tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xây luật cho đặc khu kinh tế: Làm sao để đón 'phượng hoàng'?

  • Cập nhật : 28/08/2017

Khi bàn về xây dựng đặc khu kinh tế, một chuyên gia đã ví von, nếu chúng ta làm tổ cho chim sẻ thì sẽ không thể nào có phượng hoàng đến được...

mot goc van don, quang ninh.

Một góc Vân Đồn, Quảng Ninh.

 

Môi trường kinh doanh phải “đặc biệt thuận lợi”

Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có 6 Chương với 76 Điều và 5 Phụ lục, gồm các nội dung áp dụng chung và các nội dung áp dụng riêng đối với ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mới đây đã được đưa vào phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ.

Hôm 22/8, Thường trực Chính phủ cũng đã có cuộc họp riêng để thảo luận về dự án Luật này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chính sách phải thông thoáng hơn, ưu đãi hơn, vượt trội hơn. Nếu không thông thoáng, vượt trội, khác biệt, ưu thế hơn thì theo Thủ tướng, sẽ không có tác dụng.

Về phía cơ quan soạn thảo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để bảo đảm các chính sách ưu đãi về kinh tế-xã hội vượt trội so với các chính sách áp dụng đối với các mô hình khu kinh tế trong nước, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Theo đó, dự thảo Luật quy định cụ thể nội dung chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực như đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường, thương mại, mở cửa thị trường, lao động theo hướng đơn giản tối đa thủ tục và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Cụ thể các chính sách kinh tế-xã hội đối với đặc khu được phân thành 8 nhóm. Trong đó, nhóm đầu tiên là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, trước hết là thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo dự thảo trình Chính phủ hôm 22/8, dự án Luật chỉ giữ lại 100 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, giảm rất mạnh so với 243 ngành nghề so với Phụ lục 4 của Luật Đầu tư.

Cùng với đó, xây dựng thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi và bảo đảm chính quyền Đặc khu được phân cấp, phân quyền thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ hành chính “một cửa tại chỗ” như được áp dụng tại các đặc khu kinh tế của các nước Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, UAE.

Một điểm đáng lưu ý đó là quy định nhà đầu tư được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đầu tư, thương mại, dân sự có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc nơi cư trú tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 670.

Không nên quy định “cứng”

Trao đổi với BizLIVE ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện luật cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là rất cần thiết.

Theo ông Tuấn, việc có cạnh tranh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thể chế, chính sách. Việc sớm có một dự án luật chất lượng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của các đặc khu kinh tế.

Góp ý cho dự thảo luật này, ông Trần Anh Tuấn đề cập tới điều khoản tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh có thể lên 99 năm. Theo ông Tuấn, chính sách này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc ưu đãi này nhất thiết cần được quy định rõ, theo đó ngành nghề nào được ưu đãi với khung thời gian cụ thể như thế nào cần được công khai, rõ ràng.

“Không thể tất cả các dự án như nhau mà phải được căn cứ theo ngành nghề kinh doanh và tính toán thời gian chu kỳ hoàn vốn cho nhà đầu tư. Đối với những ngành nghề ưu tiên, thời gian hoàn vốn dài thì có thể xem xét khung tối đa. Còn đối với những dự hoàn vốn nhanh thì không cần thiết”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, thực tế những ngành nghề ưu đãi sẽ có những thay đổi nhất định trong từng giai đoạn. Vì vậy, nếu quy định danh mục và các điều kiện ưu đãi trong một thời gian quá dài là tự ràng buộc mình vào những cam kết vừa không cần thiết vừa không hiệu quả.

Do vậy, đối với quy định các ngành nghề ưu đãi thì không cần đưa ra quá chi tiết trong luật. Về cơ bản, Luật sẽ đưa ra các nguyên tắc về ngành nghề ưu đãi chẳng hạn như là những ngành nghề đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo môi trường… Còn việc quy định chi tiết, điều chỉnh cụ thể trong từng giai đoạn sẽ được đưa ra ở dạng văn bản dưới luật như nghị định, ông Tuấn đề xuất.

Cũng theo ông Tuấn, cơ chế chính sách là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển thành công của đặc khu song vấn đề ưu đãi thuế khoá, tài chính cũng không thể “coi nhẹ”. Bởi trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ có xu hướng quan tâm nhiều đến vấn đề chi phí, thuế.

“Làm sao để đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng phù hợp với những cam kết quốc tế của mình. Tôi cho rằng, việc xây dựng đặc khu, ưu tiên tạo động lực phát triển kinh tế là hướng đi rất đúng. Tuy nhiên, việc này có thành công hay không nhất thiết phải tạo ra được môi trường hấp dẫn, thể chế thông thoáng, một nền hành chính kiến tạo, phục vụ”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 25/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cũng đã đề nghị không nên quy định “cứng” cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm tại khu vực Vân Đồn mà giao Trưởng Đặc khu tự quyết thời hạn thuê đất. “Nếu không trao quyền cho Trưởng Đặc khu thì vẫn như anh Chủ tịch huyện thôi”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, Đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn đã chạy đà tương đối dài rồi mà các nhà đầu tư đang chờ và nếu phải chờ lâu hơn thì niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong các bộ, ngành và Quốc hội sớm thông qua Đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Có cả áp lực lẫn lợi thế của “người đi sau”

Bàn về việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng trong quá trình xây dựng Luật cho các “đặc khu” này thì vấn đề thể chế, chính sách cần được quan tâm hàng đầu.

“Thể chế ở đây được hiểu theo hai nghĩa: đó là quản trị hành chính công và hệ thống pháp luật. Không nhất thiết phải tìm ra những ý tưởng hoàn toàn mới, việc xây dựng luật này muốn nhanh, chất lượng thì nên học các nước tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đi sau nên chúng ta có cơ hội được tiếp cận những gì tốt nhất của thế giới. Nếu áp dụng tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể thành công”, ông Dũng nêu quan điểm.

“Chủ trương xây dựng các “đặc khu” kinh tế đã có từ rất lâu rồi. Hơn nữa, chúng ta lại đang trong giai đoạn cải cách, đổi mới. Do vậy, cần thúc đẩy nhanh hơn nữa để nếu thấy ổn thì tạo động lực phát triển cho cả nước và có thể nhân rộng mô hình này”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết đây là một quyết định chủ trương đúng đắn của Việt Nam.

“Chúng ta đã bàn lâu nhưng giờ mới chuẩn bị để lập, không phải sớm mà khá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, nếu làm tốt vẫn sẽ có khả năng cạnh tranh. Vấn đề quan trọng cần bàn chính là việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội, tạo được sự đột phá”, ông Lược nói.

Một trong những điều khoản mà ông Lược từng nêu ra là thể chế hành chính của các đặc khu phải dựa trên đề xuất của các nhà đầu tư chiến lược, Chính phủ xem xét điều chỉnh, quyết định.

“Muốn họ vào được thì phải có môi trường công khai minh bạch, môi trường làm ăn hiệu quả. Chứ đừng nặng tư tưởng chúng ta phải mới là người nghĩ ra chính sách, quy tắc. Phải có những thể chế, chính sách tương đồng với họ. Làm đặc khu, không thể xây tổ chim sẻ mà đón phượng hoàng được”, ông Lược nhận định.

Cũng theo ông Lược, chúng ta lập muộn nên sức ép cạnh tranh là rất cao. Nếu không đủ hấp dẫn thì khó canh tranh được. Việc học hỏi cũng phải dựa vào những điều kiện cụ thể của nước ta, nếu bắt chước rập khuôn sẽ thua.  

Đặc khu trên thế giới thì nhiều nhưng tỷ lệ thất bại cũng chiếm rất lớn. Đơn cử như Ấn Độ, đất nước có ít nhất 200 đặc khu kinh tế, đây cũng là nơi chứng kiến hàng loạt thất bại. 

Theo Economist, các nhà đầu tư đã rút khỏi 61 trong số 139 đặc khu kinh tế được phê duyệt tại bang Maharashtra vì quá trình ra chính sách bất định, quy trình kiểm tra mập mờ và quan ngại về triển vọng kinh tế.

“Tôi muốn nhấn mạnh, cơ chế chính sách không phù hợp, không ai đến, có đến họ cũng sẽ sớm rút. Địa điểm không phù hợp họ cũng sẽ không vào. Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài, nên phát huy thế mạnh này”, ông Lược nói.
 

N.MẠNH
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục