Nhật Bản muốn tiếp nhận lao động, du học sinh Việt Nam sang làm việc cho ngành ô tô
Thành lập Ban Thư ký và 3 Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017
Bắt tàu chở 140.000 lít xăng không rõ xuất xứ
Cảnh cáo tổng thầu, tư vấn giám sát Dự án đường sắt
Phạt 2 nhãn sữa không đạt chất lượng
Tin trong nước đọc nhanh 27-08-2015
- Cập nhật : 27/08/2015
Thủ tướng chỉ định chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây sẽ là đơn vị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án để trình Quốc hội quyết định cho triển khai.
Cụ thể, Thủ tướng giao ACV chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trước đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức được Quốc hội thông qua vào sáng 25/6/2015.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành Hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.
Khởi tố một cán bộ thuế nhận hối lộ
Cán bộ thuế Trần Thanh Hải bị bắt quả tang khi nhận 15 triệu đồng để hứa giúp một người dân không phải nộp 115 triệu tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ngày 24-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố một cán bộ thuế về hành vi nhận hối lộ. Đối tượng bị khởi tố là Trần Thanh Hải (33 tuổi, thường trú thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo).
Hải là cán bộ đội quản lý thu thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân và thu khác thuộc Chi cục Thuế huyện Ea H’Leo.
Trước đó, khoảng 16g ngày 14-8, Công an huyện Ea H’Leo phát hiện Hải nhận 15 triệu đồng ở một quán cà phê để giúp một người dân không phải nộp 115 triệu đồng tiền thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thái Lan hoãn đăng ký cấp phép cho lao động VN
Ngày 13 - 14/8, đoàn công tác liên bộ do Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam dẫn đầu đã đến Thái Lan làm việc với đoàn công tác liên bộ của Thái Lan do Bí thư Thường trực Bộ Lao động Nakorn Silpa-archa dẫn đầu về việc triển khai kết quả họp nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần thứ 3 (Bangkok, 23/7/2015), trong đó có việc đăng ký lao động Việt Nam tại Thái Lan.
Theo tinh thần Nghị quyết ngày 10/02/2015 của Nội các Thái Lan, Bộ Lao động Thái Lan dự kiến sẽ tiến hành đăng ký hợp pháp hóa cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan bắt đầu từ ngày 1/9/2015.
Tuy nhiên, theo quy định ghi trong Nghị quyết nêu trên, chỉ những lao động Việt Nam nhập cảnh Thái Lan lần cuối cùng trước ngày 10/02/2015 mới đủ điều kiện đăng ký, và họ sẽ chỉ được phép lao động tại Thái Lan đến ngày 28/02/2016.
Điều này chỉ đáp ứng được phần nào một bộ phận nhỏ lao động của Việt Nam, trong khi sẽ gây bất lợi cho đại đa số lao động Việt Nam tại Thái Lan.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã đề nghị phía Thái Lan điều chỉnh lại một số quy định về việc triển khai đăng ký lao động cho phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đông đảo người Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan có thể đăng ký và được cấp phép lao động.
Sau buổi làm việc trên, ngày 20/8/2015, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Surasak Kanchanarat đã thông tin cho Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan. Theo đó, Thái Lan quyết định chưa tổ chức đăng ký cho lao động Việt Nam từ ngày 1/9/2015 như dự kiến.
Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét việc này, trong đó cân nhắc đầy đủ đến các đề xuất mà phía Việt Nam đã nêu.
Dự kiến, hai nước sẽ tiếp tục trao đổi về các biện pháp cụ thể triển khai hợp tác về lao động nhân dịp Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thăm Thái Lan và dự hội nghị Bộ trưởng Lao động 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam (CLMVT) vào đầu tháng 9/2015 sắp tới.
Hà Nội xây thêm nhà máy nước sạch 3.700 tỉ đồng
Dự kiến trong tháng 10-2015, UBND TP Hà Nội sẽ khởi công dự án xây dựng thêm một nhà máy nước sạch tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Nhà máy nước này có tổng vốn đầu tư 3.700 tỉ đồng, trong giai đoạn 1 sẽ có công suất 300.000 m3/ngày, cung cấp nước cho người dân khu vực phía tây đường vành đai 3, phía bắc quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Hiện nay thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng nhà máy, dự kiến tới năm 2018 hoàn thành giai đoạn 1, đến năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án.
Quảng Ninh nhấn mạnh “cải thiện thực chất” môi trường đầu tư
“Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần đi vào thực chất chứ không hình thức, chúng ta không nên tự hài lòng với chính mình mà hãy để người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về môi trường cũng như năng lực quản lý, điều hành”.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh này, được tổ chức cuối tuần qua.
Theo công bố của Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh ước đạt 8,9%. Đây được xem là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong những năm gần đây.
Tỉnh cũng được xếp thứ hai trong nhóm các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có số thu ngân sách nội địa đạt cao nhất từ trước tới nay và tăng 29% so với cùng kỳ.
Trong công tác cải cách hành chính, thời gian thành lập doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã được rút ngắn còn tối đa là 3 ngày. Ngành thuế đã có trên 95% doanh nghiệp khai thuế qua mạng.
Còn trong lĩnh vực hải quan, số doanh nghiệp thực hiện thông quan điện tử đạt tới 97,98% trong khi thời gian thông quan trung bình được rút ngắn còn 5-10 phút đối với luồng xanh, 15-30 phút đối với luồng vàng, tối đa 120 phút đối với luồng đỏ…
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 65 dự án với tổng mức đầu tư 28.031 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư lớn đã được nhanh chóng triển khai: dự án Cầu Bạch Đằng và nút giao thông tuyến với mức đầu tư 7.388 tỷ đồng, cảng hàng không Quảng Ninh 6.759 tỷ đồng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương 10.062 tỷ đồng….
Nhận xét về môi trường đầu tư Quảng Ninh thời gian qua, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh nhận xét: sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh đang tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào vùng đất này.
Theo lãnh đạo Quảng Ninh, mặc dù tỉnh vẫn đang duy trì vị trí trong top 5 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
“Không đơn thuần vì vị trí trong bảng xếp hạng mà còn là uy tín, là niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền”, ông Thành nhấn mạnh.