(Doanh nhan)
Hơn 10 năm khởi nghiệp, anh Nguyễn Quốc Việt (35 tuổi, ngụ ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận, H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã trở thành tỉ phú và tạo việc làm cho hàng chục thanh nhiên địa phương.
Năm 2002, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh Việt được kết nạp Đảng và bầu làm Bí thư chi đoàn ấp Kinh Mới. Hằng ngày, ngoài tham gia công tác đoàn, anh Việt cùng với gia đình làm nông nghiệp.
Năm 2005, anh Việt mạnh dạn vay tiền mua máy gặt đập liên hợp để vừa phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và làm thuê cho bà con trong xóm kiếm thêm thu nhập.
“Nhu cầu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ngày càng cao do những tính năng vượt trội của nó như ít rơi rụng, thu hoạch nhanh, ít tốn công, chi phí thấp hợp túi tiền bà con nông dân cũng như giải quyết được công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn. Sau khi tính toán kỹ, tôi bàn với gia đình mạnh dạn huy động vốn mua thêm 2 máy gặt đập liên hợp, máy cộ lúa và máy xới để thu hoạch được khép kín”, anh Việt tâm sự.
Đến tháng 5.2012, tổ sản xuất lúa giống ấp Kinh Mới được thành lập do anh Việt làm tổ trưởng với 5 thành viên là đoàn viên thanh niên trong ấp tham gia sản xuất khoảng 7 ha.
Do áp dụng kỹ thuật mới nên bước đầu các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tính chuyên cần, vượt khó và ham học hỏi, 5 thành viên trong tổ đã sản xuất lúa đạt hiệu quả ngay vụ mùa đầu tiên với năng suất 8 tấn/ha, giá lúa giống thành phẩm bán ra 10.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ để bán, thu lời 40 triệu đồng/ha.
Giúp đỡ thanh niên
Từ kết quả của vụ sản xuất đầu tiên, các thanh niên trong ấp xin gia nhập nên tổ kết nạp thêm 16 thanh niên, nâng tổng diện tích lên 21 ha. Tổ hoạt động theo phương châm các thành viên cũ “truyền nghề” lại cho các thành viên mới; thường xuyên mời các kỹ sư xuống thăm đồng theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa để kịp thời phát hiện bệnh.
Ở vụ thứ hai này, năng suất lúa đạt từ 8 - 8,5 tấn/ha và giá bán 8.000 đồng/kg (do giá lúa thị trường giảm mạnh), trừ các chi phí sản xuất còn thu lời 30 triệu đồng/ha. Đồng thời, tổ tiếp tục sản xuất năm thứ ba liên tục với diện tích nâng lên 33 ha và có 27 thành viên tham gia, năng suất ổn định và lời cao gấp nhiều lần so với trồng lúa theo cách truyền thống.
Riêng về gia đình anh Việt, thu lời từ các máy gặt đập liên hợp, máy cày mỗi năm trên 1 tỉ đồng.
Song song với trồng lúa, anh Việt còn trồng được 100 gốc dừa, thu hoạch đạt 20 triệu đồng/năm và trồng 50 gốc nhãn xen với dừa cho lợi nhuận 10 triệu đồng/năm.
Anh Việt còn tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp nuôi thêm 5 con heo sinh sản, một năm xuất bán 2 lứa với khoảng 100 heo con; nuôi thêm gà, vịt, cá thu về hàng chục triệu đồng/năm.
Anh Lại Trung Tín, Phó bí thư Xã đoàn Mỹ Thuận, cho biết: “Anh Việt là thanh niên cần cù, sáng tạo. Ngày lập gia đình, ra ở riêng anh chỉ có 4.000 m2 đất ruộng do cha mẹ cho nhưng đến nay, vợ chồng anh có trong tay gần 30 ha ruộng, vườn. Đặc biệt, 3 máy cày, 3 máy gặt đập liên hợp và 3 máy cộ lúa của anh có tổng giá trị trên 3 tỉ đồng.
Ngoài tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 thanh niên địa phương, anh còn đứng ra vận động các thành viên trong tổ nhân lúa giống gây quỹ được 22 triệu đồng để giúp cho nhiều thanh niên trong ấp mượn vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, các thanh niên được giúp đỡ đều chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Anh Việt đã được được Tỉnh đoàn, T.Ư đoàn tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và được nhận giải thưởng Lương Định Của 2015.
(Theo Báo Thanh Nien)