Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới bình quân sẽ ở mức 6,5-7%/năm; kiểm soát lạm phát trong khoảng 5-7%/năm và bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 cũng giảm còn 4,8% GDP.
Nhân dân tệ mạnh lên, Việt Nam lợi nhiều hơn thiệt?
- Cập nhật : 06/12/2015
(Kinh te)
Nợ của Việt Nam bằng nhân dân tệ (NDT) đã tăng lên trong những năm gần đây và NDT mạnh lên sẽ làm cho gánh nặng nợ nần gia tăng, tuy nhiên, tác động chủ yếu vẫn là lĩnh vực thương mại và ở góc độ này thì Việt Nam lại được hưởng lợi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/11/2015 đã hoàn thành việc rà soát thường kỳ 5 năm một lần đối với rổ tiền tệ tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Theo đó, IMF đã quyết định, đồng Nhân dân tệ (NDT) đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn hiện hành và, từ ngày 1/10/2016, NDT được xác định là một đồng tiền được sử dụng tự do và sẽ được đưa vào giỏ SDR như một đồng tiền thứ năm, cùng với đồng USD, đồng Euro, Yen Nhật và Bảng Anh.
Tại báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho biết, các trọng số tương ứng của các loại tiền tệ SDR khi đó sẽ là: 41,73% đối với đồng USD; 30,93% cho Euro; 10,92% cho đồng NDT của Trung Quốc; 8,33% đối với đồng Yên Nhật Bản; và 8,09% đối với Bảng Anh.
Theo tờ Financial Times, vào năm 2015, NDT vượt qua đồng Yên Nhật để trở thành đồng tiền thanh toán được sử dụng nhiều thứ 4 trên thế giới. Việc được đưa vào giỏ SDR chắc chắn sẽ làm tăng việc sử dụng NDT trong thương mại toàn cầu. Nguồn nhu cầu gia tăng này cũng sẽ giúp hỗ trợ cho giá trị của NDT.
Báo cáo của VPBS đánh giá rằng, đồng NDT mạnh hơn và được sử dụng rộng rãi hơn sẽ có nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam.
Theo đó, nợ của Việt Nam bằng NDT đã tăng lên trong những năm gần đây và NDT mạnh sẽ làm cho gánh nặng nợ nần gia tăng.
Nhưng những tác động chính, theo VPBS, sẽ là trong lĩnh vực thương mại. Hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu trên một số lĩnh vực, đặc biệt là thiết bị điện tử, hàng may mặc và các sản phẩm nông nghiệp.
Khi Trung Quốc phá giá NDT tháng 8 vừa rồi, Việt Nam cũng buộc phải phá giá tiền đồng. Vì vậy, khi NDT mạnh lên tất yếu sẽ giúp Việt Nam duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu mà không cần phải phá giá tiền đồng.
Về thương mại trực tiếp, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc trong những năm gần đây. Do đó, một NDT mạnh hơn dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong thương mại với Trung Quốc.
VPBS cũng cho rằng, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong giỏ SDR. Mặc dù hiện nay Việt Nam không có khoản nợ nào bằng SDR, tuy vậy trong tương lai nợ nước ngoài của Việt Nam bằng đồng SDR sẽ thay đổi khi đồng NDT được chính thức đưa vào.
Lãi suất các khoản vay bằng đồng SDR cũng sẽ thay đổi khi NDT được chính thức bao gồm trong giỏ SDR. Do lãi suất ở Trung Quốc hiện đang cao hơn lãi suất các đồng tiền khác trong SDR, khi NDT được đưa vào SDR, nhiều khả năng lãi suất SDR sẽ tăng lên – nhóm phân tích dự báo.