Bộ ngoại giao VN: “Hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa”
Việt Nam tham gia diễn tập rà phá bom mìn ở Ấn Độ
Gia Lai có thêm phó chủ tịch tỉnh
TP.HCM kiến nghị thí điểm thành lập cảnh sát du lịch
Sai phạm nghiêm trọng của nhiều công ty con thuộc Tổng công ty Sông Đà
Tin trong nước đọc nhanh trưa 26-02-2016
- Cập nhật : 26/02/2016
Tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông đặc biệt đáng ngại
Những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng ở Biển Đông đang bị phá vỡ và đặc biệt đáng lo ngại hơn là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25-2 khi trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Đức DPA rằng những hành động leo thang căng thẳng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như triển khai hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu có khác gì so với những hành động leo thang căng thẳng trước đây của nước này hay không.
Ông Lê Hải Bình cho rằng việc phá vỡ nguyên trạng và quân sự hóa là hai diễn biến hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh hàng hải, và hàng không trong khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống radar ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh:
“Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.
Ông Bình cho biết Việt Nam kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.
Đại diện Phố Bolsa TV ở California (Hoa Kỳ) đặt câu hỏi nếu có lời đề nghị từ phía Hoa Kỳ về việc tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết:
“Việt Nam đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình ở các khu vực này phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế nhất là UNCLOS 1982 và chúng tôi cũng khẳng định các hoạt động này của các cơ quan chức năng Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới”.
Liên quan đến câu hỏi, cũng từ Phố Bolsa TV, chính sách không liên minh với nước này để chống lại nước khác liệu có cản trở VN tham gia các hoạt động tuần tra chung như vậy hay không, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định liên quan đến luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Đồng thời Việt Nam cũng đã đề nghị các nước đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tịch thu hàng nghìn lon sữa ngoại nghi nhập lậu
Đại tá Phạm Văn An, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế (Công an Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng liên ngành bắt giữ ôtô chở 2.400 hộp sữa có nguồn gốc từ Thái Lan. Tài xế Trần Ngọc Hoàng (26 tuổi, trú huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) không xuất trình được nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
Một cán bộ điều tra cho hay, hàng nghìn lon sữa này chủ hàng đã mua lại của một doanh nghiệp khác ở nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam để bán lại với giá chênh lệch cao hơn. Các lô hàng này không làm thủ tục hải quan, nên chưa đủ tiêu chuẩn nhập về nước, và được xem là hàng lậu.
Hiện toàn bộ số hàng trên đã được niêm phong để xử lý theo quy định.
Hà Nội bắt đầu cấp bằng lái xe quốc tế từ 1-3
Ngày 25-2, ông Nguyễn Việt Phương- Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết Sở GTVT đã hoàn tất việc chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhân lực để cấp giấy phép lái xe (bằng lái) quốc tế (International Driving Permit - IDP) cho người dân kể từ ngày 1- 3-2016.
Địa điểm làm thủ tục cấp IDP ở 16 Cao Bá Quát (quận Ba Đình, Hà Nội)..
Người dân có nhu cầu cấp IDP cần mang bằng lái xe quốc gia của Việt Nam đến và điền các nội dung vào mẫu đơn để làm thủ tục. Sau khoảng 5 ngày, sẽ lấy được IDP, lệ phí là 135 ngàn đồng.
Theo Thông tư 29 của Bộ GTVT người được cấp IDP là những người có bằng lái xe quốc gia làm bằng vật liệu PET. Với những người có bằng lái xe làm bằng giấy phải đổi sang bằng lái vật liệu PET mới được cấp IDP.
Hai tháng đầu năm, 1.590 người chết vì tai nạn giao thông
Sáng 25-2, tại ngã tư quốc lộ 1A và đường vào KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân, TP.HCM), xe tải này đã ủi hàng loạt xe máy dừng chờ đèn đỏ khiến nhiều người bị thương.
Xử phạt gần 440 tỉ đồng
Về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 622.801 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phạt tiền 437,5 tỉ đồng; tạm giữ 4.614 ô tô và 88.492 mô tô; tước 53.187 giấy phép lái xe.
Lo ngại bất ổn xã hội vì khoảng cách giàu nghèo
Chiều 24/2, cho ý kiến vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng thực trạng khoảng cách giàu nghèo đáng báo động. “Khi miền núi bắt đầu đi xe đạp thì đồng bằng đi bằng ôtô rồi. Miền núi đi bằng con trâu, bò, ngựa thì đồng bằng người ta đi máy bay”, ông Ksor Phước ví von.
Ông Phước khẳng định có đầy đủ số liệu để chứng minh khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. “Nó sẽ gây bất ổn xã hội. Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách quá cao sẽ gây xung đột”, ông Ksor Phước cảnh báo.Cũng theo lãnh đạo Hội đồng dân tộc, mặc dù nhiệm kỳ qua Chính phủ đã có nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu nhìn từ các tiêu chí như thu nhập, giáo dục, y tế… thì thấy cái nghèo hiện nay là "nghèo cùng cực” bởi hàng năm nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng chi trả bảo hiểm cho người nghèo, hàng trăm tấn gạo để cứu đói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng khi nông nghiệp 5 năm nay chững lại, sụt giảm rất lớn, thu nhập của người nông dân cũng bị sụt giảm, thị trường giá cả rất bấp bênh làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Dẫn chứng năm 2011 có 54 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng đến năm 2015 lên tới 71 nghìn doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ thêm đây là do tất yếu hay do chính sách chưa theo nhịp sống của nền kinh tế.
Theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, xã hội đang bức xúc về tham nhũng, lãng phí. Một số tờ báo thông tin doanh nghiệp nói sợ nhất chi phí "gầm bàn". “Bây giờ đang thu hút làn sóng đầu tư mới mà cứ để cho người ta nói như thế làm giảm đi sức hút đầu tư của chúng ta", ông Giàu nói.
Trước đó, trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày thẳng thắn nêu việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Dự kiến, Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Chính phủ, Thủ tướng sẽ được Thủ tướng trình bày tại phiên họp chiều 23/3 kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13.