Baodautu.vn ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh làn sóng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
Bài toán nông nghiệp: Ai “dắt" nông dân nhỏ vào thị trường lớn?
- Cập nhật : 22/06/2016
Nông nghiệp công nghệ cao rõ ràng sẽ đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp đầu tư, thế nhưng nó chỉ thực sự bền vững và tạo ra lợi ích lớn cho xã hội khi bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân được giải quyết…
Đừng để “châu chấu” chọi “voi”?
Lợi ích từ nông nghiệp đã rõ, “ông trùm” tài chính Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI-HoSE) đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn PAN cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt.
Thế nhưng, “ông trùm” này cũng thẳng thắn nhìn vào bài toán “đau đầu” của nền nông nghiệp Việt Nam.
Dưới góc độ của nhà kinh tế, ông Hưng chỉ ra, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là xu thế tất yếu song đối với Việt Nam đất nước có tỷ trọng lao động trong nông nghiệp chiếm phần đông thì vấn đề an sinh xã hội sẽ xảy đến.
“Mọi người hay nói dùng công nghệ cao kèm với số 0, người nông dân sẽ không được gì. Khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, sản phẩm thu hoạch được bán ra thị trường trong nước, điều này vô hình chung, doanh nghiệp lại cạnh tranh với người nông dân,” ông Hưng nói.
Theo như ông Hưng, hiện nông dân đang làm ra sản phẩm bán trên chợ và thị trường đang là của họ. Do đó, khi nào Việt Nam dịch chuyển được lực lượng lao động từ nông nghiệp sang những ngành khác thì lúc đó đưa công nghệ cao vào mới hợp lý.
“Phải quan tâm đến lợi ích xã hội, như ở Nhật Bản, chỉ có 5% người dân làm nông nghiệp, người ta cung cấp đầy đủ thực phẩm ra nền kinh tế và xuất khẩu. Trong khi ở Việt Nam có đến 70%-80% là người làm nông nghiệp. Khi nhìn vào bài toán lớn, cần giải quyết hai câu chuyện, thứ nhất là câu chuyện của thị trường, bởi người công nghệ cao sẽ cho sản lượng rất lớn, chất lượng, mẫu mã đồng đều vượt xa so với hiện tại. Thứ hai là người lao động, nếu không tính được sẽ gây ra bất ổn về nguồn nhân lực trong xã hội,” ông Hưng phân tích.
Tại lễ khai trương Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng bày tỏ: “Chúng tôi xác định doanh nghiệp là trung tâm và là động lực để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại."
"Chúng tôi cần có nhiều doanh nghiệp để dẫn dắt và hỗ trợ nông dân nhỏ đi vào thị trường lớn, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kĩ thuật để làm ra những sản phẩm có chất lượng cao và hiệu quả cao. Và, các doanh nghiệp liên kết với các tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Thị trường nông sản sạch rất cần sự "bắt tay" của nông dân và doanh nghiệp, giới khoa học. (Ảnh: Rau sạch VinEco lên kệ. Nguồn: VinGroup)
Theo các chuyên gia, một nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ chỉ thực sự bền vững khi bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân được giải quyết…
Trên thực tế, có nhiều mô hình đã thành công. Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN-HoSE) khi chuyển mũi nhọn sang lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đã lựa chọn phương thức đồng hành cùng nông dân. Đến với nông nghiệp, PAN đặt mục tiêu cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong một chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Cụ thể, PAN ký hợp đồng với nông dân, cung cấp giống, quy trình công nghệ… và nông dân sẽ cam kết bán lại sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, phân bón đồng thời cử cán bộ kỹ thuật về làm việc với người dân, giá thu mua nông sản được cam kết từ thời điểm ký kết hợp đồng và thường cao hơn giá thị trường khoảng 20%-30%.
Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, ông Trung cho biết có nhiều rủi ro cho phía doanh nghiệp. Bởi theo hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp phải thực hiện cam kết với người nông dân, nhưng người nông dân thì không thấy hết vấn đề, như đảm bảo quy trình sản xuất, “lật kèo” khi giá lúa sốt trên thị trường.
Nói “không” với lời xin lỗi
Việc thương lái mua được sản phẩm thuộc quy trình sản xuất của doanh nghiệp, sẽ tạo ra những hiệu ứng tâm lý xấu, gây hoang mang, dẫn đến những sự nhầm lẫn thông tin về quy trình sản xuất ra sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.
Trong khi đó, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cung cấp đầu vào, mua đầu ra cho nông dân, cung cấp phân bón thuốc trừ sâu, giống, có đội “bạn của nhà nông” hướng dẫn kỹ thuật,chỉ đạo, tổ chức vận chuyển từ ruộng nông dân về cân và vào kho, giá bán thấp nhất là theo giá thị trường…
“Họ phải lựa chọn, một là hợp tác hoặc rời khỏi cuộc chơi, ở đây không chấp nhận câu xin lỗi và chúng tôi đang làm được và làm rất tốt,” ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng cũng chỉ ra rằng, một vấn đề tồn tại từ trước đến nay, xuất phát từ quá trình phân chia lợi nhuận tại chuỗi cung ứng có nhiều bất hợp lý. Cụ thể, người sản xuất được nhận về rất ít, trong khi người cung ứng lại thu được lợi nhuận lớn.
"Do đó, khi chúng tôi làm trọn gói thì sẽ điều tiết được lợi nhuận tổng, theo đó điều phối biên lợi nhuận cho chuỗi được ổn định, người nông dân sẽ có lợi hơn,” ông Hưng chốt lại.
Như vậy, rõ ràng khi có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, sức bật của ngành kinh tế chủ lực này sẽ được cải thiện đáng kể. Và, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng với sự chung tay của cả ngành nông nghiệp, các mô hình hợp tác sẽ được nhân rộng, mang lại các giá trị bền vững cho cả người nông dân và doanh nghiệp (đơn vị sở hữu nguồn vốn, công nghệ hiện đại). Và khi ấy, ước mơ về một ngành nông nghiệp sạch, hiện đại, đem lại giá trị thu nhập cao sẽ được hiện thực hóa một cách bền vững…/.
Theo Vietnam+