tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tích tụ ruộng đất theo hướng nào?

  • Cập nhật : 15/04/2017

Tích tụ và tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là yêu cầu cấp bách nhưng phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, không làm theo phong trào hay làm bằng bất cứ giá nào.

ong nguyen van thanh (ap kinh cung, xa hung dien b, huyen tan hung, long an) rat vui khi nghe nha nuoc ban ve noi han dien. ong co dong lua hon 60ha nhung do vuong han dien nen phai nho gan 40 nguoi than dung ten tren cac giay chung nhan quyen su dung dat cho so dat nay - anh: son lam

Ông Nguyễn Văn Thành (ấp Kinh Cùng, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An) rất vui khi nghe Nhà nước bàn vế nới hạn điền. Ông có đồng lúa hơn 60ha nhưng do vướng hạn điền nên phải nhờ gần 40 người thân đứng tên trên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho số đất này - Ảnh: SƠN LÂM

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như vậy tại hội nghị bàn giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, do Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14-4.

Thiếu chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết sau ba năm thực hiện, Luật đất đai 2013 và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã bộc lộ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách, cản trở quá trình phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Chẳng hạn, theo quy định, hạn mức giao đất không quá 3ha đất trồng cây lâu năm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL và không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với các hộ gia đình, cá nhân các tỉnh còn lại.

Trong khi đó, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình và cá nhân (thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) không quá 10 lần hạn mức giao đất (tức là 30ha và 20ha với hai khu vực kể trên)... chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Do vậy, có trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức phải nhờ người khác đứng tên trên phần diện tích vượt hạn mức.

“Chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn còn gặp rất nhiều khó khăn” - ông Doanh nói.

Ông Nguyễn Đình Khang, bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, cũng cho rằng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần quy mô diện tích lớn, nhưng diện tích đất nông nghiệp của từng hộ tại địa phương này vẫn còn nhỏ dù đã hai lần dồn điền đổi thửa.

Một doanh nghiệp trên địa bàn đã tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn.

“Việc vận động hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hộ dân trong một xã đồng ý cho thuê đất gặp rất nhiều khó khăn... Trong vùng dự án có hộ yêu cầu phải thu hồi đất, có hộ chỉ muốn cho thuê đất... nhưng pháp luật đất đai chưa có quy định cụ thể để giải quyết, dẫn đến nhiều vướng mắc” - ông Khang nêu.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, trong khi 96% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình.

“Chúng ta không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều địa phương áp dụng thành công mô hình tích tụ ruộng đất, nhưng cũng có vài nơi ruộng đất được tích tụ rồi bỏ hoang nhiều năm.

Do đó, ngoài các chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, cũng cần chính sách đánh thuế cao với diện tích đất bỏ hoang” - ông Hà nói.

Mở rộng hạn mức chuyển nhượng?

Để khuyến khích việc tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, theo ông Lê Quốc Doanh, cần sửa đổi Luật đất đai theo hướng bỏ hoặc nới lỏng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thay vì tối đa không quá 20ha hoặc 30ha tùy khu vực như hiện nay.

“Nên xem xét nới lỏng quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt” - ông Doanh nêu kiến nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng qua các lần sửa đổi Luật đất đai từ năm 2003 đã hình thành cơ chế tích tụ ruộng đất thông qua cho thuê, nhượng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng hay quy định mức hạn điền.

Đến Luật đất đai 2013 đã mở rộng thời hạn giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ cá nhân. Tuy nhiên, quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển trang trại sản xuất có quy mô lớn.

Việc tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn khó khăn do quy hoạch chưa rõ, kế hoạch sử dụng đất nhiều nơi chưa phù hợp.

Dù vậy, theo ông Dũng, việc tích tụ đất đai phải phù hợp với từng vùng, từng khu vực, địa phương. Lấy mục tiêu hiệu quả là cuối cùng, không thể tích tụ, tập trung ruộng đất bằng bất cứ giá nào.

“Quan điểm trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải tránh hình thức, tránh phong trào. Đã có nhiều thất bại nếu chỉ làm phong trào, và nếu tích tụ ruộng đất theo phong trào mà không căn cứ nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất cũng sẽ thất bại” - ông Dũng khẳng định, đồng thời cho rằng tích tụ đất đai phải đảm bảo theo nhiều hình thức phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất.

“Phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích người dân tham gia tích tụ đất đai, chủ yếu là nông dân. Tích tụ ruộng đất không làm nghèo hóa người dân, không làm dân mất việc làm, đời sống khó khăn hơn” - Phó thủ tướng nói.

Do đó, theo Phó thủ tướng, cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai.

“Những vướng mắc liên quan đến vấn đề giao đất nông nghiệp lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được chỉ đạo trong tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết của trung ương về sử dụng đất đai trong công cuộc đổi mới đất nước” - Phó thủ tướng cho biết.

Ông Trần Hồng Hà cho biết ngoài một số mô hình cánh đồng mẫu lớn, số lượng các trang trại quy mô lớn cũng đang gia tăng trong thời gian vừa qua, từ hơn 20.000 trang trại vào năm 2011 tăng lên gần 29.400 trang trại vào năm 2015, cho thấy tích tụ ruộng đất đã phát triển tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, không loại trừ khả năng xin tích tụ ruộng đất ban đầu làm nông nghiệp, nhưng sau đó chuyển đổi thành khu đô thị. Do đó, tích tụ lớn đến mức nào phải cân nhắc rất kỹ, bởi năng suất và hiệu quả mới quan trọng.

 

XUÂN LONG
Theo Tuổi Trẻ

Trở về

Bài cùng chuyên mục