tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nỗi ám ảnh về tăng trưởng GDP: Làm sao để tìm lối thoát?

  • Cập nhật : 07/06/2017

Nếu mọi người khỏe mạnh thì không có tăng trưởng, nhưng nếu mọi người đổ bệnh thì sẽ có tăng trưởng, nhờ chi tiêu cho thuốc men và các bác sĩ.

Thường khi nói về tăng trưởng kinh tế, người ta hay dùng hình tượng chiếc bánh, với hàm ý rằng khi chiếc bánh trở nên to hơn thì ai cũng sẽ nhận được phần bánh nhiều hơn. Việc cho rằng chiếc bánh này có thể phình ra mãi mãi là một ý tưởng khá hấp dẫn, vì khi đó ai cũng được chia phần mà không cần phải tự giới hạn lại ham muốn của mình. Từ đó, người ta dễ chấp nhận tình trạng bất bình đẳng hơn, vì ai cũng đều hy vọng rằng tăng trưởng kinh tế rốt cuộc sẽ làm cho mọi người khấm khá hơn, dù ít hay nhiều.

Lorenzo Fioramonti, Giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Pretoria (Nam Phi), đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Wellbeing Economy: Success in a World Without Growth” (tạm dịch: "Nền kinh tế hạnh phúc: Thành công trong một thế giới không tăng trưởng"). Trong sách, giáo sư Fioramonti đã chỉ ra rằng, quy tắc đặt "tăng trưởng lên trên hết" đã thống trị thế giới kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Không có ý thức hệ nào mạnh mẽ bằng sự ám ảnh về việc phải đạt được tăng trưởng.

Nhưng chính xác thì tăng trưởng là gì? Đáng kỳ lạ là khái niệm này chưa bao giờ được định nghĩa một cách hợp lý.

Với phần đông mọi người, tăng trưởng nghĩa là khi tất cả tài sản của chúng ta tăng lên. Tăng trưởng xảy ra khi chúng ta tạo ra những giá trị chưa từng có: chẳng hạn như thông qua việc giáo dục trẻ em, cải thiện sức khỏe bản thân hay nấu nướng thức ăn. Một con người có trình độ học vấn, có sức khỏe và được nuôi dưỡng tốt hiển nhiên là một ví dụ điển hình của sự tăng trưởng.

nghien cuu tai anh cho thay du gdp dau nguoi tang manh (mau xanh) trong 70 nam qua nhung muc do hai long voi cuoc song (mau do) cua nguoi dan hau nhu khong doi. anh: researchgate.net

Nghiên cứu tại Anh cho thấy dù GDP đầu người tăng mạnh (màu xanh) trong 70 năm qua nhưng mức độ hài lòng với cuộc sống (màu đỏ) của người dân hầu như không đổi. Ảnh: researchgate.net

Nếu có hoạt động nào phát sinh chi phí cho cá nhân hay xã hội, chúng ta phải khấu trừ chúng vào giá trị đã tạo ra. Tính theo cách này, tăng trưởng bằng tất cả giá trị thu được trừ đi tất cả các chi phí. Giáo sư Fioramonti cho rằng đây là "cách tiếp cận logic".

Tuy nhiên, điều nghịch lý là mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay lại hoàn toàn đi ngược lại với cách hiểu của đa số mọi người.

Giá trị âm của tăng trưởng

Dưới đây là một số ví dụ. Nếu bạn bán thận để đổi lấy tiền mặt, nền kinh tế sẽ tăng trưởng. Nhưng nếu bạn giáo dục con trẻ, nấu bữa ăn cho cộng đồng, và cải thiện điều kiện thể chất cho người dân, thì tăng trưởng không được ghi nhận.

Nếu một đất nước chặt và bán đi tất cả cây cối, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Nhưng chẳng có tăng trưởng xảy ra nếu chúng ta cứ tiếp tục chăm bón chúng.

thiet hai suc khoe tu o nhiem hat pm2.5 co the lam tieu ton dang ke gdp. anh: new climate economy report

Thiệt hại sức khỏe từ ô nhiễm hạt PM2.5 có thể làm tiêu tốn đáng kể GDP. Ảnh: New Climate Economy Report

Nếu một quốc gia bảo tồn các không gian mở như công viên và các khu bảo tồn thiên nhiên vì lợi ích của tất cả mọi người, việc gia tăng phúc lợi và bảo tồn sinh thái sẽ khó mà được phản ánh vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu các không gian này được tư nhân hóa và thương mại hóa, từ đó bắt đầu thu phí vào cửa, thì nó lại đem tới sự tăng trưởng.

Việc bảo trì cơ sở hạ tầng, giữ cho chúng bền vững và miễn phí sẽ đóng góp rất ít vào tăng trưởng. Thay vào đó, phá đi các cơ sở này, xây lại và thu phí sử dụng sẽ làm cho nền kinh tế tăng trưởng. Tương tự, nếu mọi người khỏe mạnh thì không có tăng trưởng, nhưng nếu mọi người đổ bệnh thì sẽ có tăng trưởng, nhờ chi tiêu cho thuốc men và các bác sĩ. Một hệ thống y tế hiệu quả và phòng bệnh tốt thì thường không giúp gì cho tăng trưởng, nhưng một hệ thống y tế bất bình đẳng và kém hiệu quả như của nước Mỹ lại chiếm tới gần 20% GDP của nước này.

nghien cuu cua oecd cho thay trong giai doan 2007-2014, du nhieu nuoc co tang truong tot ve gdp dau nguoi (mau do), nhung ve muc do hai long voi cuoc song (mau xanh) cua nguoi dan thi lai gan nhu khong bien dong, tham chi co nhieu truong hop giam. anh: oecd

Nghiên cứu của OECD cho thấy trong giai đoạn 2007-2014, dù nhiều nước có tăng trưởng tốt về GDP đầu người (màu đỏ), nhưng về mức độ hài lòng với cuộc sống (màu xanh) của người dân thì lại gần như không biến động, thậm chí có nhiều trường hợp giảm. Ảnh: OECD

Chiến tranh, xung đột, tội phạm và tham nhũng là những người bạn của tăng trưởng: chúng thúc đẩy xã hội chi tiêu vào việc mua sắm vũ khí, lắp đặt hệ thống an ninh và làm tăng giá trị các hợp đồng của chính phủ.

Trận động đất tại Fukushima, cũng giống như sự cố tràn dầu Deepwater Horizon, đã thúc đẩy tăng trưởng: chúng đòi hỏi chi phí lớn để dọn dẹp đống đổ nát và xây dựng lại những thứ bị phá hủy.

Tăng trưởng biến mất

Đối mặt với bức tranh khắc nghiệt này, bạn có tự hỏi điều tốt lành nằm ở đâu? Thật ra, tin tốt nằm ở chỗ những dạng tăng trưởng kể trên đang biến mất, dù chúng ta có muốn hay không. Các nền kinh tế lớn đang "xì hơi". Ngay cả Trung Quốc, đầu tàu tăng trưởng toàn cầu, cũng đang chậm dần lại.

Và sức tiêu thụ đã gần đạt ngưỡng tối đa trong thế giới phát triển, khi ngày càng ít người mua hàng hóa và hàng tiêu dùng xuất đi từ những nước đang phát triển.

Năng lượng đang cạn kiệt, đặc biệt là nhiên liệu hoá thạch, và cho dù các nguồn năng lượng gây ô nhiễm có gần như vô tận, thì những thỏa thuận toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu cũng buộc chúng ta phải sớm loại bỏ chúng.

da tang truong gdp toan cau dang ngay cang cham dan lai. anh: the economist

Đà tăng trưởng GDP toàn cầu đang ngày càng chậm dần lại. Ảnh: The Economist

Việc hạn chế biến đổi khí hậu buộc ngành công nghiệp sản xuất phải thu hẹp lại, điều này lại hạn chế tăng trưởng hơn nữa. Có nghĩa là một mặt, tăng trưởng đang biến mất do sự suy giảm toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, mặt khác, tương lai của khí hậu (và cả nhân loại) khiến cho việc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng quay trở lại, ít nhất là đối với tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghiệp, trở nên khó chấp nhận về mặt chính trị và xã hội.

Cơ hội để thay đổi

Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) như Larry Summers cũng đồng ý rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn "trì trệ dài hạn" (secular stagnation), có thể sẽ là xu thế chính trong thế kỷ 21.

Đây là viễn cảnh thảm hại cho bộ máy kinh tế hiện nay, vốn được thiết kế theo hướng hoặc là phải tăng trưởng, hoặc phải chấp nhận lụi tàn. Nhưng đây cũng là cánh cửa mở ra sự thay đổi. Nếu trước đây họ vẫn coi tăng trưởng là cách đơn giản nhất để thành công, bây giờ là lúc giới lãnh đạo cần một tầm nhìn mới và một câu chuyện mới để làm quen với một tương lai bất định.

nen kinh te cang bat binh dang (hang ngang), muc do hanh phuc cua nguoi dan cang di xuong (cot doc). anh: harvard business review

Nền kinh tế càng bất bình đẳng (hàng ngang), mức độ hạnh phúc của người dân càng đi xuống (cột dọc). Ảnh: Harvard Business Review

Trong cuốn sách của Lorenzo Fioramonti, ông cho rằng khi nhìn ra những dại dột đằng sau việc chạy theo tăng trưởng, mọi người đang bắt đầu kiếm tìm những con đường mới. Đó là các hình thức kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của con người nhưng cân bằng với tự nhiên; quá trình sản xuất giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc vào hành vi tiêu dùng thụ động; các hệ thống xã hội địa phương kết nối lại cá nhân với cộng đồng và hệ sinh thái của họ, đồng thời cho phép họ tham gia vào mạng lưới tạo thay đổi tích cực toàn cầu.

Đây là điều mà Fioramonti gọi là "nền kinh tế hạnh phúc" (wellbeing economy). Trong một nền kinh tế như vậy, sự phát triển không đến từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân lực, mà là đến từ việc cải thiện chất lượng và hiệu quả của việc tương tác giữa người với người, cũng như giữa con người với hệ sinh thái, với sự hỗ trợ của công nghệ.

Cuộc sống có ý nghĩa

Quyển sách của Fioramonti kết luận rằng, một môi trường xã hội và tự nhiên lành mạnh sẽ góp phần làm cho cuộc sống đầy đủ và lâu dài. Chúng ta phát triển nhờ chất lượng và chiều sâu của mối quan hệ với bạn bè và gia đình, cũng như quan hệ với hệ sinh thái.

Nhưng tất nhiên, việc tìm kiếm hạnh phúc vẫn là lựa chọn cá nhân của mỗi người. Chỉ có bạn mới có thể quyết định được hạnh phúc của bạn là gì. Đó là lý do vì sao Fioramonti tin rằng một hệ thống kinh tế tốt là một hệ thống trao quyền lựa chọn ấy cho người dân. "Trái ngược với thần chú tăng trưởng, hiện là chuẩn mực cho sự phát triển khắp thế giới, tôi cho rằng một nền kinh tế có khát vọng hướng tới hạnh phúc cần phải được tạo ra bởi những người sống trong nền kinh tế ấy, phù hợp với giá trị và động cơ của họ", ông viết.

Trường Văn
Theonhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục