuyện bình thường
Tại một điểm kinh doanh phương tiện phòng cháy chữa cháy ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), người hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho biết các bình chữa cháy nếu để ở nhiệt độ trên 55 độ C sẽ rất dễ xảy ra cháy nổ, đặc biệt là loại bình bọt đang thông dụng. Một số loại bình chứa nhiều chất có thể gây ăn mòn kim loại, có hại cho các vật dụng trong xe.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng - giảng viên bộ môn cơ khi ôtô (ĐH Bách Khoa TP.HCM) - sẽ rất nguy hiểm nếu để bình chữa cháy không rõ nguồn gốc xuất xứ trong ôtô để ngoài trời nắng nóng.
“Chưa có những thử nghiệm chính thức nào về việc những chiếc bình chữa cháy sẽ chịu được nhiệt độ bao nhiêu ở ngoài trời. Trong khi đó, xe hơi khi đậu giữa trời nắng nóng, không người ngồi có thể đạt đến mức nhiệt 70 độ C là chuyện bình thường.
Đặc biệt là với những chiếc xe đời cũ, hệ thống cách nhiệt và tản nhiệt đã hư hại. Nhiều người lại có thói quen mua bình chữa cháy để lên xe cho có mà không chú ý đến hạn sử dụng hoặc ưa rẻ mà mua hàng, giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không hạn sử dụng là cực kỳ nguy hiểm” - ông Nguyễn Đình Hùng nói.
Ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Lúc xe chạy, do mở điều hòa hoặc khí trời nên nhiệt độ trong xe không đến ngưỡng khiến bình chữa cháy phát nổ. Tuy nhiên khi đỗ xe, nhiệt độ bên ngoài chỉ tầm 40 độ C, nhưng do ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ bên trong có thể lên đến 70 độ C. Lúc đó bình chữa cháy trở thành ngòi nổ ngầm, khả năng gây nổ rất cao".
Đặt bình chữa cháy trong ôtô vô dụng?
Nhiều chủ sở hữu xe cho rằng nếu có sự cố hỏa hoạn, theo quán tính ai cũng tìm đường thoát thân, chạy nhanh ra ngoài để bảo toàn tính mạng.
Nhiều người dân cũng đặt ra câu hỏi vậy liệu chúng ta nên để bình chữa cháy ở đâu để thuận tay, dễ thấy, đồng thời đảm bảo tính an toàn cháy nổ, không gần các chi tiết nhựa, bọc da.
Đồng thời không thể để ở vị trí ảnh hưởng đến việc điều khiển chân ga, phanh và gây thương tích cho người ngồi trên xe khi chạy ở địa hình xấu, gồ ghề.
Theo anh Hải Phạm - chủ gara ô tô Wit Tuning, bình chữa cháy mini chỉ đặt trong ôtô với tính chất tượng trưng chứ khi xảy ra sự cố cháy nổ không có tác dụng.
Anh Hải Phạm cho biết: “Thường ôtô có hiện tượng cháy nổ là do chập điện hay rò xăng, mà nếu cháy vì những nguyên nhân như thế thì dùng bình chữa cháy mini cũng chẳng ăn thua gì. Nguyên tắc khi có sự cố cháy nổ trên ôtô là người ở bên trong phải tìm cách thoát ra khỏi xe và chạy càng xa càng tốt chứ không nên cố chữa cháy”.
Bình chữa cháy mini chỉ có tác dụng với các đám cháy nhỏ, mới phát hiện, trường hợp đã cháy to rồi thì không thể đủ để dập tắt. Bình chữa cháy lớn lại thường có phần vòi lắp sẵn, nếu để nằm trong cốp, khi di chuyển bình lăn lóc va đập sẽ dễ làm hỏng dây hoặc vòi. Còn nếu buộc dây hay chằng kỹ quá thì lúc xảy ra sự cố người ngồi xe do tác động tâm lý sẽ khó lấy ra để chữa cháy.
Ông Nguyễn Đình Hùng cũng cho biết những phản ứng cháy trên ôtô rất phức tạp, không thể chữa cháy bằng bình cứu hỏa mini, người điều khiển xe không nên cố chữa cháy vì rất nguy hiểm.
Thêm vào đó, các xe hơi đời mới đều có hệ thống bảo vệ, hệ thống cách ly như ngắt nhiên liệu, ngắt toàn bộ thân xe... Đặt thêm bình chữa cháy chỉ “rước” thêm nguy cơ chứ không có lợi ích gì cả.
Theo thông tư 57, ôtô từ 4 - 9 chỗ ngồi phải trang bị một bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít hay bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg.
Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng với chủ phương tiện nếu không trang bị bình chữa cháy trên xe theo quy định.
Quy định chỉ mang tính hình thức?
Luật sư (LS) Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - dẫn rằng theo điều 3, điều 4 và điều 16 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành phải thỏa mãn hai điều sau: thứ nhất phải có cơ sở pháp lý, phải phù hợp với các bộ luật, điều luật hiện hành; thứ hai là trước khi ban hành phải có sự tham gia góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, phải có thăm dò, tìm hiểu phản ứng của đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo đó, thông tư 57 mới của Bộ Công an rõ ràng chưa thỏa mãn. Thứ nhất, đọc các căn cứ mà thông tư 57 viện dẫn thì không có nội dung cụ thể nào quy định việc để bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi ôtô thì mỗi xe phải trang bị phương tiện phòng chống cháy nổ (cụ thể là bình chữa cháy); vấn đề thứ hai là trước khi văn bản quy phạm pháp luật này ra đời vẫn chưa có một cuộc thăm dò dư luận nào được thực hiện.
“Có thể hiểu tại sao người dân không đồng tình với những quy định trong thông tư mới này. Không chỉ lo sợ về nguy cơ gây cháy nổ mà còn là việc tốn kém, phát sinh thêm chi phí, thời gian và công sức bảo quản; nguồn lực xã hội tập trung vào việc này là rất lãng phí. Ngoài ra, hàng nhái, hàng giả, hàng Trung Quốc kém chất lượng lẫn lộn đang được bán tràn lan. Không những vậy, những quy định như thế này lại còn dễ tạo điều kiện cho một bộ phận người thi hành công vụ lạm quyền” - LS Hà Hải nêu ý kiến.
Do đó, thông tư 57 sẽ chỉ có thể tồn tại trên giấy tờ chứ không giải quyết được vấn đề và thật sự không đi vào cuộc sống, thể hiện rằng những người soạn thảo chưa có sự tham vấn, chưa có sự tìm hiểu, chưa thăm dò điều kiện tình hình thực tế của xã hội của nước ta.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, cần có những thử nghiệm rõ ràng trước khi ban hành các văn bản pháp luật. Chính cơ quan ban hành phải đứng ra thực hiện những thử nghiệm đó, sau đó phải có một đối tác độc lập kiểm nghiệm lại. Việc ban hành luật không những vậy còn phải xét đến những thiệt hại về kinh tế và về môi trường chứ không thể ban hành “chơi chơi” để gây tổn hại mà không đạt được lợi ích gì như vậy.
Các hãng xe lớn thiếu sót trong thiết kế PCCC?
Các hãng ôtô lớn trên thế giới cần học hỏi khi quên việc dành chỗ để bình chữa cháy ở các dòng xe 4 - 9 chỗ?
Nếu ôtô quá dễ cháy, bình chữa cháy có thể khắc phục lỗi này thì không lý nào các nhà sản xuất xe hơi lớn có kinh nghiệm trăm năm lại quên thiết kế chỗ lắp đặt bình chữa cháy trên những dòng xe du lịch 4 - 9 chỗ...
Ngay cả những chiếc siêu xe dành cho giới siêu giàu như Bentley, Lexus, BMW… cũng không có chỗ dành riêng để các thiết bị PCCC. Và liệu có khoa học chút nào khi để một vật “không nhỏ, nên có” trên xe mà vốn dĩ nhà sản xuất không dành riêng chỗ cho nó… (Tuổi Trẻ)
Truy tìm tàu hàng đâm chìm tàu cá
Chiều 10-1, đại tá Lương Ngọc Chinh, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Bình Định, xác nhận vẫn chưa tìm được tàu hàng đâm chìm tàu cá BĐ 95207-TS khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) vào chiều 9-1.
Theo đại tá Chinh, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã có báo cáo gửi văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định để đề nghị Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan truy tìm, xác minh và điều tra nguyên nhân tàu cá BĐ 95207-TS bị một tàu vận tải nước ngoài (chưa rõ số hiệu) đâm chìm rồi bỏ chạy.
Theo trình báo của ông Phạm Tiết (51 tuổi, ở thôn Trường Xuân Đông, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ 95207-TS, với cơ quan chức năng: tàu cá BĐ 95207-TS có tám ngư dân, xuất bến tại cửa biển Tam Quan (Hoài Nhơn) ngày 27-12-2015.
Sau khi đánh bắt được 14 ngày, lúc 14g ngày 9-1, trong khi tàu đang đánh bắt cá tại vùng biển cách đông nam đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 60 hải lý thì bất ngờ bị một tàu vận tải đâm mạnh vào tàu. “Do cú đâm mạnh nên tàu bị thủng, nước tràn vào tàu rất nhanh, tôi chỉ kịp phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp.
Do sự việc diễn ra quá nhanh, sau khi đâm vào tàu cá, tàu hàng bỏ chạy nên các ngư dân trên tàu chỉ kịp nhìn và đoán đây là tàu nước ngoài nhưng không xác định được nước nào.
Tám ngư dân chúng tôi đang chới với giữa biển thì đến 17g30 cùng ngày, tàu cá BĐ 97370-TS của ông Nguyễn Minh Thi (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) đánh bắt gần đó nhận được tín hiệu, kịp thời đến cứu chúng tôi” - ông Phạm Tiết nói qua thiết bị thông tin liên lạc ICOM.
Hà Nội phát hiện trên 100 vụ trọng án trong năm 2015
Báo cáo của công an Hà Nội cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai chương trình năm 2016 diễn ra sáng 10-1 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh: "Công an Hà Nội cần tiếp tục tập trung chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, mệnh lệnh, quy trình công tác, kéo giảm tỷ lệ cán bộ, chiến sĨ vi phạm. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý mọi biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để sai phạm, vi phạm pháp luật".
Cho rằng trong năm 2015 bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó dự báo, tuy nhiên bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, lực lượng công an nhân dân đã lập nhiều chiến công, thành tích to lớn góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình… Trong chiến công, thành tích đó có phần đóng góp tích cực của công an thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, năm 2016, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, khó lường; hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, nhất là các đối tượng hoạt động có tính tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, kinh tế, tham nhũng, chống người thi hành công vụ, tội phạm là người nước ngoài...
Do đó, năm 2016, công an Hà Nội cần tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động kiểm soát tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, kiên quyết triệt phá các băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", bảo kê, đòi nợ thuê, siết nợ, đâm thuê, chém mướn..., tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí "nóng", tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, chống người thi hành công vụ, sử dụng công nghệ cao, kinh tế, tham nhũng, môi trường, ma túy.
Nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội hình sự, nhất là các vụ trọng án và tỷ lệ giải quyết, tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố...
Trước mắt, công an Hà Nội khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm an ninh, trật tự những nơi vui chơi, giải trí công cộng, các lễ hội để nhân dân Thủ đô đón Xuân Bính Thân 2016 bình yên, an toàn.
Báo cáo của Công an Hà Nội, cho biết trong năm qua, lực lượng công an đã phát hiện trên 5.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có trên 100 vụ trọng án, nổi lên là tội phạm cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, tội phạm sử dụng vũ khí nóng gây án…
Tuy nhiên, công an Hà Nội cũng khẳng định, năm qua đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm; các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều giảm, không tồn tại các tụ điểm phức tạp, kéo dài về tội phạm và tệ nạn xã hội. Tỷ lệ điều tra khám phá chung và khám phá trọng án đạt cao, triệt phá nhiều ổ, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm…
Xét xử “kỳ án” tham ô tại Bảo Minh Cà Mau
Vụ án kéo dài đã 9 năm nhưng vẫn chưa xét xử xong. Viện kiểm sát đã có 8 bản cáo trạng khác nhau truy tố giám đốc Nguyễn Viết Lượng và các đồng phạm.
Sáng 11-1, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đưa vụ án tham ô tài sản, giả mạo trong công tác và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Bảo Minh Cà Mau (gọi tắt Bảo Minh Cà Mau) ra xét xử sơ thẩm.
Vụ án có tổng cộng có 16 người bị truy tố, trong đó bị cáo đầu vụ là Nguyễn Viết Lượng (57 tuổi, nguyên giám đốc Bảo Minh Cà Mau).
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Cà Mau tiếp tục truy tố Nguyễn Viết Lượng về tội tham ô tài sản.
Cáo trạng xác định bị can Lượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 890 triệu đồng của bảo hiểm Bảo Minh Cà Mau.
Trong đó, riêng bị can Lượng chiếm đoạt 565 triệu đồng (qua 18 hồ sơ), cấu kết với thuộc cấp chiếm đoạt số tiền 134 triệu đồng (5 hồ sơ), giúp sức cho đồng bọn chiếm đoạt 191 triệu đồng (7 hồ sơ).
Liên quan vụ án này cũng có 3 cựu sĩ quan công an bị truy tố vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm giả giấy tờ, bao gồm: Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Thanh Vinh (nguyên công an thị xã Vĩnh Long) và Bùi Minh Thắng (nguyên Công an huyện Giá Rai).
Vụ án xảy ra tại Bảo Minh Cà Mau là một trong những “kỳ án” xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vụ án này đã kéo dài 9 năm, các cơ quan tố tụng đã ban hành 8 bản báo trạng trong bộ hồ sơ hơn 12.370 bút lục.
Trước đó, tháng 9-2012, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm tuyên ông Lượng 20 năm tù. Các bị cáo khác từ cải tạo không giam giữ đến 15 năm tù giam.
Sau khi có kháng cáo, tháng 6-2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao (nay là Tòa án nhân dân cấp cao) tại TP.HCM xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trên để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, tháng 5-2015, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên tòa sơ thẩm nhưng lại hoãn tòa, hoàn trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung vụ án.
Tháng 7-2015, Công an Cà Mau đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với bị cáo Lượng và đồng phạm. Tháng 9-2015, vụ án mới được phục hồi điều tra.
Tháng 12-2015, Viện KSND tỉnh Cà Mau đã ra cáo trạng truy tố bị cáo Lượng và đồng phạm.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.(TT)