Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến những thứ từng là không thể, thành có thể, phá vỡ mọi giới hạn của sức sáng tạo. Đây cũng là thời điểm vàng để nền kinh tế Việt Nam có thể ký tên vào thị trường thế giới.
Chuyên gia Fulbright Nguyễn Xuân Thành: Nợ xấu là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống
- Cập nhật : 28/06/2017
"Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Sức ép tăng trưởng và nguy cơ tụt hậu
Trong nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng hiện nay chúng ta đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế.
Với mức tăng trưởng 5,1% trong quý I/2017, ông Thành cho rằng đây là kết quả gây ngạc nhiên. Bởi trước đó kỳ vọng chung vào thời điểm cuối 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào 2017.
"Như vậy, Chính phủ đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước", ông Thành nhận định.
Theo ông Thành, cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%.
"Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể", ông Thành nói.
Trong khi đó, kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7%, trong khi năm 2016 không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.
Do vậy, ông Thành cho rằng về dài hạn, mắc bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu là có thực. Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra nếu tăng trưởng bình quân đạt dưới 6% thì Việt Nam 20 năm nữa vẫn thua nhiều nền kinh tế châu Á ngày hôm nay.
"Biết rằng chỉ số GDP dùng làm thước đo phát triển kinh tế có khiếm khuyết nhưng vẫn phải tăng GDP ở mức cao. Và trong khi chưa có một thước đo tốt hơn thì chỉ số GDP vẫn phải được dùng. Vấn đề quan trọng là cách làm để đạt tăng trưởng GDP nhanh và hiệu quả", ông Thành nói.
Vậy tại sao chúng ta lại có một kết quả tăng trưởng không khả quan như kỳ vọng? Để trả câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành đã phân tích từ 3 góc độ cơ cấu: cơ cấu từ phía tổng cung (sản xuất); cơ cấu từ phía tổng cầu; và cơ cấu từ vấn đề chính sách tái cấu trúc kinh tế.
Trước hết, theo ông Thành, nhìn từ phía sản xuất thì câu trả lời là suy giảm công nghiệp khai thác (âm 10%) và tăng trưởng chậm hơn trong công nghiệp chế biến - chế tạo và xây dựng.
Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam giảm mạnh nhưng vì giá dầu thế giới tăng nên giá trị tính bằng tiền của xuất khẩu dầu thô mới tăng 27%.
"Vậy, nếu chỉ xét về mặt kỹ thuật, chúng ta sẽ nói rằng tăng trưởng chậm lại chủ yếu vì công nghiệp khai thác giảm mạnh. Nếu chỉ vậy thì giải pháp ngắn hạn và mang tính hành chính là Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khi tăng mạnh khai thác dầu thô trong những tháng còn lại của năm 2017", ông Thành cho biết.
Nhưng điều đáng nói, theo ông Thành, đó là ở vấn đề là về giá trị tuyệt đối, thì trữ lượng dầu thô hiện này có cho phép tăng liên tục không hàng quý và hàng năm được không. Đẩy mạnh khai thác quý/năm này lên thì cũng là đặt một cột mốc cao mới, để buộc quý/năm sau phải có một con sốt tuyệt đối về sản lượng cao hơn.
Tăng trưởng suy giảm không phải do sức mua và sức cầu đầu tư yếu
Trong khi đó, từ phía tổng cầu lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Cụ thể, theo ông Thành, tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng mạnh và có mức đóng góp lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nói cách khác, sự suy giảm tăng trưởng này cũng không phải do sức mua hay sức đầu tư của nền kinh tế yếu đi. Dân vẫn tăng tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn tăng đầu tư và còn mạnh hơn cùng kỳ năm trước", ông Thành nói.
Do vậy, theo ông Thành, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là cho dù sức cầu của nền kinh tế có tăng mạnh mà các rào cản tăng trưởng vẫn tồn tại thì cũng không đóng góp được bao nhiêu cho phát triển kinh tế.
"Tóm lại, nhìn từ phía tổng cầu, có hai điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, tăng trưởng suy giảm không phải do sức mua và sức cầu đầu tư yếu. Thứ hai, nhu cầu gia tăng đầu tư và tiêu dùng chỉ được đáp ứng một phần từ sản xuất trong nước cùng với một phần đáng kể từ nhập khẩu", ông Thành cho biết.
Rào cản thể chế?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đặt vấn đề: Yếu tố thứ ba, có phải là do rào cản thể chế hay không?
"Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra thông điệp khá mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tức là về thông điệp về cải cách thể chế khá tích cực. Rào cản thể chế thường có tác động lên tăng trưởng về mặt dài hạn. Nói cách khác, rào cản thể chế không giải thích được cho tăng trưởng quý 1/2017 thấp đi", ông Thành nhận định.
Như vậy, theo ông Thành, lý do cuối cùng có thể nằm ở vấn đề cơ cấu: ngân hàng, đầu tư công – nợ công và doanh nghiệp nhà nước.
Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống, ông Thành nhận định.
Theo phân tích của ông Thành, Việt Nam đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực, nhưng tín dụng tăng không thúc đẩy nhanh được tăng trưởng kinh tế. Đó là vì các ngân hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận cao thì phải đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng; còn muốn an toàn thì đầu tư trái phiếu chính phủ hay cho vay một số lượng nhỏ các doanh nghiệp lớn có uy tín và tài sản đảm bảo. Nợ xấu và lãi dự thu cao đòi hỏi một phần đáng kể của gia tăng tín dụng thực ra là cho vay mới để trả lãi và nợ cũ.
Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đói tín dụng mặc dù tín cho cả nền kinh tế tăng 18,25% trong năm 2016 và 5,76% trong 4 tháng đầu năm 2017 (cao nhất trong 8 năm qua và tương đương 20,2% so với cùng kỳ).
Do vậy, ông Thành cho rằng lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu phải là ưu tiên chính sách hàng đầu.
Cũng theo vị này, nền kinh tế vẫn cần đầu tư công không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Nhưng đầu tư công toàn phải đi vay nợ mà nợ công đã đạt trần 65% GDP. Trong giai đoạn trước, đầu tư công là ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, nhưng vì kém hiệu quả, nên tài sản chất lược tạo ra từ đầu tư không được là bao.
Vì thế, để có tăng trưởng trong giai đoạn này vẫn phải đầu tư nhưng nguồn lực đã cạn kiệt. Để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong DNNN, ông Thành nêu quan điểm.
N.MẠNH
Theo Bizlive.vn