tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 26-09-2015

  • Cập nhật : 26/09/2015

Kiểm tra 24 cửa hàng thực phẩm chức năng, phát hiện 22 cửa hàng sai phạm

kiem tra 24 cua hang thuc pham chuc nang, phat hien 22 cua hang sai pham

Kiểm tra 24 cửa hàng thực phẩm chức năng, phát hiện 22 cửa hàng sai phạm


Ngày 24/9, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua các đội QLTT tập trung kiểm tra 3 mặt hàng gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm. Kết quả kiểm tra, phát hiện sai phạm xảy ra khá phổ biến đối với 3 mặt hàng này.

Cụ thể, với mỹ phẩm, kiểm tra 149 công ty và hộ kinh doanh, lực lượng kiểm tra phát hiện có đến 141 vụ vi phạm, trong đó có 116 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu. Đáng chú ý, Đội QLTT Bình Thạnh kiểm tra tại phòng số 207 chung cư 243A Nguyễn Thượng Hiền, phường 6, quận Bình Thạnh, tạm giữ 501 thùng hàng gồm 7.911 đơn vị mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ, không có số công bố mỹ phẩm, không có công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa... Đội chuyển vụ việc đến cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh thụ lý.

Đội QLTT Tân Bình kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Jenny Cosmetic và xưởng sản xuất (đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15 quận Tân Bình) phát hiện nhiều sai phạm. UBND quận Tân Bình đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Jenny Cosmetic 195 triệu đồng đối với các hành vi: Sản xuất mỹ phẩm có thành phần vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng; không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường; kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn ghi không đầy đủ nội dung theo quy định… đồng thời buộc tiêu hủy 1.714kg thành phẩm dạng sệt sữa tắm, kem tẩy tế bào chết, bột tảo non, 201kg nắp, hũ nhựa và 43 hộp sữa tắm, kem collagen.

Với mặt hàng thực phẩm chức năng, lực lượng QLTT kiểm tra 24 công ty, nhà thuốc, cửa hàng, phát hiện có 22 vụ vi phạm với số lượng hàng gồm: 120.273 (hộp, chai, hũ) và 1.298 viên thực phẩm chức năng, 149kg nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng.

Với mặt hàng tân dược, kiểm tra 33 công ty, nhà thuốc, phát hiện có 29 vụ vi phạm gồm: kinh doanh thuốc không có chứng từ, kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, vi phạm về niêm yết giá, đăng ký kinh doanh...


TP Hồ Chí Minh: Rà soát và cấp sổ đỏ cho các khu công nghiệp

Kết quả kiểm tra tại 12 KCN cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý đất đai chưa được thường xuyên dẫn đến nhiều sai sót. Còn nhiều doanh nghiệp thuê lại đất trong KCN chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp còn thấp. Nhiều diện tích chưa đền bù giải phóng mặt bằng.

Nhiều công ty đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; chưa lắp đặt quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng của nước thải trước khi xả thải ra môi trường; chưa có văn bản xác nhận kiểm tra hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ tài nguyên môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Ngoài ra, các KCN chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, còn trông chờ, ỷ lại trong việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên còn một số hộ dân không chịu nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng cho KCN kéo dài đã nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên có 8 KCN vẫn còn một số diện tích chưa đền bù, bồi thường, các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến việc hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông trong KCN.

Bộ TN&MT kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP phối hợp với Sở TN&MT rà soát và yêu cầu các Cty đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp đầu tư trong các KCN lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xét cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; cấp GCNQSDĐ cho các doanh nghiệp thuê lại đất trong KCN.

Đồng thời, Bộ TN&MT đề nghị TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện phối hợp với các Cty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN sớm hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các KCN; chỉ đạo các KCN tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng còn dang dở, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng của nước thải trước khi thải ra môi trường.


Nửa đầu tháng 9: Giá dầu đã khiến ngân sách hụt thu 1,8 nghìn tỷ đồng

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 15 ngày đầu tháng 9/2015 ước đạt 19,73 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ bằng 91% so với cùng kỳ tháng trước (tương ứng giảm khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9 và 9 tháng năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 15 ngày đầu tháng 9/2015 ước đạt 19,73 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ bằng 91% so với cùng kỳ tháng trước (tương ứng giảm khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng).

Nguyên nhân được Bộ này xác định chủ yếu là do giá dầu giảm đã làm giảm thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Lũy kế thu NSNN từ đầu năm đến ngày 15/9/2015 đạt 640,42 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 474,62 nghìn tỷ đồng, bằng 74,3% dự toán;

Thu từ dầu thô đạt 49,58 nghìn tỷ đồng bằng 53,3% dự toán;

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 112,84 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán.

Tuy nhiên, nhiều khoản thu nội địa đạt tiến độ cao hơn tiến độ chung (70,3% dự toán) như: Thuế bảo vệ môi trường đạt 117%, tiền thu sử dụng đất đạt 101%, lệ phí trước bạ đạt 99,9%, thuế thu nhập cá nhân đạt 79,3%, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 74%.

Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/9/2015 ước đạt 776,37% dự toán; chi trả nợ và viện trợ đạt 110,4 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% dự toán; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, quản lý hành chính đạt 542,76 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán.


Việt-Nga đàm phán để sớm ký hiệp định thăm dò, khai thác dầu khí

viet-nga dam phan de som ky hiep dinh tham do, khai thac dau khi

Việt-Nga đàm phán để sớm ký hiệp định thăm dò, khai thác dầu khí

Chiều 25/9 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Sergey Kudryashov, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Zarubezneft, Liên bang Nga đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh chuyến làm việc tại Việt Nam của đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hoạt động hợp tác thành công giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Zarubezneft tại Việt Nam cũng như tại Liên bang Nga.

Cho rằng kết quả hợp tác trong lĩnh vực dầu khí là một đóng góp quan trọng vào quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Liên bang Nga, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hợp tác bền vững, lâu dài, cùng có lợi trong lĩnh vực dầu khí giữa hai nước nói chung và giữa Petrovietnam và Zarubezneft nói riêng.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp hai bên trong việc tiếp tục mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các lô mới tại hai nước; đồng thời cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam đàm phán với phía Nga để sớm ký kết Hiệp định Liên Chính phủ về hợp tác liên doanh trong lĩnh vực này làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại hai nước.

Thủ tướng cũng cảm ơn sự ủng hộ của Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đối với hoạt động hợp tác dầu khí - một lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trong đó có việc dành các ưu đãi miễn giảm thuế khai thác tài nguyên khoáng sản đối với một số lô tại Khu tự trị Nhenhexky, Nga đối với Liên doanh Rusvietpetro.

Khẳng định sự hợp tác tốt đẹp, hiệu quả, chiến lược giữa Zarubezneft và Petrovietnam trong nhiều năm qua và tiêu biểu là sự thành công của Liên doanh Vietsopetro và mới đây là liên doanh Rusvietpetro, ông Sergey Kudryashov khẳng định Zarubezneft mong muốn hợp tác chiến lược, lâu dài với Petrovietnam. Hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí sang các lô mới tại thềm lục địa Việt Nam cũng như tại lãnh thổ Liên bang Nga. Ông Sergey Kudryashov bày tỏ mong muốn hai nước sẽ sớm ký Hiệp định Liên Chính phủ về thăm dò, khai thác dầu khí.

Tại buổi tiếp, ông Sergey Kudryashov cho biết Liên doanh Rusvietprtro đã triển khai thành công dự án khai thác dầu khí tại các lô ở Khu tự trị Nhenhexky, miền Bắc Liên bang Nga. Tính từ tháng 9/2010 đến nay, liên doanh đã khai thác được 8,78 triệu tấn dầu, doanh thu đạt gần 4,6 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt trên 1 tỷ USD. Liên doanh này sẽ tiếp tục đưa vào khai thác 2 mỏ mới và sẽ nâng công suất lên gấp đôi hiện nay. 

Đặc biệt, Chính phủ Nga cũng đã sẵn sàng cho việc ưu đãi miễn giảm thuế khai thác tài nguyên khoáng sản cho Liên doanh này với mức miễn giảm lên đến 1,2 tỷ USD, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Rusvietpetro.


Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương hoàn thành đàm phán hợp đồng mua bán điện các dự án BOT nhiệt điện: Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Vân Phong 1, Sông Hậu 2. Trường hợp có khó khăn vướng mắc, báo cáo Bộ Công Thương để có ý kiến chỉ đạo.
Đây là nội dung tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các dự án nhà máy điện thực hiện theo hình thức BOT, IPP (dự án điện độc lập).

Cũng tại Thông báo này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thúc đẩy tiến độ đàm phán các dự án BOT khu vực phía Nam: Sông Hậu 2, Long Phú 2, Vĩnh Tân 3 để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực phía Nam và giảm lượng điện năng truyền tải Bắc – Nam.

Bên cạnh đó, trong đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII, đề xuất phát triển thêm một số dự án nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo tự cân đối giữa các vùng, miền trong chế độ vận hành bình thường, bảo đảm an ninh cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng. 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo quyết liệt để đưa các dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1 vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo cung cấp điện cho khu vực phía Nam; tính toán, lựa chọn phương án cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, đảm bảo ổn định, hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng than theo thiết kế và tiêu chuẩn môi trường theo quy định

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam khẩn trương hoàn thành đàm phán, ký Hợp đồng Cung cấp và Vận chuyển than với Chủ đầu tư dự án nhiệt điện Nam Định 1 vào đầu tháng 10/2015.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục