Tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2018 là 363.284 tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 206.150 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc là 157.134 tỷ đồng...
Đằng sau con số tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017
- Cập nhật : 22/12/2017
Để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, dài hạn, Việt Nam cần dựa vào tăng năng suất và đằng sau đó là sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động...
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đưa ra một số nhận định về con số tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 và dự đoán tình hình kinh tế năm 2018 trong buổi giao lưu trực tuyến "Tăng trưởng ngoạn mục năm 2017, điều kỳ diệu sẽ tiếp tục trong năm 2018?” do báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức.
Ba vấn đề trong nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng
Nói về mức tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm và dự kiến đạt 6,7% cả năm, TS. Võ Trí Thành cho rằng đây Việt Nam là nước đang phát triển, cần tăng trưởng cao để bắt kịp với các nước có trình độ cao hơn. Tuy nhiên, việc tăng trưởng phải gắn với tăng chất lượng, năng suất, đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng quản trị lao động.
Ở một góc độ nào đó, nếu muốn đạt được con số tăng trưởng cao hơn, TS. Thành cho rằng cần thay đổi cách điều hành. "Chúng ta đã đặt ra được vấn đề cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần nhất quán tập trung vào các vấn đề này".
Một vấn đề khác là GDP tăng 6,7% nhưng tín dụng chưa cần đạt đến mức tăng 20 – 21%, giải ngân đầu tư công chậm, ông Võ Trí Thành cho rằng năng suất lao động đã tăng, nguồn vốn tăng, được quyết định hầu hết bởi đầu tư nước ngoài và một phần nhỏ khác đến từ khu vực tư nhân. Nghĩa là khi chính sách được cải cách, niềm tin đã trở lại thì nguồn lực đã sẵn sàng bỏ ra để góp vào tăng trưởng. Do đó, câu chuyện xuyên suốt vẫn là chính sách điều hành và cải cách của Chính phủ.
2017 cũng là năm đầu tiên Chính phủ có khả năng hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế Quốc hội giao, ông Thành đánh giá Chính phủ đã kiên định với mục tiêu ổn định mục tiêu kinh tế vĩ mô cùng với sự uyển chuyển trong điều hành. Nhiều điểm trừ trước đó đã được cải thiện. Nhưng ông Thành mong muốn Chính phủ có sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ tiêu được đặt ra một cách hợp lý, cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn cũng như tính toán các kịch bản khác nhau để có ứng phó tốt, để thích ứng cho trung hạn và dài hạn.
TS. Thành nhấn mạnh đừng chỉ cứ chăm chăm nhìn vào các chỉ tiêu. Để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, dài hạn (tăng trưởng bền vững), tăng trưởng ấy phải dựa vào tăng năng suất và đằng sau là sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động...
Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017, về cơ bản Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các lợi thế vốn có như chi phí lao động còn tương đối thấp và những lợi thế so sánh khác. Điều này phản ánh rất rõ qua động lực tăng trưởng chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu, sự phục hồi lại của nông nghiệp cũng như một số lĩnh vực ngành dịch vụ như du lịch, phân phối bán lẻ.
TS. Thành đặt ra 3 vấn đề trong việc nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng. Thứ nhất, có cái gì của nền kinh tế không? Tăng trưởng xuất khẩu của Samsung vẫn mạnh nhưng tăng vọt, Formosa quay lại sản xuất... không phải kinh doanh như bình thường. Thứ hai, tăng trưởng này có liên quan đến chu kỳ thế giới và Việt Nam, sau 10 năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tích cực hơn. Thứ ba là vấn đề điều hành, mặt được là nỗ lực quyết tâm hành động của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhưng cách điều hành vẫn mang tính mệnh lệnh, chỉ huy.
Chỉ tiêu kinh tế 2018 có sự thận trọng
Nói về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, TS. Thành cho biết sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ.
Năm 2017, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này năm 2018 cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ... Các ngành ngày này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá mạnh mẽ, tăng mạnh như năm 2017 là không cao.
Chính vì thế, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 – 6,7% (thấp và tương đương năm 2017) có thể thấy sự thận trọng nhất định. TS. Thành cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này.
Về rủi ro, ông Thành nói vấn đề lớn nhất đến từ bên ngoài, như vấn đề địa chính trị. Ở góc độ nội tại, ông Thành nói phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế bên cạnh việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên.
Đánh giá sẽ có nhiều lĩnh vực hấp dẫn theo xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0, ông Thành quan điểm lực lượng dẫn dắt thị trường sẽ đến từ khởi nghiệp sáng tạo dẫn đến đột phá khó có thể đoán định. Các ngành dẫn dắt truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu; dịch vụ, bất động sản... dù có thể phát triển nhưng khó có được đột phá như năm 2017. Liên quan đến câu chuyện chứng khoán, việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống Basel 2 cũng khiến cho một số định chế ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn.
Anh Thư
Theo Ndh.vn