Người dân Tiền Giang đi TP.HCM sẽ không còn phải mất thời gian chờ phà Mỹ Lợi hoặc đi đường vòng qua Quốc lộ 1 - Cao tốc TP.HCM - Trung Lương xa hơn 75km.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 26-08-2015
- Cập nhật : 26/08/2015
Thanh tra 4 dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh
Đoàn thanh tra do Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc làm Trưởng đoàn sẽ tiến hành thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật của các nhà đầu tư trong thực hiện 4 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh.
Cụ thể, đoạn Km 921+025-Km 962+331 Quốc lộ 14 (từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài), tỉnh Bình Phước do Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai là nhà đầu tư.
Đoạn Km 1793+600-Km 1824+00, tỉnh Đắk Nông do liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Toàn Mỹ 14 và Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương là nhà đầu tư.
Đoạn Km 1738+148-Km 1763+610, tỉnh Đắk Lắk do Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Đông Hưng Gia Lai và Công ty cổ phần thuỷ điện Sê San 4A là nhà đầu tư.
Đoạn Km 1610-Km 1667+570 (Cầu 110) Pleiku, tỉnh Gia Lai do Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai là nhà đầu tư.
Thời gian thanh tra tại mỗi dự án không quá 30 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Vào ngày 11/7 vừa qua, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước đã được khánh thành và thông xe toàn dự án. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư, trong đó, có 6 dự án vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng chiều dài 212 km, có tổng mức vốn đầu tư 7.080 tỉ đồng.
5 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức BOT, tổng chiều dài xây dựng là 207 km, với tổng mức vốn đầu tư 5.994 tỉ đồng.
Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (Quốc lộ 14) và mở rộng 2 bên để hạn chế giải phóng mặt bằng, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn…
Như vậy, sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng về đích trước tiến độ một năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỉ đồng.
Đầu tư Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên thành đường cao tốc
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đối với phần đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư dự án trên theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Liên danh các nhà đầu tư đã có đề xuất gửi Bộ Giao thông vận tải được đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc theo hình thức BOT.
Cụ thể, Liên doanh các nhà đầu tư bao gồm Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Khách và Công ty Cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO sẽ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục của dự án quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc, nâng tốc độ khai thác trên toàn tuyến này lên 100-120km/giờ; đồng thời thanh toán nợ cho các nhà thầu xây lắp do nguồn vốn thiếu trong quá trình thực hiện dự án.
Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư các hạng mục hoàn chỉnh bao gồm thi công hoàn chỉnh quy mô mặt cắt ngang đoạn km26+900-km63+800 tăng chiều rộng làn xe và dải an toàn, thi công các điểm dừng khẩn cấp.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ được thảm lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 2cm trên toàn bộ mặt đường kể cả làn dừng xe khẩn cấp để tăng độ nhám mặt đường đảm bảo an toàn xe chạy theo tốc độ thiết kế đường cao tốc. Dự án cũng sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, trạm dịch vụ và nhà điều hành đường cao tốc, hệ thống thu phí kín, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hoàn thiện các đường gom.
Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11 năm 2009 với tổng chiều dài 63,8km. Đường đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên; trong đó có 18 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 2,7km và 15 cầu vượt đường ngang.
Quy mô bề rộng nền đường là 34,5m trong đó đoạn Ninh Hiệp-Sóc Sơn dài 26,9km có bề rộng mặt đường là 21m với 4 làn xe chạy và 2 làn xe dừng khẩn cấp, đoạn Sóc Sơn-Thái Nguyên dài gần 37km có bề rộng mặt đường 18m với 4 làn xe chạy.
Ông Lê Trương Hải Hiếu trở thành chủ tịch quận trẻ nhất TP.HCM
Theo nguồn tin của chúng tôi, ngày 25-8, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã trao quyết định cho ông Lê Trương Hải Hiếu, thôi giữ chức Phó Bí thư quận ủy quận 1 nhiệm kỳ 2015-2020 để giữ chức Chủ tịch UBND kiêm Phó Bí thư quận ủy quận 12, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trước khi là chủ tịch UBND quận 12, ông Lê Trương Hải Hiếu có thời gian 8 năm liên tiếp công tác tại quận 1, kinh qua các chức danh Bí thư Quận Đoàn 1, Bí thư phường Bến Thành, Phó chủ tịch rồi Phó bí thư thường trực quận 1.
Trong thời gian công tác ở quận 1, ông Hiếu được đánh giá là cán bộ năng lực, có phong thái trẻ trung gần gũi và có nhiều cải tiến, sáng kiến trong công tác phục vụ người dân.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân ngay sau khi trở thành lãnh đạo quận trẻ nhất TP.HCM, ông Hiếu nói: “Suốt 8 năm tôi may mắn được sống trong tình yêu thương, sự dạy dỗ, dìu dắt, chia sẻ động viên và hỗ trợ của tất cả các cô chú, anh chị, đồng đội để tôi có thể rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Cũng trong ngày 25-8, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã trao quyết định điều động, bộ nhiệm nhân sự quan trọng khác. Cụ thể:
- Ông Nguyễn Toàn Thắng thôi giữ chức phó bí thư, chủ tịch UBND quận 12 để giữ chức phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.
- Ông Nguyễn Ngọc Hòa thôi giữ chức bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op để giữ chức phó giám đốc Sở Công thương TP.
- Ông Huỳnh Cách Mạng thôi giữ chức bí thư quận ủy quận Tân Phú để giữ chức phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.
- Ông Nguyễn Thành Chung thôi giữ chức bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Giao thông vận tải, giữ chức bí thư quận ủy quận Tân Phú nhiệm kỳ 2015-2020.
- Bà Nguyễn Thị Lệ thôi giữ chức bí thư quận ủy quận 3 để giữ chức phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.
- Ông Nguyễn Hồ Hải thôi giữ chức bí thư quận ủy quận 8, giữ chức bí thư quận ủy quận 3 nhiệm kỳ 2015-2020.
- Ông Bùi Xuân Cường thôi giữ chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP để giữ chức Giám đốc Sở GTVT TP.
- Ông Võ Văn Hoan thôi giữ chức phó bí thư quận ủy, chủ tịch UBND quận 6 để giữ chức phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM.
Đề xuất dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 2016
Theo đó, Hà Nội đã bắt đầu triển khai thu phí từ 1/1/2016 và thu về cho Quỹ Bảo trì đường bộ của thành phố 55 tỷ đồng (năm 2013); 36 tỷ đồng (năm 2014, đạt 13,28% kế hoạch); 6 tháng đầu năm 2015 đạt 3,6 tỷ đồng (3% kế hoạch).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô đạt thấp, trong đó có công tác liệt kê gặp nhiều khó khăn, triển khai công tác thu của một số quận, huyện, thị xã chưa thực sự tích cực, chưa có chế tài cụ thể đối với các trường hợp chây ỳ…
Sở GTVT đề xuất, thống nhất với chủ trương của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư và Bộ GTVT, cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe môtô từ 1/1/2016 để chờ phương án tổ chức thu hợp lý và thuận tiện hơn.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp
Chiều 25/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản do Thứ trưởng Nghị viện, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Youji Muto dẫn đầu đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn không ngừng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Nhật Bản, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Các hoạt động hợp tác ODA, thương mại và đầu tư đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo Việt Nam xây dựng được một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đề cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch, đạo đức công vụ.
Đánh giá cao bản ghi nhớ hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tiếp tục giúp Thanh tra Chính phủ Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo cán bộ, tăng cường năng lực chuyên môn về thanh tra, giải quyết khiếu nại hành chính.
Thứ trưởng Nghị viện, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Youji Muto nhấn mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp, ngày càng sâu rộng và thực chất.
Thông báo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về mục đích chuyến thăm và làm việc của đoàn lần này, Thứ trưởng Nghị viện, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Youji cho biết Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản và Thanh tra Chính phủ Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại hành chính; khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với lợi ích chung và nguyện vọng của nhân dân hai nước.