Giá nhiên liệu vẫn cao hơn so với đầu năm, biến động liên tục, thủ tục đăng ký giá và chi phí thay đổi cao... là những lý do được đưa ra cho việc chần chừ giảm cước.
Tin trong nước đọc nhanh 06-09-2015
- Cập nhật : 06/09/2015
Việt Nam, Philippines sẽ ký đối tác chiến lược
Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương cho biết Việt Nam và Philippines dự kiến ký kết quan hệ đối tác chiến lược tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Manila tháng 11 năm nay.
Đại sứ Trương Triều Dương khẳng định theo nội dung dự thảo, hai nước sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Đại sứ Dương cho biết tờ Inquirer của Philippines trích lời ông nói “tăng cường liên minh quân sự giữa hai nước” là không chính xác.
“Tôi chỉ nói với họ là hai nước tăng cường hợp tác quân sự chứ không phải liên minh quân sự, vì chính sách đối ngoại của Việt Nam là không có liên minh với bất kỳ nước nào” - đại sứ Dương khẳng định với Tuổi Trẻ.
Trước đó, tờ Inquirer đưa tin sau bài phát biểu chúc mừng Quốc khánh Việt Nam tối 2-9, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận với báo giới rằng hai nước nhiều khả năng sẽ ký đối tác chiến lược bên lề hội nghị APEC diễn ra tại thủ đô Manila trong hai ngày 18 và 19-11 tới.
Ông Albert del Rosario cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ là một cơ chế đem lại lợi ích nhiều hơn cho hai nước.
“Chúng tôi chắc chắn về sự thành công của mối quan hệ đối tác này. Là đối tác chiến lược, chúng tôi hướng đến kết quả và sự hợp tác ở mức cao nhất có thể” - ông Albert del Rosario phát biểu tại khách sạn Sofitel ở thành phố Pasay.
Báo Inquirer cũng dẫn lời đại sứ Trương Triều Dương cho biết bản dự thảo quan hệ đối tác chiến lược gần như đã hoàn tất và đây sẽ là một mối quan hệ đối tác toàn diện hơn, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
_________________________________________________
Phí bảo vệ môi trường có thể tăng đến 32%
Cụ thể, mức phí mới được tính dựa trên khối lượng quặng khoáng sản nguyên khai được khai thác trong kỳ (như lâu nay) và tính thêm yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Nếu doanh nghiệp khai thác lộ thiên thì chịu hệ số 1,1 vì gây ô nhiễm hơn, còn khai thác kiểu hầm lò thì chỉ chịu hệ số 1. Nếu doanh nghiệp khai thác thủ công, thô sơ thì chịu thêm hệ số 1,2; có công nghệ thông thường thì chịu hệ số 1,1 và có công nghệ, kỹ thuật hiện đại thì chịu hệ số 1.
Như vậy, Bộ Tài chính đánh giá mức phí bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp phải nộp có thể tăng đến 32% so với mức hiện hành. Theo Bộ, năm 2013, ngân sách thu được gần 2.500 tỉ đồng phí này, năm 2014 thu được trên 2.570 tỉ đồng.
_________________________________________________
TP.HCM sẽ xây hơn 100 hồ điều tiết chống ngập
Hiện TP đang triển khai thực hiện ba dự án xây hồ điều tiết chống ngập với tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng. Cụ thể gồm: Hồ điều tiết Gò Dưa (95 ha tại quận Thủ Đức, tổng mức đầu tư 600 tỉ đồng), hồ điều tiết Bàu Cát (0,4 ha tại quận Tân Bình, tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng) và hồ điều tiết Khánh Hội (4,8 ha tại quận 4, tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng).
Ngoài ba dự án trên, TP cũng đã xác định khoảng 100 địa điểm để làm hồ điều tiết chống ngập. Phần lớn các hồ sẽ được thực hiện tại địa bàn quận 9, huyện Bình Chánh và Nhà Bè.
_________________________________________________
Sơn La vẫn triển khai xây dựng Quảng trường Tây Bắc
Chiều 5/9, Ban chỉ đạo 2156 Tỉnh ủy Sơn La đã họp nhằm tiếp tục triển khai môt số nội dung công việc tiến tới xây dựng Quảng trường Tây Bắc.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo đề cương điều chỉnh quy hoạch chi tiết lô số 1 và lô số 2 dọc suối Nậm La, trọng tâm là quy hoạch khu vực xây dựng quảng trường Tây Bắc; Kế hoạch công bố quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; triển khai thực hiện khu dân cư mới phường Quyết Thắng, Thành phố Sơn La; công tác thu hồi và giải phóng trụ sở cảnh sát 113, điện lực Thành phố và nghe báo cáo tóm tắt kết quả học tập việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại tỉnh Gia Lai.
Trên cơ sở triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, tỉnh Sơn La dự kiến tổ chức Lễ công bố quy hoạch chi tiết xây dựng Quảng trường Tây Bắc gắn với tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc theo tỷ lệ 1/500 đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh vào đầu tháng 10 tới.
Từ kết quả học tập việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại Gia Lai, tỉnh Sơn La xác định sẽ thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tượng đài; xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức các cuộc hội thảo, lựa chọn địa điểm trưng bày, xin ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sỹ, trí thức và nhân dân về các nội dung quan trọng liên quan; quy hoạch thiết kế sân tượng đài, đền thờ Bác Hồ...
Tỉnh Sơn La sẽ xem xét, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng dự án theo yêu cầu đề ra.
_________________________________________________
Quy hoạch “phần hồn” của Huế ở đôi bờ sông Hương
Đó mục tiêu quan trọng của nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương vừa được ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt tại Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 1/9/2015.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên) với chiều dài khoảng 15 km. Bề rộng mỗi bên sông Hương tiếp cận đến các tuyến đường dọc 2 bờ sông hoặc cách mép bờ sông trung bình mỗi bên khoảng 100m.
Diện tích khu vực lập quy hoạch là 836 ha, bao gồm 313,6 ha đất dọc hai bờ sông, 26,4 ha đất khu vực cồn Hến, 11 ha đất khu vực cồn Dã Viên và 485 ha diện tích mặt nước. Khu vực này thuộc địa phận của TP Huế, một phần Thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.
Đoạn sông Hương rất quan trọng trên, được xem là “phần hồn” của toàn bộ Huế là trục cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú, với các hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, làng mạc lâu đời. Trong đó sông Hương là yếu tố phong thủy quan trọng trong cấu trúc đô thị Huế (đô thị di sản, đô thị sinh thái); là khu vực có tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường của đô thị Huế; cần được cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang… để phát huy các giá trị nhằm góp phần xây dựng mục tiêu đô thị phát triển bền vững.
Tuy nhiên, đứng trước bài toán bảo tồn và phát triển, sông Hương đang bị xâm hại bởi nhiều tác nhân khác nhau. Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tài trợ 6 triệu USD để thực hiện quy hoạch này với mục tiêu thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế, mang tính bền vững của một thành phố văn hóa và du lịch.
Trên cơ sở đó, quy hoạch sẽ phân tích, nghiên cứu, đánh giá các giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, yếu tố phong thủy, bảo vệ môi trường và giá trị thương mại của sông Hương; phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên-kinh tế xã hội, hiện trạng dân cư và lao động, hiện trạng sử dụng đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan, công viên cây xanh, hiện trạng thiên tai. Bên cạnh đó phân tích đánh giá các dự án, chương trình liên quan, hiện trạng và các chiến lược phát triển tương đồng… nhằm định hướng các vấn đề quản lý, bảo tồn và phát triển…
Dự án quy hoạch này được giao UBND TP Huế là cơ quan chủ dự án; đơn vị thẩm định là Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế; đơn vị phản biện là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế; đơn vị lập quy hoạch là Liên danh tư vấn Hàn Quốc (Công ty Kỹ thuật Dohwa và Viện nghiên cứu đô thị Han-A).
_________________________________________________