tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế vĩ mô nhìn từ 'đỉnh tăng trưởng' 2017

  • Cập nhật : 18/10/2017

Nhiều tín hiệu cho thấy, năm 2017 là năm đạt đỉnh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Vấn đề là nền kinh tế đã phát triển vững chắc hay chưa, xét từ những con số trên đỉnh tăng trưởng 2017.

Một cuộc bứt phá

Từ mức tăng trưởng kinh tế quí 1-2017 gặp một số khó khăn với tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,15%, công nghiệp khai khoáng sụt giảm sâu, vốn tín dụng, đầu tư nhích chậm… các nhà kinh tế tính toán rằng, để cán đích mục tiêu tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, mỗi quí GDP đều phải đạt mức trên 7%. Đây được cho là một mục tiêu cực kỳ khó khăn, vì tất cả các yếu tố tác động đến tăng trưởng đều đã chạm ngưỡng, trong khi các biện pháp thúc đẩu tăng trưởng đều có độ trễ.

Tuy nhiên, sau cuộc bứt phá mạnh mẽ từ quí 2 (tăng 6,28%), con số tăng trưởng quí 3 được Chính phủ công bố là 7,46% (9 tháng đầu năm ước tăng 6,41%) khiến cho mục tiêu cả năm sát lại gần hơn nếu GDP quí cuối năm vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng như quí 3.

Đóng góp mạnh nhất vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của GDP những quí vừa qua là nhờ tổng vốn đầu tư phát triển cả năm 2017, theo công bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-10, tăng ước tới 33,4% GDP, cao hơn kế hoạch và cao hơn 12,6% so với năm 2016.

Tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài ước thực hiện cả năm 2017 (bao gồm cả vốn FDI) đạt khoảng 28 tỉ đô la Mỹ (tăng 4,5 lần so với năm 2016 và vượt 12% so với mục tiêu năm 2017). Trong số này, vốn cấp mới và tăng thêm khoảng 23,2 tỉ đô la, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 17 tỉ đô la. Một lượng vốn lớn đổ vào, nhất là dự án của Samsung Display đầu tư thêm bắt đầu xuất khẩu làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng nhanh, dự kiến sẽ đạt 7% đến 8,1% trong năm nay.

Xuất khẩu cũng dự kiến sẽ tăng gấp đôi kế hoạch với mức 154 tỉ đô la trong 9 tháng và ước thực hiện cả năm khoảng 202 tỉ đô la (tăng gấp 14,4%). Mức tăng đột biến này nhờ nhóm hàng công nghệp chế biến đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn. Nhất là xuất khẩu của khu vực FDI – chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, bứt phá mạnh hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Tóm lại, nhờ vào tổng vốn đầu tư tăng mạnh, vốn FDI rót vào nhiều và kim ngạch xuất khẩu vượt trội, tăng trưởng của nền kinh tế năm 2017 đã thực sự đạt đỉnh, nhất là trong bối cảnh công nghiệp khai khoáng giảm (trừ dầu thô tăng khai thác thêm 1 triệu tấn). Nó kéo theo tổng thu cân đối ngân sách năm nay sẽ vượt thu 10,1% so với năm trước và tăng 2,3% so với dự toán, bội chi ngân sách như kế hoạch.

Dư địa còn lại

Với tình hình kinh tế khả quan, cán cân vĩ mô cơ bản ổn định, sẽ có nhiều người nghĩ rằng các kế hoạch năm 2018 sẽ dễ dàng hoạch định hơn. Tuy nhiên, nhìn sâu vào các con số, sẽ thấy toàn bộ bức tranh vĩ mô không hẳn là một cú bứt phá bằng việc bỏ lại phía sau những khó khăn vốn lâu nay chưa thể giải quyết. Khi thẩm tra sơ bộ báo cáo về kinh tế-xã hội mà Chính phủ soạn để trình ra Quốc hội trong kỳ họp cuối tháng 10 tới, thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã tính toán, trong số 2,3% số vượt thu của năm nay, khoảng 27,3 ngàn tỉ đồng chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương khó có thể đạt. Nếu năm nay hụt thu thì ngân sách trung ương sẽ có ba năm hụt thu liên tiếp, ảnh hưởng đến việc giảm bội chi.

Ngay cả thu nội địa năm 2017, dự kiến ở cả ba khu vực kinh tế DNNN, FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. Việc tiếp tục cổ phần hóa các DNNN làm giảm nguồn thu từ khối này nhưng nguyên nhân lớn nhất là khả năng cạnh tranh, phát triển của DNNN ngày càng yếu đi nên số cổ tức, lợi nhuận nộp về ngân sách cũng giảm. Ví dụ, 9 tháng đầu năm, số thu cổ tức, lợi nhuận, tiền bán vốn DNNN chỉ đạt hơn 48 ngàn tỉ đồng, trong khi kế hoạch năm nay phải thu 120 ngàn tỉ đồng. Tiến độ bán vốn chậm, thu cổ tức, lợi nhuận cũng thấp cho thấy hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn của DNNN ngày càng đi xuống thấp hơn.

Tổng đầu tư phát triển năm nay dự kiến cũng sẽ tăng 33,42% GDP được đánh giá là một bất ngờ ngoài dự đoán. Ngoài tích cực thúc đẩy tăng GDP, nó cho thấy việc xây dựng kế hoạch chưa chính xác làm ảnh hưởng các kế hoạch cân đối nguồn lực nói chung. Trong khi thực tế việc thực hiện kế hoạch đầu tư công lại rất chậm trễ. Như cuối tháng 9-2017 mới giao chưa được 50% số vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn từ năm 2016 sang; hoặc chỉ giao được 38,8% dự toán vốn trái phiếu Chính phủ năm nay. Sâu xa hơn nữa thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn ngân sách giải ngân chậm nhất trong vòng 5 năm gần đây (53%), mới giải ngân 7% vốn trái phiếu Chính phủ XDCB là minh chứng chuẩn bị dự án đầu tư chậm, các khâu tiếp theo cũng chậm dẫn đến lãng phí nguồn lực đã vay về, giảm hiệu quả đầu tư công. Nếu đặt trong mối tương quan so sánh với tốc độ giải ngân vốn của khối doanh nghiệp FDI tăng đột biến trong năm nay thì trái ngược càng lớn.

Việc tăng đột biến về xuất khẩu nhờ sự quy mô và giá trị của khối FDI cho thấy sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc vào khối doanh nghiệp nước ngoài ngày càng rộng hơn, trong khi xuất khẩu vẫn chủ yếu dưới hình thức gia công, thâm dụng lao động, hiệu ứng lan tỏa và liên kết đến khối doanh nghiệp trong nước thấp. Mặt khác, nó tạo ra hiện tượng chen lấn đến các thành phần doanh nghiệp khác. Hay sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nếu không thẩm định kỹ sẽ kéo theo sự dịch chuyển về công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường như nhiều bài học gần đây.

Như vậy, xét đỉnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2017 tác động thế nào đến ba trụ cột là tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế thông qua sức cạnh tranh thì thấy để đạt được sự bền vững trong phát triển vẫn còn rất nhiều việc phải làm.


Theo Ngọc Lan/ Saigontimes

Trở về

Bài cùng chuyên mục