Khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, việc để mất cân đối thu chi, điều hành chi vượt dự toán là trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị dự toán, Chủ tịch UBND các cấp, bao gồm cả cấp xã.
Nikkei: Liệu Việt Nam có thể “quyến rũ” một nước Mỹ chỉ thích chơi một mình?
- Cập nhật : 22/06/2017
Chuyến thăm Mỹ gần đây của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên vì Thủ tướng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Tổng thống Donald Trump ở Washington kể từ khi ông nhậm chức.
Không chỉ chứng minh sự khôn ngoan của Việt Nam trong ngoại giao, chuyến thăm còn cho thấy nỗ lực chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế của đất nước quan trọng như thế nào đối với tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Vừa mới nhậm chức, tân Tổng thống nhanh chóng rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay từ trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tỏ rõ lập trường chủ nghĩa dân tộc với khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên” và tuyên bố không để các quốc gia khác lợi dụng. Tháng 3/2017, ông Trump đưa ra sắc lệnh mở một cuộc điều tra toàn diện 90 ngày về 16 nước "gian lận" thương mại. Mỹ chiếm 20% tổng xuất khẩu Việt Nam, chính quyền mới ở Washington có thể là một mối đe dọa tiềm ẩn nếu Mỹ quyết định thu mình trên trường quốc tế.
Mỹ nhập khẩu đồ may mặc, hàng điện tử và giày dép và có mức thâm hụt thương mại trị giá 32 tỷ USD với Việt Nam (mức thâm hụt cao thứ 6). Mặc dù cán cân thương mại không cân bằng, là một thị trường đang phát triển nhanh chóng với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam dần nổi lên như một điểm đến cho các mặt hàng xuất khẩu cao cấp của Mỹ như các nhà máy điện, nhôm, máy bay và bông.
Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng hơn 800% trong 10 năm lên hơn 10 tỷ USD. Chỉ trong chuyến thăm của Thủ tướng, hàng loạt hợp đồng với tổng trị giá 15 tỷ USD đã được các công ty 2 nước ký kết. Trước chuyến công du, Thứ trưởng và Bộ trưởng bộ Ngoại giao đã đến Washington để tạo nền tảng cho một tuyên bố chung với các đề xuất cụ thể về việc tiếp tục hợp tác nhưng khéo léo tránh nhắc đến vấn đề thương mại nhằm không “chọc giận” ông Trump.
Trong chuyến thăm này, Việt Nam nói rõ về mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế; muốn được xem như là một thị trường trung lưu năng động và hấp dẫn, đồng thời là một cơ sở cho sản xuất tay nghề thấp. Đáng nhớ nhất có lẽ là hình ảnh đôi giày Nike Thủ tướng đưa ra để làm ví dụ cho cán cân thương mại Việt – Mỹ. Nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ lợi 22 USD, còn 78 USD là phía Mỹ hưởng. Trên thực tế, vì nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng mức thuế và điều kiện đầu tư ưu đãi, phần đất nước thực sự được hưởng có thể thấp hơn 10 USD.
Quan trọng nhất là ông Trump hứa có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào năm 2017 và đồng ý tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11. Đây có thể là cơ hội tốt để Chính phủ phát triển ngoại giao kinh tế sáng tạo vì Tổng thống Mỹ có vẻ “chuộng” đối thoại song phương hơn đa phương.
Tự do hóa thương mại
TPP từng được coi là cánh cửa giúp Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với các nước thành viên đồng thời cân bằng sự tham gia của Trung Quốc trong khu vực. Nếu có quyền tiếp cận ưu tiên vào thị trường Mỹ, ngành sản xuất hàng may mặc và điện tử sẽ được đẩy mạnh. Các nhà phân tích xem Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi chính của TPP.
Vì vậy, quyết định rút khỏi TPP của Mỹ không chỉ là một nỗi thất vọng mà là một cú sốc lớn. Để chuẩn bị cho hiệp định này, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ, cho phép thành lập công đoàn độc lập, thắt chặt luật sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ và chính sách cạnh tranh, những quyết định rất ít quốc gia đang phát triển có thể chấp nhận.
Bất chấp thất bại của TPP, Chính phủ nhấn mạnh rằng những cải cách sẽ vẫn tiếp tục được tiến hành. Xuất khẩu chiếm 90% GDP của đất nước và kể cả khi Mỹ vắng mặt, TPP vẫn còn nhiều hứa hẹn, nhất là khi 11 nước còn lại vẫn quyết tâm đi tiếp bên lề sau lần gặp mặt bên lề hội nghị cấp bộ trưởng APEC tháng 5/2017 tại Hà Nội.
Dù chỉ là một nền kinh tế đang phát triển, thậm chí còn là nước có thu nhập thấp nhất trong số 11 nước thành viên, việc Việt Nam sẵn sàng chấp nhận các điều kiện khắc nghiệt của TPP được Nikkei đánh giá là “ấn tượng”.
Con đường phía trước
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chủ động hội nhập kinh tế để vượt qua mô hình "nền kinh tế xuất khẩu", dựa dẫm vào đầu tư ưu đãi nước ngoài và lao động tay nghề thấp, chỉ biết lọ mọ lắp ráp sản phẩm cho nước bạn.
TPP, với trọng tâm là các chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ là “vũ khí” thách thức như các doanh nghiệp nhà nước hoạt động ì ạch, đầu tư công chất lượng thấp và sự thiếu hụt gần như toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
Cũng chưa thể vội mừng vì bên cạnh thặng dư thương mại với Mỹ, đất nước chịu mức thâm hụt thương mại còn lớn hơn với Trung Quốc vì phụ thuộc vào đầu vào, vốn và thậm chí cả dây chuyền sản xuất. Với TPP, các ngành công nghiệp thượng nguồn sẽ chuyển sang Việt Nam, vì quy tắc xuất xứ của hiệp định sẽ làm tăng đáng kể tính cạnh tranh trong nội bộ TPP đối với các nguyên liệu đầu vào trong khối.
Nhưng có lẽ, cái lợi lớn nhất từ TPP không phải là trong kinh tế, mà là việc thay đổi thái độ của bộ máy Nhà nước. Chúng ta cần phải cởi mở và chấp nhận luật chơi chung, dù biết là khắc nghiệt. Chuyến đi của Thủ tướng tới Washington vạch ra một con đường cho tiến bộ song phương với Mỹ, thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Cuộc họp của hội đồng diễn ra hồi đầu năm là lần gặp đầu tiên của 2 bên kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn rất thực tế, chấp nhận vị trí khiêm tốn trong danh sách các ưu tiên thương mại của Mỹ, bao gồm cả việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA hay các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu EU và Anh.
Là một nước nhỏ, “ngoại giao sáng tạo” là cách tốt nhất để Việt Nam phát triển nền kinh tế trong một thế giới thay đổi như hiện nay.
Trang Hồ
Theo NDH.VN