Hôm qua, trong khi các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) thì ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều chuyên gia kinh tế ngồi lại bàn về những dư địa chính sách thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Chủ đề này có thể nói rằng đã rất cũ, nhưng thật tiếc là nó vẫn mang nguyên tính thời sự.
Đặc khu kinh tế: Kỳ vọng và thực tế
- Cập nhật : 21/09/2017
Hầu hết các đặc khu kinh tế sẽ phải mất hơn một thập niên trước khi được coi là thành công.
Hầu hết các đặc khu kinh tế sẽ phải mất hơn một thập niên trước khi được coi là thành công.Nguồn ảnh: biendaovandon.com
Dù vô tình hay cố ý, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã chọn được thời điểm vàng để trình làng. Những lo ngại về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 vẫn còn đó, dư địa nguồn lực tự nhiên và xã hội để tạo ra GDP trực tiếp và thu hút nguồn lực nước ngoài đang ngày càng bị thu hẹp... Cần một động lực kích hoạt mạnh mẽ nền kinh tế và dường như theo tính toán của nhiều nhà quản lý, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ làm nên điều kỳ diệu.
Sẽ có một sự bứt phá nếu từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế nói trên đóng góp tăng GDP địa phương hàng tỉ USD mỗi năm. Tiếp đó, từ năm 2030, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở các đặc khu này sẽ đạt từ 12.000-13.000 USD/người/năm. Bức tranh sẽ nhiều màu hồng hơn nữa khi những góp ý về việc cải thiện thể chế chính sách, hình thành một khu vực kinh doanh thông thoáng của một nền kinh tế thị trường thực sự như khuyến nghị của nhiều chuyên gia, thể chế chính sách quan trọng hơn ưu đãi.
Liệu các đặc khu kinh tế có là động lực để hình thành một nền kinh tế có nội lực bước vào cuộc chơi sòng phẳng với thế giới? Nhìn vào những điều khoản trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dư luận có thể chia sẻ được với những băn khoăn này. Điều 4 của Dự thảo Luật quy định các ngành nghề được nhận chính sách đặc thù, phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế so sánh của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm 3 nhóm ngành lớn du lịch, tài chính và công nghệ cao.
Trước hết, phải nói rằng, dù có thành lập đặc khu hay không, do đặc thù về mặt tự nhiên, nhóm ngành du lịch vẫn là ưu tiên số một, đồng thời là điểm nhấn thu hút đầu tư của Vân Đồn và Phú Quốc. Nói như ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), khi trao đổi với NCĐT, nếu 2 khu vực này được áp dụng các hình thức vui chơi giải trí như casino, mở rộng tối đa các phương thức thanh toán cùng ưu đãi thuế vượt thông lệ thế giới cho nguồn thu từ đánh bạc..., lượng khách du lịch có thể tăng gấp 3-4 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải tìm ra một vị đặc khu trưởng có tài quản trị, để tránh phát sinh biến tướng, nhếch nhác làm xấu hình ảnh của khu du lịch, không níu chân được du khách.
Lập tức, người ta đặt ra câu hỏi, nếu chỉ có yếu tố thứ 2, một vị lãnh đạo có tầm, liệu Phú Quốc và Vân Đồn có thể vươn vai? Từ một làng chài và một thành phố bị tàn phá sau chiến tranh, Đà Nẵng đã viết nên một câu chuyện đáng khâm phục trong phát triển du lịch. Thành công của thành phố miền Trung này hoàn toàn có thể lặp lại ở Vân Đồn hay Phú Quốc, những nơi chỉ cần một cú hích về chính sách. Tại sao chỉ cần dây cương mà phải tặng một con ngựa, trong khi cảnh báo về những nhóm lợi ích tận dụng mảnh đất màu mỡ đặc khu kinh tế không phải là điều lạ lẫm.
Về nhóm ngành công nghệ cao, dễ thấy, đối với những đặc khu có diện tích tự nhiên chỉ xấp xỉ 600km2, lại ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái như Phú Quốc và Vân Đồn, khó có thể hình dung dư địa để hình thành những khu công nghiệp công nghệ. Kịch bản khả thi nhất là các tập đoàn công nghệ cao đặt trụ sở ở 2 khu vực này, để lĩnh nhận những ưu đãi vượt trội về thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, quyền sử dụng đất, quyền thanh toán linh hoạt và được bảo hộ bằng luật pháp quốc tế (vốn bị chi phối rất nhiều bởi những cường quốc, nơi xuất sinh các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới).
Mục tiêu của đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong hơi khác một chút. Đó là các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; thương mại, tài chính. Người ta có thể thấy ở đây hơi hướng muốn phát triển ngành logistics ở khu vực có cảng nước sâu thuộc loại tốt nhất trên thế giới. Không hiểu vì lý do gì, điều này đã không được nêu ra một cách rõ ràng trong dự thảo Luật.
Cũng cần phải bổ sung, dù logistics là ngành rất có tiềm năng ở Việt Nam hiện nay khi kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 vào khoảng trên 300 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu chủ thể tham gia phát triển lĩnh vực này ở Bắc Vân Phong lại là các tập đoàn nước ngoài, người Việt sẽ không được hưởng lợi nhiều, thậm chí còn đối diện nguy cơ phụ thuộc.
Nhận diện ngành tài chính như một ngành, nghề phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế so sánh của đặc khu kinh tế chắc hẳn để dành cho một tương lai rất xa. Khi đã có Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore với nền tảng vững chắc về hạ tầng công nghệ và nhân lực, Việt Nam khó trở thành lựa chọn thay thế.
Như vậy sẽ đúng với nhận định vị Phó Chủ tịch VAFI, Nguyễn Hoàng Hải khi chia sẻ với NCĐT: ‘’Những đặc khu như Phú Quốc hay Vân Đồn nếu gia tăng được lượng khách du lịch là đã tốt rồi. Đừng nghĩ được như Singapore’’.
Bàn về vấn đề này với NCĐT, Tiến sĩ Bùi Trinh lại gợi ý một cách tiếp cận căn cơ hơn. Theo vị chuyên gia, một trong những phương pháp được nhiều nước áp dụng khi quyết định chủ trương thành lập đặc khu kinh tế đó là phân tích ảnh hưởng liên vùng, để xem vùng nào có lợi thế về cái gì; ngành kinh tế nào có độ lan tỏa đến bản thân vùng đó và các vùng khác của đất nước ra sao; mức độ ảnh hưởng của vùng đó đến nền kinh tế chung thế nào; ảnh hưởng về môi trường đến nội vùng và ngoài vùng tới đâu... Trong trường hợp của Việt Nam, nghiên cứu tiền khả thi chưa được các nhà hoạch định chính sách thực hiện.
‘’Tại sao chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc? Tại sao lại chọn nhóm ngành này mà không chọn nhóm ngành kia? Tại sao lại mặc định những nhóm ngành lựa chọn có sức lan tỏa tới nền kinh tế trong nước? Nếu chú trọng vào du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, đánh bạc thì sẽ lan tỏa kiểu gì?’’, vị chuyên gia đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Một điều đáng lo ngại khác, theo ông Bùi Trinh là, theo dự thảo Luật đang trình ra, cơ hội tham gia vào các đặc khu kinh tế nói trên chỉ thuộc về những vị đại gia siêu giàu Việt Nam và thế giới bởi quy mô đầu tư tối thiểu được quy định cho các lĩnh vực được ưu tiên phát triển là 6.000 tỉ đồng. Nói cách khác, ưu đãi vô tiền khoáng hậu chỉ dành cho người giàu.
Tất nhiên, cần phải ghi nhận những chuyển đổi tích cực trong cải cách thể chế kinh tế, tạo cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bứt phá trong chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Chỉ có điều, làm đặc khu kinh tế không thể vội được. Theo hãng tư vấn chiến lược McKinsey cho thấy, thất bại của các khu kinh tế là điều thường gặp, khi có 50% các khu kinh tế hoạt động kém hiệu quả so với mặt bằng nền kinh tế chung của quốc gia. Hầu hết các đặc khu kinh tế sẽ phải mất hơn một thập niên trước khi được coi là thành công.
Hoàng Hạnh
Theo nhipcaudautu.vn