Đồng Nai phấn đấu 100% DNVVN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ đầu tư
- Cập nhật : 06/09/2015
(Tin kinh te)
Mục tiêu của Đồng Nai là phát triển doanh nghiệp về số lượng tăng bình quân 18%/năm, vốn đăng ký tăng 8%/năm (bao gồm vốn đăng ký bổ sung); hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 đến 5.000 lao động;
Thời gian qua, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đồng Nai đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần làm tăng thu nhập cho dân cư và đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh …Tuy nhiên theo đánh giá Hiệp hội xuất khẩu tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp này hiện có công nghệ lạc hậu, thiếu thông tin về thị trường khi hội nhập…nên sẽ gặp thách thức không nhỏ bởi quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2011 – 2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 9.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 20.000 tỷ đồng. Tinh chung đến thời điểm hiện nay trên địa bàn có gần 19.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn đăng ký là gần 50.000 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian trên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đồng Nai đã giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 người.
Phó Chủ tịch Hội Xuất - Nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có tư duy về đổi mới máy móc, công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều kiện về vốn vẫn là rào cản lớn nhất, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàng Nhật Phát (huyện Long Thành), cho biết, trong các năm qua doanh nghiệp luôn bị “hụt hơi” vì thiếu lao động, do đó, phải đầu tư máy móc mới theo dây chuyền tự động để giảm bớt nguồn lao động. Đa số máy móc của công ty hiện nay là máy cũ nên năng suất lao động không cao. Tuy nhiên, để nhập một dây chuyền có tính tự động cao thay thế, doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền từ 15-20 tỷ đồng, một khoản lớn với một doanh nghiệp nhỏ.
Trong lĩnh vực sản xuất bao bì, ông Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Châu Viên (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho biết năm 2013 ông đã bỏ ra số vốn hơn 10 tỷ đồng để thay một dây chuyền sản xuất, nhưng với khoản tiền đó ông cũng chỉ nhập được dây chuyền và công nghệ đã qua sử dụng của Hàn Quốc, bởi dây chuyền sản xuất mới giá đắt gấp đôi, còn dây chuyền của Nhật hoặc Ý có giá gần gấp 3 lần. Đầu tư như vậy là quá sức với doanh nghiệp.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho thấy, có đến hơn 80% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ được sản xuất cách đây 30 năm.
Việc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tham gia hàng loạt hội nhập sắp tới. Nếu không rút ngắn được khoảng cách về công nghệ sẽ rất khó nói đến cạnh tranh. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, rất cần Nhà nước có những chính sách ưu đãi về lãi suất, phương án tiếp cận vốn riêng cho khối doanh nghiệp này.
Trong khi đó ở lĩnh vực nông nghiệp, gần 100% nông dân (một chủ thể quan trọng trong chuỗi cung ứng) chưa nghe nói đến cộng đồng kinh tế ASEAN. Khoảng 75% chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ có nghe nói đến nhưng không hiểu hoạt động như thế nào... Nhận thức hạn chế khiến doanh nghiệp khó tận dụng các ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan từ các hiệp định thương mại tự do...
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn chưa thực sự quan tâm đến hội nhập, thương mại tự do... để tận dụng cơ hội, chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu thị trường, đặc biệt là sự thay đổi lớn của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Do đó, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về việc thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như liên kết với các doanh nghiệp lớn để tạo ra được hệ thống quy trình sản xuất nhằm đạt được các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, tạo chuỗi sản xuất lớn để có thể nhận những đơn hàng lớn.
Ông Lê Văn Dành cũng thừa nhận, khi gia nhập AEC, bên cạnh nhiều cơ hội, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng gặp nhiều nguy cơ bị mất thị trường nội địa. Khó khăn hiệ n nay ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ là năng lực kinh doanh còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ nên các doanh nghiệp không có điều kiện đầu tư để nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, để tăng tốc độ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa về số lượng và chất lượng, Sở đã xây dựng kế hoạch nhằm mục đích triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích và trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai, phổ biến đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và khu vực doanh nghiệp nói chung.
Theo đó, cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016 đến 2020. Mục tiêu cụ thể là phát triển doanh nghiệp về số lượng tăng bình quân 18%/năm, vốn đăng ký tăng 8%/năm (bao gồm vốn đăng ký bổ sung); hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 đến 5.000 lao động; phấn đấu 100% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chính sách về hỗ trợ sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng…
Đặc biệt, nhằm tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn trong điều kiện hội nhập sâu rộng, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ và đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời xây dựng các mô hình doanh nghiệp năng suất chất lượng theo từng lĩnh vực hoạt động và các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất sạch cũng như xác lập cơ sở dữ liệu về các hoạt động năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ phục vụ cho doanh nghiệp tốt hơn.
Hiện Sở Công Thương tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý chung về phát triển doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ tiếp cận nguồn cung tài chính; thực hiện các chương trình hỗ trợ như: chương trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình hỗ trợ về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Chương trình khuyến công, hỗ trợ lãi suất và hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cung ứng lao động…
Ngoài ra, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực sản xuất bao gồm: mặt bằng sản xuất, vay vốn tín dụng, nguồn lao động chất lượng cao, hỗ trợ đổi mới công nghệ và kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin các dịch vụ phát triển kinh doanh khác…Tạo mọi điều kiện thuận lợi thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy thành lập nhiều doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh./.