Từ trước đến nay người nông dân đều sản xuất lúa theo phương thức tự cung tự cấp, và hiện vẫn chưa phá vỡ được phương thức sản xuất này. Giải pháp chính là nâng cao khả năng sản xuất lúa gạo, hướng đến xuất khẩu.
Khoảnh 'sân sau' của người nông dân sau 30 năm Đổi mới
- Cập nhật : 25/01/2016
(Nong nghiep)
Sự tụt hậu của khu vực nông thôn trong quá trình phát triển đất nước là lý do khiến Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Nguyễn Quốc Cường phải thừa nhận bản thân ông và nhiều đồng nghiệp cũng không muốn con em mình làm nông dân.
Tham luận của đại diện Hội Nông dân Việt Nam là một trong những phát biểu gây chú ý trong ngày thứ 2 Đại hội Đảng thảo luận về các văn kiện, bởi tính bức thiết cũng như những vấn đề cụ thể được đặt ra.
Bên cạnh vai trò và nhận thức đã được thừa nhận trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước trong suốt 30 năm qua, nguy cơ tụt hậu của khu vực nông thôn và người nông dân trong đà đi lên nói chung của đất nước là điều có thể cảm nhận rõ trên thực tế, cũng như trong bài phát biểu của ông Nguyễn Quốc Cường.
"Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp", vị này nhận xét. Số liệu được trích dẫn sau đó cho thấy đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp giảm từ 32,4% những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% giai đoạn 2005-2010 và 6,12% rồi 6,06% những năm 2012 – 2014.
Cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, tham luận cho rằng kinh tế nông nghiệp đã chững lại, giảm sút và kéo theo việc nông dân không được quyền định giá nông sản. Địa vị, vai trò kinh tế, thu nhập giảm sút tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp. Khoảng cách thu nhập với các khu vực khác trước Đổi mới là 3,5 lần, đầu Đổi mới là 5,6 lần thì nay là 10,2 lần.
Ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh nhiệm vụ tăng thu nhập cho người nông dân gấp 2,5 lần trong nhiệm kỳ tới. Ảnh: VNA
"Tôi lấy ví dụ cụ thể như trợ giá hoặc mua tạm trữ lúa gạo, nông dân không được gì cả. Chính sách ban đầu thì tốt, mục đích là muốn giúp nông dân được lãi 30%. Nhưng tất cả cái lợi nhuận đó lại vào doanh nghiệp hết", vị này dẫn chứng với báo chí sau đó về tình trạng chính sách trợ giúp nông nghiệp, nông thôn bị lợi dụng để "làm ăn".
Một thách thức nữa được ông Cường chỉ ra là khoa học kỹ thuật khó thâm nhập vào nông dân, khả năng hội nhập của khu vực này rất thấp khi phần lớn lao động trẻ tìm cách ly quê, ly nông.
"Cơ bản chúng ta ở đây đều là con em nông dân. Vì sao ngay cả chúng tôi cũng không muốn con em mình làm nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo rớt mồng tơi, phải mò cua bắt ốc để mưu sinh, lấy tiền cho con đi học để thoát cảnh làm nông như mình? Tại sao bây giờ người nông dân lại muốn từ bỏ cội nguồn của mình?", Chủ tịch Hội Nông dân trăn trở với hàng loạt câu hỏi bên hành lang Đại hội.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trong 20 năm qua và những năm tới khả năng sẽ tiếp tục lấy đi đất sản xuất nông nghiệp, trong khi chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp, môi trường xuống cấp nghiêm trọng... cũng là lý do gây thiếu việc làm, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định ở khu vực này.
Về văn hóa xã hội, ông Cường cho rằng nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. "Lối sống thực dụng - đèn nhà ai nhà nấy rạng, sống chết mặc bay, đua theo lợi ích trước mắt khiến nhiều người buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng", vị này nói. Ông cũng đồng thời cảnh báo về một bộ phận nông dân trẻ có lối sống đua đòi, hưởng thụ cao hơn lao động, luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc “nông dân” của mình.
Để xử lý những vấn đề nêu trên, giải pháp được đại diện Hội Nông dân xếp ở vị trí hàng đầu là cụ thể hoá các chính sách, tập trung tăng thu nhập cho người nông dân, năm 2020 phải cao gấp 2,5 lần 2008 và tăng dần trong những năm tiếp theo. Đầu tư cho "tam nông" cũng phải tăng tương ứng sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng, trong đó ưu tiên cho chế biến, lưu trữ, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu...
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, Hội Nông dân đề xuất cần chú trọng quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh và liên kết vùng miền, gắn với phát triển công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển thị trường tiềm năng... Cơ quan này cũng mong muốn mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có lộ trình thích hợp để nông dân tham gia và được hưởng lương hưu...
"Những cái này mới là đề xuất, Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo tập trung thành chuyên đề có tiêu chí cụ thể, có lộ trình mục tiêu để mà lãnh đạo, phấn đấu. Đây là chuyện rất lớn, là vấn đề đất nước, dân tộc. Nông dân chiếm gần 70% dân số. Cải biến nông dân chính là cải biến xã hội Việt Nam", ông Nguyễn Quốc Cường nhận định.