tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá dầu xuống 30 USD/thùng: Nói "cú sốc" với nền kinh tế Việt Nam là hơi nặng nề

  • Cập nhật : 16/12/2015

(Kinh te)

Sự phụ thuộc vào giá dầu của nền kinh tế đã giảm đi rất nhiều. Trong năm 2015, giá dầu đã giảm mạnh từ 100 USD xuống 50-60 USD/thùng nhưng nền kinh tế vẫn phát triển được. Do đó, theo chuyên gia kinh tế, có giảm thêm 10-20 USD nữa, vẫn xử lý được

3 kịch bản với kinh tế Việt Nam khi giá dầu xuống 30 USD/thùng

Sau quyết định không cắt giảm sản lượng tại phiên họp thường niên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra hôm 4/12, giá dầu trên thế giới liên tục lao dốc, rơi xuống dưới mốc 35 USD/thùng, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Riêng từ đầu tháng 12, giá dầu đã để mất 14%.

Tuy nhiên, giới phân tích trên thế giới vẫn cho rằng, với tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường, đây vẫn chưa phải là đáy của giá dầu. Trong kịch bản xấu, giá dầu có thể sẽ rơi xuống khoảng 20 - 25 USD/thùng. Nhiều tháng nay, Goldman Sachs cũng đã cảnh báo giá có thể rơi xuống mức 20 USD/thùng.

Việc giá dầu sụt giảm được đánh giá là sẽ có tác động đáng kể tới các nước xuất khẩu dầu thô như Nga, Venezuala, thậm chí cả Việt Nam…

Báo cáo do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, việc giá dầu giảm có tác tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế do khiến thu ngân sách giảm và tác động giảm chi tiêu Chính phủ. Cơ quan dự báo cũng đưa ra 3 kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế khi giá dầu lần lượt giảm xuống 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng.

Với kịch bản giá dầu xuống 50 USD/thùng sẽ khiến GDP giảm 0,42% trong năm tới, lạm phát giảm 1,11%. Nếu giá dầu giảm xuống còn 40 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế năm 2016 giảm 0,85%, lạm phát âm 2,52%. Và trong trường hợp giá dầu xuống 30 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế sụt giảm tới 1,36%, lạm phát âm gần 4%.

Dùng từ “cú sốc” là hơi nặng

Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, nhìn chung mỗi đối tượng sẽ chịu tác động khác nhau khi giá dầu giảm. Trong đó, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do chi phí đầu vào trong ngắn hạn giảm và người dân được lợi khi giá xăng dầu giảm nhưng thu ngân sách thì sẽ bị sụt giảm mạnh.

"Tất nhiên, nói chung có tác động, còn nói là cú sốc thì hơi nặng nề. Cá nhân tôi cho rằng nền kinh tế sẽ không có cú sốc trừ câu chuyện thu ngân sách giảm và kết quả làm ăn của các doanh nghiệp dầu khí bị ảnh hưởng", vị chuyên gia nhìn nhận.

TS Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, đây là thời kỳ mà phụ thuộc của nền kinh tế vào giá dầu đã giảm đi rất nhiều và trên thực tế, giá dầu đã giảm mạnh trong năm 2015 từ 100 USD xuống 50-60 USD/thùng nhưng nền kinh tế vẫn phát triển được. Do đó, có giảm thêm 10-20 USD nữa, vẫn xử lý được thôi. Thêm vào đó, trong trường hợp diễn biến tốt, doanh nghiệp làm ăn khấm khá sẽ bù đắp cho thu ngân sách và tác động tích cực tới nền kinh tế.

"Nói chung nền kinh tế về cơ bản sẽ hưởng lợi. Giá dầu giảm không hoàn toàn là mất hết, do Việt Nam cũng nhập khẩu xăng lớn", ông nói thêm.

Trên một góc độ khác, NCIF cũng cho rằng, việc giá dầu giảm sẽ tạo nên cú sốc với nền kinh tế trong nước, khiến GDP giảm mạnh vào năm 2016 song tốc độ giảm sẽ giảm dần vào các năm sau đó do các nền kinh tế đối tác của Việt Nam được cải thiện.

Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng có tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, khi kích thích khu vực doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển do chi phí đầu vào giảm khi giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng. Do đó, NCIF cho rằng Chính phủ cần điều tiết giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng để tận dụng cơ hội này, tập trung vào việc kiểm soát giá xăng dầu và giá cước vận tải.

Đồng thời, Chính phủ cần cải tổ hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động của giá dầu thế giới giảm sâu và ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, cần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng và phát triển mạnh, từ đó giúp cho ngân sách và nền kinh tế được cải thiện và tăng trưởng bền vững.

(Theo Dân Trí)

Trở về

Bài cùng chuyên mục