Theo đánh giá của người dân nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nuôi tôm ngày càng khó thành công. Năng suất tôm vài năm qua giảm, có vụ mất trắng.
Nông nghiệp tăng trưởng âm sau 10 năm: Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng?
- Cập nhật : 06/07/2016
Lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, nông nghiệp tăng trưởng âm. Điều này tác động không nhỏ đến nền kinh tế đất nước, bởi lẽ suốt thời gian dài, giá trị sản xuất nông nghiệp đóng góp từ 19% đến 20% GDP.
Nếu không sớm đưa ra các giải pháp kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường, không chỉ ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho các thành phần kinh tế khác, đặc biệt với việc bảo đảm an sinh xã hội...
Từ những tồn tại cố hữu...
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2016, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm tới 0,18%, trong đó lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với khoảng 3% giá trị. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hồng, sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm do hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam. Còn Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Hữu Hiệp cho biết: Đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua tại ĐBSCL đã khiến nhiều nông dân phải bỏ ruộng, tìm kiếm việc làm ở các đô thị. Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL có số dân di cư cao nhất cả nước, khoảng 6-7% dân số. Cùng với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng nặng.
Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Bảnh cho biết thêm, ngoài tác động bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, một nguyên nhân quan trọng khác khiến sản lượng thủy sản giảm mạnh là do tình trạng ô nhiễm biển, ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế thời gian qua đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ thủy sản cũng gặp khó khăn do một số thị trường lớn giảm nhu cầu nhập khẩu, một số nước đã đưa ra các cảnh báo về chất lượng đối với một số lô hàng hải sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngoài những tác động về diễn biến bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp còn tồn tại không ít điểm yếu cố hữu. Cụ thể: Kịch bản về thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã được dự báo từ nhiều năm nay nhưng chúng ta không có giải pháp căn cơ ngay từ đầu. Cách làm chỉ chạy theo giải quyết thiệt hại có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. Điều này đòi hỏi phải có hệ thống cảnh báo sớm và có chính sách chủ động, không thể kéo dài tình trạng bị động, đối phó.
... đến thay đổi tư duy sản xuất
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất. Đối phó với tác động của thiên tai, khí hậu không đơn giản, song việc chuyển đổi và nâng cao giá trị cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu sẽ giảm bớt những thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Điều cốt lõi của ngành nông nghiệp là tích cực chuyển đổi để nâng cao chất lượng và giá trị...
Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Trần Văn Dũng đặt câu hỏi: “1kg tôm có giá trị bằng 20kg lúa, vậy tại sao cứ chạy theo lúa mà không nâng cao sản lượng tôm?". Ông Trần Văn Dũng cho rằng, ngoài định hướng sản xuất, việc đầu tư vào nông nghiệp vẫn hạn chế so với các ngành kinh tế khác. Ngoài ra, các chính sách thu hút, phát triển nông nghiệp cũng gặp khó khăn, chưa gắn với thực tế. “Chính sách cho nông nghiệp khá đầy đủ, nhưng để tiếp cận rất khó. Đơn cử, muốn đầu tư sản xuất lớn thì phải có đất đai, nhưng đất đai lại do các hộ dân quản lý, sử dụng, nên không thể có diện tích đủ lớn để sản xuất. Hay như việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nếu có thì chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên rất khó vay vốn do ngân hàng lo ngại nợ xấu, rủi ro lớn" - ông Lê Văn Bảnh nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, để bù đắp và đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2016, dứt khoát ngành trồng trọt phải thắng lợi vụ lúa mùa ở miền Bắc. Theo đó, cùng với nâng cao sản lượng cây trồng, cần tập trung giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản để tăng giá trị; đồng thời phải thúc đẩy các giống có giá trị cao từ ngô, lúa cho đến các giống cây trồng khác. Đồng thời, ngành chăn nuôi phải tận dụng, khai thác lợi thế đang có để tạo đà phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “6 tháng cuối năm, toàn ngành nông nghiệp cần nỗ lực để tăng trưởng đúng mục tiêu đề ra. Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn. Kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường. Nỗ lực cải cách hành chính, cải cách mạnh mẽ để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Tuy nhiên, về lâu dài, "ngành nông nghiệp cần một chiến lược phát triển rõ ràng với những kịch bản khác nhau về khí hậu, tiền tệ, nhân lực và kỹ thuật" - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm.
(Hanoimoi)