ADB sẽ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên mức 6,5%
Quy định mới về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ
Mới: Miễn, giảm tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận
Cuối năm khởi công quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên
Tháng 9: Giá xăng dầu đã khiến CPI Hà Nội giảm 0,1% so với tháng trước
Khó trăm bề thu hồi nợ thuế
- Cập nhật : 09/09/2015
(Tin kinh te)
Theo quy định, DN có khoản nợ thuế quá 90 ngày sẽ rơi vào trạng thái bị nợ tiền thuế và thuộc diện truy thu, phạt nộp chây ì nợ thuế
Tin từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cơ quan này hiện đang rà soát đối với 200 DN có số tiền nợ lớn để báo cáo với Tổng cục Thuế. Trước đó trong tháng 6 địa phương này đã có 21 DN bị bêu tên vì nợ thuế, trong đó có những công ty siêu lớn.
Lưới văn bản bủa vây
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, nửa đầu năm nay họ đã thu được 8.857 tỷ đồng tiền nợ thuế, trong đó nợ thuế năm 2014 chuyển sang là 5.230 tỷ đồng, nợ thuế phát sinh trong năm 2015 đạt 3.627 tỷ đồng. Mặc dù, cán bộ ngành thuế đã sử dụng nhiều biện pháp, hạn chế nợ mới phát sinh nhưng tổng số nợ thuế đến nay của TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng gần 18% so với cuối năm 2014.
Để thu hồi số nợ thuế, ngành thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 525.526 quyết định và thông báo tiếp nhận, thực hiện cưỡng chế từ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định xử phạt hành chính qua kiểm tra, thanh tra và thông báo nợ, với số tiền thuế nợ và tiền phạt là 5.765 tỷ đồng.
Thành phố cũng ban hành 1.024 quyết định trích tiền từ tài khoản mở ở ngân hàng với số tiền thuế trích nộp là 1.464 tỷ đồng. Ban hành 83 quyết định thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng với số tiền thuế nợ và tiền phạt 345 tỷ đồng.
Ngoài ra là một quyết định kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, với số tiền thuế nợ và tiền phạt 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 57 quyết định khác để thu tiền và tài sản của trường hợp bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ, thu hồi giấy phép kinh doanh với số tiền thuế nợ, tiền phạt là 57 tỷ đồng.
Không có thu do kinh tế đình trệ
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thừa nhận một trong những khó khăn trong việc thu hồi nợ thuế là do sản xuất kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay. Đặc biệt, lượng DN nộp hồ sơ ngưng kinh doanh, hoặc lâm vào tình trạng thua lỗ ngày càng nhiều. Nhiều DN kinh doanh thua lỗ, không thu được nợ của khách hàng nên không có tiền nộp ngân sách.
Trong khi đó, thị trường BĐS chưa phục hồi, có công ty BĐS không có khả năng nộp các khoản truy thu thuế và phạt. Theo một lãnh đạo ngành thuế TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những khó khăn của DN do tác động của thị trường suy giảm, còn nhiều DN cố tình chây ì nợ thuế, sau đó bỏ trốn.
Thế nhưng cơ chế cưỡng chế nợ thuế còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến thu nợ. Điển hình là theo quy định hiện hành (Thông tư 215/2013/TT-BTC), thì trong thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế chỉ có cấp trưởng cơ quan thuế được thực hiện. Trong khi ở TP. Hồ Chí Minh có trường hợp nợ thuế rất lớn, số lượng ban hành quyết định cưỡng chế rất lớn, mà cấp phó chỉ được ban hành cưỡng chế khi cấp trưởng đi vắng.
Tương tự, trong Thông tư 215, quy định thời gian ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế vì đối tượng cưỡng chế nhiều, trong khi nhân sự làm công tác này tại đơn vị lại có giới hạn.
Tăng quyền cho cưỡng chế thuế?
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, các DN có tiền thuế nợ lớn, kéo dài đa số là các DN thuộc diện bị truy thu và có tiền phạt thuế. Khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì các tài sản này đã thuộc giao dịch đảm bảo (tài sản thế chấp nợ vay), hoặc có giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản, hay tiền mặt trong tài khoản ngân hàng không đủ để cưỡng chế thu hồi. Một số DN có nợ thuế bị truy thu với số tiền thuế lớn không có khả năng thanh toán thì ngay lập tức bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập một công ty khác.
Hiện nay Luật DN, Luật Quản lý thuế không có quy định đối với chủ thể nợ tiền thuế thì không được phép thành lập công ty mới dù chỉ là thành viên góp vốn.
Mặt khác, theo giới chức ngành thuế TP. Hồ Chí Minh, sự phối hợp trong công tác quản lý nợ giữa cơ quan thuế và các ngành hữu quan còn chưa chặt chẽ. Trong khi số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, đội ngũ công chức thuộc đội quản lý nợ còn mỏng và còn có những hạn chế nhất định về chuyên môn, nên đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý thu nợ thuế.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị về tháo gỡ cơ chế chính sách để nâng cao hoạt động quản lý nợ thuế. Trong đó có sự phối hợp giữa các ngành tài chính (kho bạc, thuế), ngân hàng và nên xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống tài khoản của người nộp thuế. Điều này sẽ góp phần hạn chế những trường hợp chây ỳ và bỏ trốn không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có ý kiến trong việc sửa đổi pháp luật liên quan đến xử lý nợ thuế.
Cụ thể: trong Luật Phá sản cần cho phép cơ quan thuế có quyền khởi kiện DN nợ thuế ra tòa án để tuyên bố phá sản. Các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh cũng phải chỉnh sửa lại theo hướng đưa các trường hợp là chủ tịch HĐQT, giám đốc, các thành viên góp phần của các tổ chức dây dưa nợ thuế vào diện không được xuất cảnh. Cơ quan thuế được quyền đề nghị ngăn chặn các giao dịch chuyển đổi sở hữu đối với tài sản của các đối tượng nợ thuế để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.