Dù nông nghiệp TP.HCM chịu áp lực của xu hướng đô thị hóa, không có lợi thế về đất đai nhưng vẫn có rất nhiều nông dân sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những tỉ phú giữa đô thị phồn hoa.
Kiến nghị giao đất về địa phương
- Cập nhật : 21/09/2015
(Tin kinh te)
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm trưởng đoàn thanh tra
Phóng viên: Thưa ông, sau khi công bố quyết định thanh tra, đoàn thanh tra tiếp tục nhận được đơn khiếu nại, tố cáo bổ sung của người dân về việc lạm thu của các công ty cà phê, vậy hướng xử lý thế nào?
- Ông Nguyễn Ngọc Anh: Thanh tra bộ đã tiếp nhận thêm một số nội dung người dân khiếu nại, tố cáo. Hiện chúng tôi đang làm báo cáo với bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để trả lời đơn của người dân vì theo quy định, chúng tôi không thể thực hiện việc thanh tra lại mà thẩm quyền thuộc về Thanh tra Chính phủ.
Người dân gửi đơn tố cáo đoàn thanh tra của Bộ NN-PTNT đã bỏ sót một số nội dung mà họ khiếu nại và cố tình bao che sai phạm cho các công ty cà phê, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Mặc dù đoàn thanh tra chỉ thanh tra các công ty cà phê ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk nhưng nó mang tính phổ quát, vì thế chúng tôi hết sức cẩn thận khi đưa ra kết luận. Chúng tôi làm vô tư, khách quan, không thiên về bên nào như người dân phản ánh.
Người nhận khoán vườn cà phê của các công ty cà phê phải nộp hơn chục khoản thu, trong đó có nhiều khoản thu vô lý Ảnh: Cao Nguyên
Thực ra, nguyện vọng chính của người dân là đề nghị trả đất về địa phương để cấp quyền sử dụng đất cho họ, trong khi chúng tôi chỉ thanh tra những khoản thu không hợp lý của các công ty cà phê nên người dân nói bỏ sót. Người dân phản ánh họ đầu tư 100% vốn để trồng, chăm sóc vườn cây thì chúng tôi cũng kết luận như vậy nhưng trong cơ cấu giá thành của một sản phẩm thì có đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Đối với diện tích cà phê người dân tự đầu tư quy định thu 8,3% thì các công ty cũng chỉ thu trong khoảng đó.
Kết quả thanh tra cũng chỉ ra nhiều khoản thu bất hợp lý như người dân phản ánh, thưa ông?
- Đúng vậy. Chúng tôi đã chỉ ra một số khoản thu bất hợp lý như hộ liên kết, không phải là công nhân của công ty, không đóng bảo hiểm nhưng vẫn phải nộp khoản tiền tàu xe nghỉ phép cho cán bộ công ty. Hay một số tài sản không phục vụ mục đích sản xuất nhưng vẫn buộc người dân đóng khấu hao tài sản là bất hợp lý. Do đó, chúng tôi kiến nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và các công ty rà soát lại tất cả khoản thu, khoản nào không hợp lý thì loại bỏ để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo ông nói thì kết luận thanh tra là hoàn toàn chính xác, vậy vì sao lúc công bố, người dân lại phản ứng đến vậy?
- Trước khi có kết luận thanh tra, người dân đã ra Hà Nội và chúng tôi sắp xếp cho họ làm việc trực tiếp với bộ trưởng Bộ NN-PTNT, khi đó đại diện các hộ dân đã thống nhất nội dung của kết luận thanh tra. Tại buổi thông báo kết luận thanh tra, mặc dù chúng tôi mời 16 người đại diện nhưng có hơn 600 người tới nghe, chúng tôi cũng bất ngờ vì sao trước đó họ đồng ý nhưng khi thông báo lại phản đối đến vậy.
Thanh tra Bộ NN-PTNT đã có những kiến nghị gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thưa ông?
- Chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các công ty trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm. Kiểm tra, rà soát lại phương án khoán và các hợp đồng giao nhận khoán vườn cây bảo đảm thực hiện việc giao khoán đúng pháp luật. Kiến nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm.
Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ, Thông tư số 02/2015/TT-BNNPTNT ngày 27-1-2015 của bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phải chỉ đạo xây dựng đề án và phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty cà phê. Cụ thể, đối với các công ty có diện tích đất khoán trắng theo quy định tại khoản 1 điều 2 Nghị định 118/2014/NĐ-CP (vườn cây các hộ nhận khoán tự đầu tư trực tiếp 100%) thì không tiếp tục giữ lại mà bàn giao về địa phương theo quy định tại điều 15 Nghị định 118. Sắp tới, thứ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với tỉnh Đắk Lắk, trong đó có nội dung thực hiện nghị quyết, nghị định nói trên.
Ảnh hưởng đến trật tự địa phương
Đại tá Phan Văn Được, Vụ trưởng Vụ An ninh - Quốc phòng - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết tình hình khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân nhận khoán cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra 5-6 năm nay. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã làm việc với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đề nghị xử lý dứt điểm việc khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Sau khi Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố kết luận thanh tra thì người dân không đồng tình, chắc chắn sẽ tiếp diễn việc khiếu kiện, khiếu nại.
Diễn biến vụ việc
Vào những năm 2000, phần lớn diện tích cà phê của 6 công ty cà phê (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) trên địa bàn huyện Cư Kuin bị chết do không được chăm sóc, đất đai bỏ hoang nên người dân tự đầu tư 100% vốn để trồng, chăm sóc. Khi vườn cà phê bắt đầu cho thu hoạch thì các công ty buộc người dân ký hợp đồng giao khoán. Nhận thấy các công ty không đầu tư tiền, công sức trong khi trong hợp đồng lại ghi vườn cây của công ty trồng và đặt ra nhiều khoản thu vô lý nên hàng trăm hộ khiếu nại, khiếu kiện.
Tháng 3-2012, tỉnh Đắk Lắk thành lập đoàn thanh tra nhưng sau khi công bố kết luận, người dân không đồng tình. Tháng 12-2013, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vào tiếp xúc cử tri tại xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin và tiếp thu ý kiến của người dân. Sau đó, Bộ NN-PTNT thành lập đoàn thanh tra đối với 6 công ty cà phê nói trên. Ngày 11-8-2015, Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố quyết định thanh tra, nêu ra một số sai phạm của các công ty cà phê nhưng người dân vẫn chưa đồng tình.