Cảnh sát Hồng Kông thông báo đã triệt phá một đường dây đưa lậu hơn 200 người Việt Nam vào Hồng Kông làm việc trong 12 tháng qua.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có thể bị ngưng thi công vì 'tắc' vốn
- Cập nhật : 25/05/2017
Ngày 24/5, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, dù tiến độ thực hiện dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang diễn ra đúng tiến độ, nhưng dự án đang gặp khó khăn về vốn và nếu không được phân bổ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện toàn dự án.
Cụ thể, gói thầu 1a (xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) khối lượng thực hiện tổng thể đạt khoảng 5%; gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son) khối lượng thực hiện tổng thể đạt 45%.
Gói thầu 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương) khối lượng tổng thể đạt khoảng 67%.
Gói thầu 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) thực hiện đạt khoảng 12% khối lượng công việc hợp đồng; gói thầu 4 (hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty vận hành và bảo dưỡng) dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật cuối năm 2017.
Trong đó, với gói thầu 1b, nhà thầu đang triển khai thi công tại ga Nhà hát TP, ga Ba Son và hầm đào hở sau ga. Với ga Nhà hát TP đã hoàn thành sàn mái, sàn tầng B1, B2 và đang thi công sàn B3, B4 và lối lên xuống số 2; ga Ba Son đang đào đất và thi công tường vây, cọc chống chủ Kingpost và đang thi công sàn B2, B1 và sàn mái; hầm đào hở.
Riêng đối với phần hầm khoan đào TBM (đào ngầm) xuất phát từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP gồm 2 ống hầm đơn có chiều dài 781m, dự kiến sẽ được khởi công vào 26/5/2017.
Liên quan đến dự án nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1 đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết: Hiện nay, tư vấn của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã hoàn tất việc thực hiện nghiên cứu kéo dài dự án vào tháng 2/2017.
Theo đề xuất của tư vấn, từ ga cuối Suối Tiên của tuyến metro số 1, sẽ kéo dài về phía Bắc khoảng 2km để xây dựng Nhà ga nút giao. Sau đó, từ Nhà ga nút giao tách thành 2 nhánh để đi về tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, UBND TPHCM đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, tham mưu UBND TP trước khi UBND các tỉnh, thành phố (TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương) họp xem xét thống nhất hướng tuyến, địa điểm, quy mô thực hiện phần kéo dài, lộ trình, phương thức triển khai thực hiện.
Nguồn vốn bị tắc
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP HCM thông tin, trong nguồn vốn thực hiện tuyến metro số 1 có 2 phần, phần vốn vay ODA của Nhật Bản và phần vốn đối ứng của TPHCM.
Trong đó, phần vốn đối ứng của TP luôn luôn sẵn sàng; riêng phần vốn ODA do vào cuối năm 2015 và 2016, thực hiện theo kế hoạch ngân sách trung hạn và dài hạn nên phía Nhật Bản có sự chậm trễ trong việc phân bổ nguồn vốn; cũng như số vốn được phân bổ không thực hiện như trước đây là theo tiến độ thực hiện dự án.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, việc phân bổ vốn cần có kế hoạch rõ ràng, xác đáng. Chính vì vậy, hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các tỉnh, thành phố; trong đó có TP HCM báo cáo kế hoạch vốn hàng năm, cũng như kế hoạch vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khác nhau, đến nay việc phân bổ vốn trễ so với yêu cầu. Cụ thể, vốn năm 2017, đến ngày 28/4, Văn phòng Chính phủ mới có ý kiến chấp thuận theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phân bổ nguồn vốn; sau đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới phân bổ vốn cho TPHCM.
Như vậy, chậm mất 1 quý. Mặt khác, trong khi nhu cầu vốn tuyến metro số 1 năm 2017 là hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng vừa qua chỉ được phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, ngoài trả nợ 600 tỷ đồng ứng trước từ ngân sách để trả cho nhà thầu năm 2016, cộng với 1.400 tỷ đồng trả nợ những tháng đầu năm 2017, như vậy, số tiền được phân bổ về đã hết.
Ông Quang cho biết thêm, để giải quyết vấn đề nguồn vốn, ngay từ đầu, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP báo cáo UBND TP làm việc với các vụ của Bộ Kế hoạch - Đầu tư để chuẩn bị đề nghị sắp xếp vốn thực hiện cho các bước tiếp theo. Đến nay, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP và Ban Quản lý Công trình giao thông đô thị TP là những đơn vị có nhu cầu vốn ODA lớn đề xuất giải pháp để làm việc với các Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để chuẩn bị phân bổ vốn.
Cũng theo ông Quang, hiện tại, phía Nhật Bản đặt vấn đề tiến độ dự án rất nghiêm túc và gay gắt. Bởi vì, nguồn vốn họ chuẩn bị sẵn cho dự án, chương trình vay và có tiến độ giải ngân nhưng do đây là phía nội bộ Việt Nam nên cần phải giải quyết vấn đề này. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo sát sao vấn đề này, rất quyết liệt và có những động thái đưa ra các giải pháp nhưng đến nay tiến độ giải ngân dự án chưa được sự đồng thuận của các bộ có liên quan.
Ông Quang lo ngại, nếu vấn đề cấp vốn không được thực hiện nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án vì phía nhà thầu yêu cầu giãn tiến độ, ngưng công trình. Do đó, cần có sự quan tâm, giải quyết thấu đáo nguồn vốn cho dự án từ phía Trung ương.
Tiến độ các tuyến đường sắt đô thị khác của TP HCM:
Tuyến số 2, giai đoạn 1, Bến Thành – Tham Lương: tháng 2/2017, đã trình Chính phủ hồ sơ dự án điều chỉnh. Tổng mức đầu tư điều chỉnh (dự kiến): 2,152 tỷ USD.
Hiện nay,đang triển khai lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu CP0 và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu CP2, CP3, CP4, CP5, CP6, CP7. Công tác Giải phóng mặt bằngtheo tiến độ cam kết, Ủy ban nhân dân các quận dọc tuyến đã ban hành thông báo thu hồi đất và sẽ bắt đầu bàn giao mặt bằng từ tháng 7/2017.
Tuyến số 5, giai đoạn 1, Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn: đang trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Kết quả đánh giá Hồ sơ quan tâm và dự thảo Hồ sơ mời thầu gói thầu Tư vấn Thiết kế khung kỹ thuật (FEED) đã được trình nộp cho Ngân hàng ADB để có ý kiến không phản đối. Dự kiến sẽ phát hành hồ sơ mời thầu vào đầu tháng 6/2017.
Tuyến số 3a (Bến Thành – ga Tân Kiên): Đề xuất dự án đã được trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ ngày 16/12/2016. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các Bộ liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Dự kiến Ban Quản lý Đường sắt đô thị sẽ trình UBND Thành phố hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi để xem xét trước khi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong năm 2017.
Tuyến nhánh sân bay Tân Sơn Nhất (tuyến 4b-1): Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã xúc tiến đầu tư và có cam kết vốn từ Ngân hàng KEXIM Hàn Quốc (trong đó có 233,374 triệu USDtừnguồn ODA). Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến 4b-1 đã được Thủ tướng Chính phủchấp thuận vào ngày 12/5/2017.
Tuyến số 5, giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - Ngã tư Bảy Hiền): Dự án đã có cam kết vốn từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), trong đó có 297 triệu USD từ nguồn vốn ODA và 200 triệu USD từ nguồn tín dụng xuất khẩu (ECA); Hồ sơ Đề xuất chương trình dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét.
Theo NDH.vn