Thay vì đầu tư theo kiểu cào bằng hay tập trung vào 3 đặc khu, cần dồn lực thúc đẩy phát triển hai trung tâm kinh tế lớn là vùng Hà Nội và vùng TP.HCM.
Còn nhiều vấn đề trong bức tranh cạnh tranh quốc gia
- Cập nhật : 25/10/2017
Hiện nay, tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng diễn ra khá phổ biến không chỉ giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với khối tư nhân mà cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khối tư nhân trong nước.
Nhà nước sẽ rút lui một phần đáng kể khỏi nền kinh tế với tư cách là nhà sản xuất, nhà đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia. Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố và xin ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia.
Vì sao phải có Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia?
Lý giải về sự cần thiết và mục tiêu của Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường trong nước, kết hợp đồng thời với từng bước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Kết quả là các loại thị trường trong nền kinh tế ngày càng phát triển và hoàn thiện. Nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện nhằm tăng cường mức độ cạnh tranh của thị trường như xóa bỏ hoặc giảm thiểu nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh hoặc phản cạnh tranh; các lĩnh vực có tính độc quyền nhà nước đã được thu hẹp, giá cả phần lớn các loại hàng hóa, dịch vụ đã được tự do hóa đã phản ánh đúng hơn quan hệ cung - cầu thị trường,…
Những cải cách này đã góp phần tạo động lực cho các chủ thể kinh doanh phát triển mạnh, góp phần tăng mức độ cạnh tranh giữa các chủ thể trên thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn kém năng động với tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng suy giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm, năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động ở mức thấp; hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội không cao.
Tốc độ tăng trưởng trung bình 7,6% của giai đoạn 1990-2000 không còn duy trì được, đã giảm xuống còn 6,8% trong giai đoạn 2001-2010, 5,91% cho giai đoạn 2011-2015 và năm 2016 ước đạt 6,21% và mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho giai đoạn 2016-2020 khó có thể đạt được.
Nguyên nhân cơ bản, xét về thể chế, là do vẫn còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh; đồng thời, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến; quyền tự do kinh doanh chưa được thực thi đầy đủ, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; mức độ tham gia của nhà nước vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế còn khá lớn, kiểm soát độc quyền chưa thực sự hiệu quả…
Vì thế, mục tiêu của Đề án là đánh giá tổng thể hệ thống chính sách có liên quan đến cạnh tranh để xác định đúng thực trạng, khiếm khuyết và đề xuất các giải pháp cải cách góp phần phát triển thị trường cạnh tranh, thúc đẩy, nâng cao năng suất, hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Những biểu hiện không bình thường trong bức tranh cạnh tranh
Chủ trương tạo lập môi trường cạnh tranh, lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh đã được đề ra ngay từ Đại hội IX của Đảng và được nhấn mạnh trong các kỳ Đại hội tiếp theo. Nhiều biện pháp cải cách đã được thực hiện nhằm tạo lập và phát triển thị trường cạnh tranh ở Việt Nam.
Theo đó, mức độ cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường đã được cải thiện với số lượng chủ thể gia nhập thị trường tăng nhanh mạnh, đặc biệt trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bức tranh cạnh tranh còn nhiều vấn đề đặt ra, thể hiện:
Một là, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế thị trường kém cạnh tranh với thứ hạng 60/138 nước trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016; vị trí 80/138 nước về mức độ cạnh tranh trong nước hay chỉ số hiệu quả chống độc quyền đứng thứ 89/138 nước;
Hai là, tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng diễn ra khá phổ biến không chỉ giữa DNNN với khối tư nhân mà cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khối tư nhân trong nước. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi hơn từ tiếp cận các nguồn lực đến chính sách, hành vi đối xử của các cơ quan công quyền,...Hiện tượng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp thân hữu với các doanh nghiệp không có quan hệ thân hữu đã và đang khiến cho nhiều doanh nghiệp tư nhân không có quan hệ thân hữu (đặc biệt là đông đảo các DNNVV) không thể tiếp cận nguồn lực để phát triển được.
Ba là, hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp có chủ trương cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội.
Bốn là, việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội kém hiệu quả chưa theo tín hiệu thị trường, chưa tuân thủ quy luật cạnh tranh, đặc biệt là phân bổ vốn nhà nước, đã tác động xấu đến hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Mặc dù có cải thiện nhưng tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khá thấp: 3,5%/năm (2006-2010), 4,35%/năm (2011-2015) và ước tính tăng 5,31% (năm 2016) và khoảng cách với các nước ASEAN-6 còn khá xa (ví dụ: 14,3 lần so với Singapore; 5,7 lần so với Malaysia).
Khung pháp luật cạnh tranh hiện hành còn nhiều nội dung chưa rõ ràng
Đánh giá về những mặt được trong chính sách cạnh tranh của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, pháp luật cạnh tranh đã nhận diện được các hành vi phản cạnh tranh của làm cơ sở để hạn chế các hành vi phản cạnh tranh có thể xảy ra.
Việc thực thi pháp luật cạnh tranh bước đầu đã có kết quả với 87 cuộc việc điều tra tiền tố tụng được thực hiện, 8 vụ việc liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh được điều tra chính thức.
Bên cạnh đó, đã loại bỏ, giảm thiểu hàng loạt rào cản bất hợp lý, hạn chế mức độ cạnh tranh thị trường thông qua hoàn thiện thể chế gia nhập thị trường với quy định về đăng ký kinh doanh được tiếp cận chung đối với thị trường và việc tiếp cận thị trường ngành hay quy định về điều kiện kinh doanh đã giảm đáng kể so với trước đây.
Cơ chế, chính sách có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thị trường đã được giảm thiểu nhằm tạo lập được môi trường kinh doanh bình đẳng.
Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thể chế đảm bảo các chủ thể thị trường có quyền tiếp cận các nguồn lực xã hội, các sản phẩm, dịch vụ độc quyền tự nhiên do Nhà nước quản lý đã phần nào được hình thành.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn nhiều hạn chế trong chính sách cạnh tranh ở Việt Nam. Cụ thể, khung pháp luật cạnh tranh hiện hành còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, còn có sự khác biệt với thông lệ quốc tế, nên mục tiêu hạn chế các hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp chưa đạt được.
Việc thực thi pháp luật cạnh tranh chưa thực sự hiệu quả, hiệu lực thực thi khá hạn chế. Số lượng các vụ việc hạn chế cạnh tranh của, cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp được xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Hành vi hạn chế cạnh tranh của cơ quan nhà nước còn diễn ra khá phổ biến.
Bộ máy thực thi pháp luật cạnh tranh còn nhiều hạn chế, thiếu tính độc lập và tự quyết, không đủ nguồn lực và năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Về nguyên tắc, tính độc lập và tự quyết luôn được coi là nền tảng vững chắc cho các cơ quan quản lý cạnh tranh thực thi pháp luật cạnh tranh một cách hiệu quả. Nếu không có một vị thế đủ độc lập, đủ mạnh thì cơ quan quản lý cạnh tranh khó có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, hệ thống luật pháp và các chính sách liên quan đang tạo ra khá nhiều rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt các rào cản gia nhập thị trường từng ngành, từng thị trường hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
Các quy định về điều kiện kinh doanh với nhiều điểm bất hợp lý đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, như: tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động; làm giảm cạnh tranh thị trường do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh; làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; làm giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ.
Những yếu kém, khiếm khuyết của quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang gây ra tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế và làm méo mó cạnh tranh; gia tăng chi phí sản xuất; hạn chế sáng tạo, kìm hãm hình thành chuỗi kinh doanh; tác động bất lợi đến DNNVV.
Những tác động này đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
So sánh với các tiêu chuẩn của OECD, chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam còn thấp và đang góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu đang diễn ra quyết liệt hiện nay.
Bên cạnh đó, việc rút lui khỏi thị trường vẫn chưa đảm bảo tính công bằng giữa DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước khi vai trò là chủ sở hữu, nhà nước đã sử dụng các biện pháp khác nhau như sáp nhập vào DNNN khác, chuyển thành doanh nghiệp thành viên của tổng công ty… (sử dụng nguồn lực của tổng công ty, doanh nghiệp khác trợ giúp) để giúp các doanh nghiệp tránh bị giải thể, phá sản.
Việc tiếp tục duy trì những DNNN này trên thị trường là một hình thức gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến quan hệ thị trường và cạnh tranh không công bằng giữa các chủ thể kinh doanh.
“Việc tiếp cận, phân bổ các nguồn lực xã hội, các sản phẩm, dịch vụ độc quyền tự nhiên do Nhà nước quản lý còn nhiều hạn chế, chưa theo cơ chế thị trường”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Đâu là hướng giải quyết?
Trên cơ sở nguyên nhân hạn chế, mục tiêu, quan điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 định hướng giải pháp chủ yếu nhằm cải cách tổng thể chính sách cạnh tranh quốc gia.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường theo hướng:
- Cạnh tranh là động lực mạnh mẽ thúc đẩy khoa học - công nghệ, sáng tạo, đổi mới, đem lại tiến bộ cho quá trình phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tốc độ tính năng động, đem lại tiến bộ và lợi ích cho xã hội.
- Cạnh tranh công bằng, bình đẳng phải được xác định là cốt lõi của kinh tế thị trường. Khi quyết định ban hành bất kỳ quy định, chính sách hay biện pháp quản lý/can thiệp nào, phải trả lời câu hỏi các quy định, chính sách hay biện pháp này khuyến khích hay hạn chế thị trường cạnh tranh.
Thứ hai, đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng.
Theo đó, cần rà soát, giảm thiểu các rào cản thể chế đối với việc gia nhập thị trường, theo hướng đơn giản hóa tối đa, cắt giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư tư nhân trong tất cả các ngành, nghề kinh doanh pháp luật không cấm.
Trước mắt, tập trung rà soát các quy hoạch, kế hoạch, các điều kiện kinh doanh, giấy phép hành nghề,… Trong dài hạn, thực hiện rà soát toàn bộ những quy định pháp luật, những văn bản hành chính và loại bỏ hoàn toàn những quy định đang cản trở hoặc có nguy cơ hạn chế cạnh tranh.
Thứ ba, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xác định đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế nhằm giảm thiểu sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
Thực hiện chuyển đổi vai trò của nhà nước từ vị thế một nhà đầu tư trực tiếp (vào sản xuất kinh doanh) sang vị thế chủ thể điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường phát triển và vận hành. Nhà nước sẽ rút lui một phần đáng kể khỏi nền kinh tế với tư cách là nhà sản xuất, nhà đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.
“DNNN chỉ nên được coi là một loại tài sản của nhà nước… Không coi và không sử dụng DNNN làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, làm lực lượng vật chất để nhà nước điều tiết nền kinh tế, là công cụ thực hiện một số mục tiêu xã hội của nhà nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Cần tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo hướng mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân tham gia.
Đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp thông qua tiếp tục rà soát, gỡ bỏ những ưu đãi đối với DNNN; thực hiện áp đặt kỷ luật thị trường, kỷ luật cạnh tranh, kỷ luật tài chính đối với các DNNN hoạt động kinh tế đảm bảo cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp khác.
- Rà soát, loại bỏ những đối xử bất bình đẳng không hợp lý; thực hiện cạnh tranh trung lập giữa DNNN với các doanh nghiệp khác, đảm bảo các nguyên tắc về đối xử bình đẳng đối với các thành phần kinh tế.
Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo sự nhất quán hơn giữa các quy định áp dụng đối với DNNN và doanh nghiệp tư nhân; giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước (đặc biệt chính sách bình đẳng về thuế và chính sách tiếp cận đất đai).
Thiết lập một cơ chế xử lý khiếu nại của doanh nghiệp về các hành vi vi phạm nguyên tắc trung lập về cạnh tranh để các quy định có thể được thi hành nghiêm trên thực tế.
Thứ tư, cần hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, xác định rõ chức năng nhà nước và thị trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nhà nước hoạt động theo thị trường và can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế không được trái với các nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường.
“Đặt sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước vào những giới hạn trong khung pháp luật, không vượt giới hạn khách quan của thị trường và nhằm mục đích khắc phục những thất bại của thị trường”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển các loại thị trường, đặc biệt là thị trường các nhân tố sản xuất:
Thứ năm, thiết lập và giám sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh.
Theo đó, cần quy định rõ làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh về đánh giá tác động cạnh tranh khi xây dựng, ban hành các chính sách và quy định pháp luật mới.
Quy định rõ trách nhiệm, biện pháp xử lý các hành vi vi phạm nguyên tắc, quy định pháp luật về cạnh tranh của các cơ quan nhà nước và các DNNN nhằm duy trì môi trường kinh tế thực sự cạnh tranh, thực sự vì năng suất và hiệu quả.
Kiện toàn cơ quan quản lý cạnh tranh theo hướng đảm bảo tính độc lập, tự quyết của cơ quan quản lý cạnh tranh; quy định rõ ràng về thẩm quyền chỉ đạo của các thiết chế nhà nước khác đối với cơ quan quản lý cạnh tranh theo hướng các cơ quan khác không được can thiệp vào hoạt động chuyên môn của cơ quan quản lý cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, kiện toàn bộ máy thực hiện điều tiết thị trường theo hướng tách cơ quan điều tiết thị trường khỏi cơ quan xây dựng chính sách và các doanh nghiệp để đảm bảo tính trung lập và hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tiết thị trường độc quyền.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, xóa bỏ chế độ bộ chủ quản hay xóa bỏ vai trò “kép” của Bộ khi vừa thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, vừa thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vừa thực hiện chức năng điều tiết thị trường,…
Thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp; không là cơ quan quản lý hành chính nhà nước; và tách hoàn toàn với các bộ, UBND.
Theo Phương Anh/kinhtevadubao.vn