Ngày 2/12/2015, tại Brussels (Bỉ), với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Tin trong nước đọc nhanh 03-10-2015
- Cập nhật : 03/10/2015
Nhiều dự án đô thị đang phá vỡ quy hoạch Thủ đô
Không ít dự án được xây dựng giữa khu dân cư đông đúc khiến hạ tầng giao thông thường xuyên quá tải. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Tại Hà Nội, những khu dân cư, hoặc khu đô thị bị vỡ quy hoạch không phải là chuyện hiếm.
Đầu năm 2014, Dự án Kim Văn - Kim Lũ của Vinaconex 2 bất ngờ được tái khởi động và tất nhiên là có những thay đổi lớn về quy hoạch. Trước kia, dự án này được phê duyệt quy hoạch với số dân chưa đến 5.000 người, gồm các khu nhà thấp tầng, cao tầng và cả tòa nhà văn phòng, nhưng nay chủ đầu tư điều chỉnh lại chức năng nhiều tòa nhà, đồng thời điều chỉnh cả quy mô dân số dự án.
Việc chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch dự án sau một thời gian dài khó khăn là câu chuyện khá phổ biến tại Hà Nội, nhưng trường hợp điều chỉnh của Dự án Kim Văn - Kim Lũ thực sự khiến nhiều người… choáng váng!
Nếu như trước kia, dự án được quy hoạch cho khoảng 4.800 người ở, thì sau điều chỉnh, quy mô dân số đã tăng lên 10.550 người. Việc tăng quy mô dân số khiến hàng loạt chỉ tiêu sử dụng đất, như đất ở, đất trường học, đất đỗ xe, cây xanh… tính trên đầu người giảm mạnh. Điều đó có thể khiến đời sống cư dân tại khu đô thị này gặp nhiều khó khăn sau khi dự án hoàn thiện.
Khu đô thị Linh Đàm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) từng một thời được công nhận là đô thị kiểu mẫu, với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, xen giữa là vườn hoa, thảm cỏ, đường nội bộ rợp bóng cây. Nhưng từ năm 2009, quy hoạch này từng bước bị băm nát, khi hàng chục tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên xen lẫn với những khu nhà cũ do HUD xây dựng. Không ít tổ hợp chung cư hiện nay vốn có chức năng nhà văn phòng được chuyển đổi thành nhà ở.
Chẳng hạn tổ hợp VP6 Linh Đàm trước kia vốn là một tổ hợp văn phòng cao 25 tầng. Thế nhưng, sau khi sang tên đổi chủ, tòa VP6 được chuyển đổi sang chức năng chung cư, chiều cao cũng được nâng lên đến 41 tầng.
Thời gian gần đây, hàng loạt dự án chung cư (đa số thuộc sở hữu của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư) được đưa vào sử dụng, như VP5, VP6, VP4. Ngoài ra, hơn chục khối nhà cao từ 36 - 41 tầng thuộc khối HH1 đến HH4 đã và đang được hoàn thiện bàn giao, cùng các tòa chung cư của BIC Việt Nam, HUD dự kiến cũng sẽ hoàn thiện trong thời gian tới.
Việc phát triển nhà ở giá rẻ, diện tích nhỏ, xây cao tầng, khiến mật độ cư dân tại Khu đô thị Linh Đàm tăng mạnh. Chỉ tính riêng các dự án nhà giá rẻ của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên, Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm dự kiến sẽ đón nhận thêm vài chục nghìn cư dân mới.
Quy mô dân số tăng vọt khiến hạ tầng giao thông tại Khu đô thị Linh Đàm trở nên quá tải. Tình trạng tắc đường tại cửa ngõ Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm giờ trở thành chuyện thường ngày, chứ không còn là chuyện hy hữu như trước kia nữa. Cái tên đô thị kiểu mẫu giờ đã trở thành hoài niệm của cư dân nơi đây.
Tôm hùm chết hàng loạt, dân điêu đứng
Bên cạnh đó, giá tôm cũng giảm mạnh.Ông Võ Văn Thành, hộ nuôi tôm ở thôn Tây, xã An Vĩnh, than thở: “Gia đình nuôi 1.500 con tôm hùm, hiện mỗi con đạt trọng lượng 0,3-0,4 kg. Mấy ngày nay bỗng nhiên tôm lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Tôi đã kiểm tra và xử lý vệ sinh lồng nuôi nhưng tôm vẫn tiếp tục chết”.
Theo ông Thành, với giá tôm giống nhập về 320.000-350.000 đồng/con, mỗi ngày 4-5 con tôm giống chết là người nuôi lỗ bạc triệu. Đó là chưa kể giá tôm thương phẩm liên tục giảm, hiện chỉ bằng nửa giá cùng kỳ năm ngoái nên người nuôi tôm đứng ngồi không yên. “Toàn bộ vốn liếng vay mượn đều đổ vào các lồng tôm, bây giờ tôm chết chúng tôi chỉ có nước sạt nghiệp” - ông Thành lo lắng.
Nhiều hộ nuôi tôm khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Lê Văn Tám ở thôn Đông, xã An Vĩnh cho hay gần một tháng nay tôm hùm có hiện tượng bỏ ăn rồi chết. “Nếu không tìm ra nguyên nhân tôm chết thì nguy cơ người nuôi thua lỗ, trắng tay là hiện hữu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện, xác nhận gần một tuần qua hộ nào cũng có tôm chết. Tôm chết chủ yếu có trọng lượng từ 0,3 kg/con đến gần 0,5 kg/con. Còn ông Trương Đình Nho, Phó trạm Thú y huyện Lý Sơn, nói sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng tôm chết, trạm đã phối hợp với cơ quan liên quan xuống tận địa bàn để tìm hiểu nguyên nhân. Qua tìm hiểu cho thấy một số hộ mua tôm giống không rõ xuất xứ, thả nuôi không thực hiện đúng quy trình nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của tôm. Mặt khác, khi tôm bị bệnh không kịp thời phát hiện nên tôm có dấu hiệu bệnh đầu sữa dẫn đến chết hàng loạt.
“Nhưng cũng có khả năng tôm chết do bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, khả năng thiếu ôxy cục bộ ở tầng đáy, cộng với vùng nuôi đang có nguy cơ ô nhiễm bởi thức ăn thừa nên tôm chết nhiều” - ông Nho nói.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh tiếp tục giữ chức Bí thư Đảng ủy NHNN
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh tiếp tục giữ chức Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan NHTW lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Hội nghị đã nghe đại diện Ban Tổ chức Đảng ủy Cơ quan NHTW công bố Quyết định số 2088-QĐ/ĐUK ngày 27/8/2015 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương về việc chuẩn y Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan NHTW nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ NHTW đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 28 người; Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan NHTW gồm 9 người. Ông Nguyễn Kim Anh giữ chức Bí thư Đảng ủy, ông Trần Việt Bắc và ông Nguyễn Văn Thạnh giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy gồm 6 người, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, ông Đặng Văn Tuyên giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
Xử phạt 172 công ty vi phạm an toàn thực phẩm
Từ đầu năm đến hết tháng 9, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 172 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó có 137 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi hiệu lực giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu cơ sở tái phạm hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng.
Nguyên Bí thư Bạc Liêu giữ chức Phó Ban Nội chính Trung ương
Chiều 2/10, tại trụ sở Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông Nguyễn Hoàng Việt - Phó Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công ông Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2010-2015 về giữ chức Phó Ban Nội chính Trung ương.
Theo Phó Ban Tổ Chức Trung ương, trong thời gian công tác tại Bạc Liêu, ông Võ Văn Dũng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, nhất là công tác giảm nghèo; kinh tế tăng trưởng ổn định, diện mạo của tỉnh ngày càng thay đổi, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đưa Bạc Liêu từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, nghèo nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển khá toàn diện trên các mặt.
Ông Võ Văn Dũng (55 tuổi, quê Bạc Liêu) tốt nghiệp đại học Luật, cao cấp lý luận chính trị. Ông từng giữ các chức Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu...
Cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã bầu ông Lê Minh Khái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhiệm kỳ 2010-2015 thay ông Dũng.
Ông Lê Minh Khái sinh năm 1964. Trước khi về nhận công tác tại Bạc Liêu, ông là Phó tổng Kiểm toán Nhà nước.