Mục tiêu của Đồng Nai là phát triển doanh nghiệp về số lượng tăng bình quân 18%/năm, vốn đăng ký tăng 8%/năm (bao gồm vốn đăng ký bổ sung); hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 đến 5.000 lao động;
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cải cách hành chính
- Cập nhật : 05/09/2015
Sáng 4/9, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số CCHC (Par Index) năm 2014 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.Theo đó, Bộ Giao thông đứng đầu khối Bộ ngành và cơ quan ngang bộ về chỉ số CCHC. Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước lần lượt xếp vị trí thứ 2 và 3. Ba đơn vị nằm cuối bảng là các Bộ: Y tế, Giáo dục và đào tạo và Khoa học và công nghệ.
Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh:Nguyễn Đông.
Ở khối tỉnh, thành phố, Đà Nẵng vẫn chứng minh được sự cải cách mạnh mẽ với thứ hạng số một. Hà Nội và TP HCM có sự thăng tiến khi được xếp hạng lần lượt thứ 3 (năm 2013 xếp thứ 5) và thứ 6 (tăng 3 bậc so với năm trước đó). Vị trí thứ 2 trong nhóm tỉnh, thành phố thuộc về thành phố Hải Phòng. Các vị trí cuối bảng đều thuộc về các tỉnh miền núi gồm: Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, đây là năm thứ ba Bộ Nội vụ đánh giá kết quả triển khai CCHC thông qua công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm 19 cơ quan) và 63 UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
“Mục tiêu của chương trình là nhằm theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất và khách quan, công bằng kết quả việc triển khai CCHC hằng năm của các bộ, các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, thông qua chỉ số này xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của các bộ, các tỉnh. Từ đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC”, ông Tuấn nói.
Trong phần thảo luận, đại diện các bộ, ngành và địa phương đứng trong nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng đều đồng tình với kết quả đã công bố. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị thay đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá cho phù hợp với đặc thù từng ngành, địa phương.
Bày tỏ sự vui mừng trước việc thăng thứ hạng của địa phương mình, nhưng ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hà Nội tâm tư: “Nhìn bảng xếp hạng, thấy các địa phương đứng cuối như Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên cũng hơi buồn. Khi chúng tôi lên đó, thấy lãnh đạo các tỉnh bạn cũng mong muốn đổi mới, thu hút đầu tư nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên gặp khó. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội lại rất thuận lợi trong thu hút đầu tư”. Lãnh đạo Hà Nội đề nghị có tiêu chí phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa phương để việc đánh giá được chính xác, khách quan hơn.
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Viết, Phó Chủ tịch Đà Nẵng cho rằng, nếu giữ các tiêu chí như hiện nay sẽ rất khó để các địa phương nhóm cuối vượt lên. Ví dụ như chỉ số về đổi mới cơ chế tài chính, các địa phương phụ thuộc vào ngân sách trung ương khó đạt điểm cao. Hay chỉ số về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhân lực các địa phương vùng sâu vùng xa khó so sánh với các tỉnh, thành phố lớn. Ông Viết đề xuất chia làm nhiều nhóm khi đánh giá. Cụ thể, nhóm có đóng góp cho ngân sách trung ương, nhóm đóng góp một phần và nhóm không có đóng góp.
Là đại diện duy nhất nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng được mời phát biểu, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng các tỉnh, thành và Bộ ngành đều cố gắng CCHC nhưng cần đưa ra các chỉ tiêu sát thực tế khi đánh giá.
Theo ông Tiến, mỗi Bộ, ngành một nhiệm vụ khác nhau. Các tỉnh thành cũng có đặc điểm địa lý và phát triển kinh tế khác nhau. “Nên việc đưa ra bộ tiêu chí chung để đánh giá tin cậy và khách quan là không dễ”, ông Tiến nêu qua điểm.
Lãnh đạo Bộ Y tế dẫn chứng, nếu điều tra xã hội học, để người dân hài lòng về Bộ Giáo dục, Y tế là rất khó. Hơn thế, sự hài lòng của người dân đối với ngành Y tế nhiều khi còn phụ thuộc vào Chính phủ, Nhà nước có “bơm sữa” hay không. Ví dụ tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, nếu được quan tâm đầu tư xây thêm buồng, phòng thì bệnh nhân và người nhà của họ sẽ có đánh giá khác về ngành này.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, đưa tiêu chí ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để chấm điểm nhưng không kiểm tra các văn bản này “sống” được bao lâu, có đi vào đời sống hay không. Hay tiêu chí tinh giản biên chế, nếu yêu cầu Bộ Y tế tinh giản rồi lại đòi hỏi phục vụ người dân tốt hơn “có mơ thì hàng trăm năm nữa cũng ko thực hiện được”.