tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cải cách ruộng đất sẽ là động lực cho nông nghiệp 'cất cánh'

  • Cập nhật : 08/04/2017

“Đất là mẹ, lao động là cha”, sản sinh ra của cải cho nông dân. Đối với sản xuất nông nghiệp, đất là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Nhưng Luật Đất đai chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.

Đó là chia sẻ của ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với phóng viên báo Tin Tức về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai để giúp ngành nông nghiệp “cất cánh”.

Xin ông cho biết, việc cải cách Luật Đất đai sẽ đi theo hướng nào để tạo ra động lực cho ngành nông nghiệp bứt phá?
 

ong tran xuan dinh, pho cuc truong cuc trong trot (bo nong nghiep va phat trien nong thon). anh: h.v

ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: H.V

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang tiến dần theo cơ chế thị trường, phát triển nhanh, nhu cầu xã hội cũng thay đổi nhanh, từ tiêu thụ nội địa cho tới xuất khẩu. Đặc biệt, những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa, quy trình sản xuất, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…đang được quan tâm rất lớn. 

Trước đây, từ cơ chế quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, làm việc theo chế độ chấm ngày công, đánh kẻng đi làm, ruộng đất chung, hợp tác xã chỉ huy chung, dẫn tới năng suất thấp, thất thoát nhiều…Sau đó,  Chỉ thị 100, Khoán 10 ra đời trở thành động lực to lớn, chuyển biến mạnh mẽ nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, ruộng đất được giao cho nông dân, họ có quyền tự chủ sản xuất trên mảnh đất của mình. Nông dân tính toán để sản xuất có hiệu quả. Những quyết sách đó đã mang lại nhiều thành công cho nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng tới giai đoạn này, động lực đó đã dần cạn đi bởi sự thay đổi của cơ chế sản xuất theo hướng thị trường. Rõ ràng, nút thắt sản xuất nông nghiệp hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, với đơn hàng 500.000 tấn rau theo tiêu chuẩn Gap, hoặc mỗi tuần phải cung cấp vài ngàn tấn gạo hữu  cơ…, DN phải có vùng sản xuất lớn.

Nhưng ở miền Bắc, quy mô 1 ha có bình quân 15 – 20 hộ canh tác. DN muốn tích tụ 10 ha phải đàm phán từ 150 – 200 hộ. Chỉ vài hộ không đồng tình sẽ “vỡ trận”. Do vậy, “bức xúc” hiện nay là làm thế nào để tích tụ đất, mở rộng quy mô sản xuất. Dồn điền đổi thửa, hoặc chuyển nhượng để có cơ hội tổ chức lại sản xuất.

Nhiều địa phương đang tiến hành dồn điền đổi thửa, gom đất giao cho doanh nghiệp sản xuất. Theo ông, làm thế nào để nông dân không bị thiệt thòi khi giao đất cho DN?

Chúng ta phải tạo ra thị trường đất nông nghiệp. Ví dụ, những người không còn đủ sức lao động, có tiềm năng chuyển sang ngành nghề khác, họ có thể sang nhượng đất nông nghiệp cho những công ty, những người có khả năng sản xuất nông nghiệp.  Đó là hình thức thứ nhất, chuyển nhượng hẳn. Thực tế, ở các quốc gia phát triển, chỉ có 5- 7% người dân làm nông nghiệp, còn lại làm công nghiệp, dịch vụ. Ở Việt Nam đang có 40 – 50% người làm nông nghiệp.

Hình thức thứ hai đang được một số doanh nghiệp áp dụng. Đó là DN thuê lại ruộng đất của nông dân, tổ chức lại sản xuất, nông dân làm như công nhân trong DN. Khi nông dân cho thuê, họ vẫn giữ sổ đỏ, quyền chứng nhận sử dụng đất.
 
Hình thức thứ ba là góp đất với DN như là một cổ đông, đóng góp cổ phần vào công ty. DN đứng ra tổ chức sản xuất, chia lợi tức cho nông dân.  Thực tế, một số DN ở Hà Nam đã làm theo hình thức này. Họ cùng nông dân sản xuất rau an toàn, liên kết với nông dân như: Vingroup, Công ty Giống cây trồng Trung ương, lúa giống Cường Tân (Nam Định) thuê lại đất của nông dân để sản xuất giống lúa.

Hiện quá trình sửa Luật Đất đai đã đến giai đoạn nào thưa ông?

Việc sửa đổi Luật Đất đai do Bộ Tài Nguyên và Môi trường thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này. Vì chính sách phải xuất phát từ thực tế, tổng kết thực tế để tạo ra cơ chế áp dụng trở lại rộng rãi hơn. Trong các cuộc thảo luận, các bộ ngành đã thống nhất cao. Chính phủ cũng rất quan tâm tới vấn đề này, vì mục tiêu của Chỉnh phủ là kiến tạo, tạo ra động lực cho nông nghiệp phát triển.  Do vậy, việc sửa đổi này sẽ sớm có kết quả. 

Xin cảm ơn ông!
 

H.V/Báo Tin Tức

Trở về

Bài cùng chuyên mục